Phụ nữ Đồng Tĩnh thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế

Học Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với các phong trào thi đua của hội, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc đã được cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Đồng Tĩnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Từ số tiền 20 triệu đồng vay của quỹ Hội LHPN xã, chị Ngô Thị Thơm (Thôn 5, xã Đồng Tĩnh, Tam Dương) đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 17.000 con gà đẻ trứng cho thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh Hoàng Long

Hội LHPN xã Đồng Tĩnh hiện có hơn 2.200 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội. Những năm qua, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, hội viên đã tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và gắn với việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, để việc học tập và làm theo lời Bác đi vào chiều sâu, mỗi nội dung đã được các chi hội lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề, gắn với các phong trào thi đua cụ thể.

Chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tĩnh cho biết: "Học Bác thực hành tiết kiệm, cán bộ, hội viên của hội đã hưởng ứng tích cực bằng các hình thức tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tiết kiệm điện, nước và duy trì mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” tại 14/14 chi hội. Thực hiện tiết kiệm gắn với "Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, ngoài việc vận động cán bộ, hội viên xây dựng quỹ hội, các tổ, nhóm vay vốn tín dụng tiết kiệm, hội duy trì hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn ở thôn 5 và đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho 766 hộ hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 18 tỷ đồng.

Đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho chị em. Qua đó, giúp chị em hội viên có điều kiện đầu tư vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế và tham gia đóng góp công sức, tiền của để chỉnh trang nhà cửa, xây dựng hệ thống đường giao thông và các công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... tại địa phương". Đến nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả như: Chăn nuôi gà đẻ, bò sữa... cho thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Ngọc Ánh (thôn 1), từ 100 triệu đồng vay ưu đãi từ Ngân hàng NN&PTNT và 20 triệu đồng vay từ quỹ hội cùng với nguồn vốn tự có, cuối năm 2014, chị Ánh đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò sữa và hệ thống máy cắt cỏ, vắt sữa. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị Ánh mở rộng quy mô chăn nuôi, giúp kinh tế gia đình chị phát triển ổn định với thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ riêng gia đình chị Ánh, từ các phong trào tiết kiệm cùng với sự hỗ trợ về vốn, kiến thức của hội đã giúp được 45 hộ nghèo trong xã do phụ nữ làm chủ hộ và đã có 32 hộ vươn lên thoát nghèo; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hội viên.

Học tập và làm theo lời Bác, hội còn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, "Gia đình 5 không, 3 sạch”, duy trì mô hình “Tổ phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường” tại 14 chi hội gắn với việc thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; duy trì các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây nhà mái ấm tình thương, 14 CLB Dân số KHHGĐ với 135 thành viên, 38 Tổ "Phụ nữ không có người sinh con thứ 3"... Qua đó, khơi dậy ý thức thi đua học tập, lao động sáng tạo của cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn; tạo sức lan tỏa sâu rộng của việc cụ thể hóa phong trào vào cuộc sống,nâng cao vai trò của phụ nữ, uy tín của các chi hội.

Theo Lưu Nhung (Báo Vĩnh Phúc)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/phu-nu-dong-tinh-thuc-hanh-tiet-kiem-phat-trien-kinh-te-771555.html