Phù Ninh tập trung sản xuất vụ Xuân

Theo kế hoạch, vụ Xuân năm 2023, huyện Phù Ninh thực hiện gieo cấy 2.350ha lúa, trong đó diện tích lúa lai chiếm 38,2%, lúa chất lượng cao 53,2%, còn lại là lúa thuần; 620ha ngô, 567ha chè, trồng mới 57,8ha hồng không hạt Gia Thanh và 160.000 cây phân tán, 102ha rừng tập trung.

Người dân xã Phú Nham tập trung gieo cấy lúa Xuân đảm bảo khung lịch thời vụ.

Để sản xuất vụ Xuân năm 2023 đạt kết quả tốt, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết bất thuận gây ra, thời gian qua, huyện chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn thực hiện đẩy nhanh tiến độ làm đất, làm đất kỹ giúp đất thoáng khí, giải phóng khí độc trong đất, cải thiện lý tính đất và cắt đứt nguồn sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Phân công cán bộ chuyên môn tăng cường xuống cơ sở chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân gieo mạ Xuân muộn Trà 2 đúng khung lịch thời vụ của tỉnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời hướng dẫn người nông dân, có kế hoạch chuẩn bị giống dự phòng để chủ động ứng phó khi thời tiết bất thường xảy ra. Bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa thủy điện theo các đợt, gồm Đợt 1 từ 0h ngày 6/1 đến 24h ngày 9/1/2023; Đợt 2 từ 0h ngày 1/2 đến 24h ngày 8/2/2023. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc tập trung lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Xuân, đồng thời có biện pháp tích trữ nước vào các kênh mương, ao, hồ, đầm, vùng trũng thấp để đảm bảo nguồn nước tưới cho cả vụ. Chủ động chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây màu vụ Xuân như rau xanh các loại, lạc, ngô….

Theo đồng chí Nguyễn Phúc Suyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Huyện chỉ đạo tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng một giống sử dụng các giống lúa chất lượng cao như J02, TBR225, VNR20…. Mở rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến SRI, làm mạ khay. Ưu tiên sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân bón qua lá, phân hữu cơ; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của đơn vị cung ứng giống... Về giải pháp, tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân dồn đổi ruộng đất, cho thuê, mượn đất sản xuất để có diện tích đất liền vùng từ 1ha trở lên, phục vụ cho việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đối với các xã ven sông Lô có diện tích đất sản xuất tương đồng về thổ nhưỡng và điều kiện giao thông thủy lợi nội đồng tốt, xây dựng các mô hình dồn đổi ruộng đất tập trung để diện tích đất sản xuất của mỗi thửa đạt từ 720 - 1.080m2 trở lên. Các xã miền núi của huyện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ dân, để thành lập các tổ sản xuất có diện tích đất tối thiểu từ 1ha trở lên và chuyển đổi từ trồng cây lâm nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả như hồng không hạt Gia Thanh cho giá trị kinh tế cao...”.

Thực hiện chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn đang tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cấy lúa cao hạn, sâu trũng, kém hiệu quả sang trồng cây hoa màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản; đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, phù hợp cho việc bảo quản, chế biến nông sản gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xử lý môi trường trong chăn nuôi bằng kỹ thuật công nghệ mới. Tích cực vận động nông dân chuyển diện tích lúa lai sang trồng các loại lúa chất lượng cao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương… vào sản xuất. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, phân bón thuốc BVTV, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn nước đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi tự tháo bỏ nước, kể cả những chân ruộng trũng một vụ để đánh bắt thủy sản.

Đối với các cây trồng khác, các địa phương thực hiện rà soát diện tích cây ngô, bố trí sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, trình độ canh tác, thị trường tiêu thụ theo các nhóm về sản xuất ngô sinh khối dùng làm thức ăn chăn nuôi, ngô nếp, ngô rau, ngô ngọt hàng hóa theo hình thức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để chế biến, xuất khẩu và sản xuất ngô lấy hạt theo truyền thống. Mở rộng diện tích, đa dạng hóa cây rau các loại, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các cây rau màu có lợi thế của địa phương, có thị trường tiêu thụ, nhất là diện tích sản xuất rau an toàn, VietGAP, hữu cơ,... Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng giống, vật tư và ký kết hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau củ quả. Trồng mới hồng không hạt Gia Thanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chủ yếu tại các xã trọng điểm như Gia Thanh, Phú Lộc, Bảo Thanh, Trung Giáp, Trị Quận, Phú Mỹ, Liên Hoa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả trên địa bàn; hướng dẫn nông dân mua giống cây ăn quả tại các cơ sở sản xuất đủ điều kiện, hồ sơ nguồn gốc giống rõ ràng, đảm bảo chất lượng theo quy định...

Hiện nay, người nông dân trên địa bàn huyện đang tập trung thu hoạch cây vụ Đông, làm đất, gieo cấy lúa và chăm sóc các cây trồng vụ Xuân. Toàn huyện đã cày được trên 1.500ha, bừa hơn 1.400ha; gieo cấy được 1.320ha lúa, gồm: Xuân sớm (chiếm dưới 2% diện tích), gieo cấy trên diện tích đất trũng, sử dụng giống Thái xuyên 111, giống nếp địa phương; Xuân muộn được bố trí gọn theo từng trà, mỗi trà tập trung gieo mạ trong 5 - 7 ngày, trong đó Trà 1 chiếm 46% diện tích, gieo cấy trên chân vàn thấp, ngập lũ tiểu mãn sử dụng các giống lúa lai Thụy Hương 308, CT 16, Thái xuyên 111, Lai thơm 6... Trà 2 chiếm trên 52% diện tích, thực hiện gieo mạ từ ngày 25/1 đến ngày 5/2/2023, gieo thẳng từ ngày 10/2 đến ngày 20/2/2023, gieo cấy trên chân đất vàn, vàn cao bằng các giống lúa lai, lúa thuần, lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2/2023, có khả năng xảy ra 4 - 5 đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ hạ thấp dưới 15oC trùng vào thời điểm gieo cấy lúa Xuân, do đó huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ, lúa cấy và triển khai quyết liệt, đảm bảo đủ mạ, lúa mới cấy không bị chết rét.... Bên cạnh đó, do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, dịch bệnh có nhiều nguy cơ phát sinh lây lan, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi không chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh; tăng cường quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/phu-ninh-tap-trung-san-xuat-vu-xuan/190427.htm