Phụ huynh chia sẻ cách ngăn chặn trào lưu 'Nói là làm' trên mạng xã hội

Trào lưu trên mạng xã hội 'Nói là làm' đã và đang khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng bởi tác động tiêu cực. Dù việc kiểm soát 'mạng xã hội' rất khó nhưng các bậc phụ huynh vẫn tìm mọi cách để ngăn chặn.

Con cái có muốn “kết bạn” với cha mẹ trên FB?

Trong bài “Có nên đánh đổi mạng sống vì trào lưu “Nói là làm” trên mạng xã hội”, giảng viên tâm lý Trần Thu Hương đã lý giải vì sao người thân hay người trung niên trong danh sách bạn bè của chủ nhân những lời thách thức đó không can thiệp là vì “dù thấy câu chuyện đưa ra bất ổn, điên rồ, nhưng họ nghĩ đây là trò đùa, không xảy ra”. Đây là một thực tế có thật khi đặt giả thiết giả sử một ngày nào đó phụ huynh bắt gặp lời thách thức từ con mình, hoặc bạn bè của con hay con cháu trong gia đình với hàm ý tiêu cực như “nếu đạt 5000 like sẽ không mặc gì, uống nước sông, hoặc cạo trọc đầu, mặc quần áo khác giới…”

Tuy nhiên, còn có thực tế khác nữa là không ít phụ huynh có con ở lứa tuổi còn nhiều bất ổn như giảng viên tâm lý Trần Thu Hương đưa ra (từ “16-25” tuổi) chưa và không thể theo dõi được con trên mạng xã hội.

Một bộ phận phụ huynh, nhất là ở nông thôn không biết mạng xã hội là gì, dù có nghe láng máng, nên chưa thể tiếp cận và quản lý được con từ mạng xã hội. Nói cách khác, con em họ trên mạng xã hội khoe gì, thách thức gì hay viết gì họ không hề biết.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Một bộ phận phụ huynh có sử dụng mạng xã hội nhưng con cái luôn từ chối “kết bạn” với cha mẹ vì sợ bị giám sát, mất tự do.

Hoặc nếu bị cha mẹ “ép” phải kết bạn với cha mẹ để quản lý, giám sát thì con cái có thể đối phó bằng cách lập ngay những “nhóm kín” cùng trang lứa để thoải mái thể hiện quan điểm, cá tính mà cha mẹ không thể biết. Bởi đúng như tên gọi, chỉ những thành viên của nhóm kín mới có thể vào được.

Tất nhiên không thể phủ nhận có những gia đình cha mẹ luôn dành sự quan tâm cho con cái và dường như không có rào cản, không có sự từ chối, không nghĩ cách đối phó…

Những cách ngăn chặn trào lưu “Nói là làm”

Chia sẻ trước trào lưu “Nói là làm” có tính chất tiêu cực trên mạng xã hội, chị Bế Mai Trinh, có con từng nhận học bổng của trường quốc tế BUV (học bổng của hoàng tử Anh năm 2015) đã chia sẻ: Mặc dù giữa chị và con có kết bạn với nhau trên facebook để trao đổi, biết các hoạt động giữa con và gia đình nhưng chị cũng nhận định Trào lưu “Nói là làm” không phải lúc nào cũng xấu. Gia đình chỉ lo lắng khi sự việc “Nói là làm” của giới trẻ không đúng pháp luật, ảnh hưởng xấu tới vật chất, tính mạng của mọi người xung quanh và bản thân trẻ.

Còn chị Dương Thị Minh hiện làm việc lại Misa JSC, đồng thời là một thành viên chủ chốt trong nhóm “Con tự học” trên mạng với sự tham gia của hơn 29.000 thành viên là các bậc phụ huynh nhận định: trào lưu thách thức này thực sự đáng lo. Hiện tại con chị mới 11 tuổi và chị chưa sẵn sàng cho con sử dụng facebook. Theo chị phải khi con qua 13 tuổi thì có thể bàn tiếp đã đến lúc sử dụng facebook hay chưa. Hiện với gmail của chị và con có thống nhất là địa chỉ email của con được khai như là email phụ của mẹ. Mọi email gửi đến/gửi đi cho con thì mẹ đều nhận được một bản.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Một trong những cách được các chuyên gia tâm lý đưa ra nhằm ngăn ngừa những hành động quá khích, tiêu cực của con em mình trong mỗi gia đình là hãy chia sẻ, nói về những câu chuyện báo động lớp trẻ mà mình được chứng kiến từ thực tế, từ báo chí cũng nhận được sự đồng quan điểm của hai vị phụ huynh kể trên, dù việc làm này chưa được thường xuyên, “Nhưng tôi có chọn lọc vài điểm đáng chú ý như việc thách thức đốt trường, việc nữ sinh đánh bạn,... để cùng con trao đổi kiểu "Tại sao?", "Nếu con là ... con sẽ làm gì?", để chuẩn bị dần hiểu biết cho con” – chị Dương Thị Minh cho biết.

Còn chị Trinh chia sẻ thêm là chị phải chọn lọc và chọn cách trao đổi miệng chứ không chia sẻ hình ảnh vì dễ gây phản ứng trái chiều, có thể xem nhiều các cháu dễ bắt chước theo thì sẽ thành tác dụng ngược. Do đó, chị chỉ trao đổi khi cảm thấy những sự việc nào dễ ảnh hưởng tới con.

Những gia đình có con trong độ tuổi dễ bị ảnh hưởng các trào lưu của giới trẻ cũng như mạng xã hội, bên cạnh việc quan tâm đến con cái, phụ huynh cũng cần quan tâm đến các trào lưu xảy ra bột phát bất cứ lúc nào trong cuộc sống để ứng phó hợp lý, thông minh và có hiệu quả.

Trào lưu "Nói là làm" sẽ không xấu nếu phụ huynh hướng con em vào việc tốt, vì cộng đồng. Nguồn; internet.

Một cách ứng phó được chị Minh đưa ra trong tình huống giả định, nếu một ngày bắt gặp những thách thức của con, cháu họ hàng, thân quen của mình, đó là: Viết một comment hóm hỉnh về thách thức điên rồ hay dở hơi của con để "tham gia ngay", hoặc có thể gợi ý cho con vài ý tưởng "Nói là làm" khác mang tính chất thiện nguyện, vì cộng đồng hoặc vượt qua bản thân một cách lành mạnh để con "tham khảo".

Cũng với tình huống tương tự này, chị Trinh tiết lộ cách “tháo gỡ”: Gia đình sẽ cùng trao đổi với cháu và phân tích cho cháu hiểu có nên hay không nên làm, khi làm sẽ ảnh hưởng tới ai, và khi làm sẽ nhận lấy hậu quả gì?, chẳng hạn khi bạn gái đốt trường thì gia đình sẽ phải đền tiền xây dựng lại trường, bản thân bạn đó sẽ bị đi bệnh viện điều trị tâm lý hoặc tâm thần, hay lớn hơn 18 tuổi sẽ bị phạt tù ...

Trong bài phỏng vấn về trào lưu “Nói là làm” trước, giảng viên tâm lý Trần Thu Hương tỏ ra bất lực trước việc trước việc khó kiểm soát mạng xã hội. Thực tế, nếu con em trong gia đình sử dụng “nhóm kín” trong mạng xã hội thì rất khó kiểm soát ngay cả cha mẹ có am hiểu, thông thạo về mạng xã hội. Vì vậy có lẽ một trong những cách “kiểm soát” tốt nhất là phòng ngừa, tác động đến suy nghĩ, nhận thức của giới trẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn tuoitre.vn.

Để phòng ngừa, tôi thấy trong trách nhiệm làm mẹ, mình phải dành thời gian khơi gợi được cho con những khát vọng, đam mê hữu ích, để con có mục đích đủ lớn mạnh mà hướng theo thay vì nghĩ ra các ý tưởng "Nói là làm" gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Cùng với đó, tôi nghĩ bản thân mình luôn tâm niệm phải sống và làm việc sao cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn và sẵn sàng cùng con phân tích, học hỏi khi xung quanh có những hiện tượng đáng quan ngại, thì cũng không cần phải hoang mang – chị Minh chia sẻ.

Bổ sung thêm cách trang bị cho con cách đối mặt hay tránh xa những trào lưu thiếu lành mạnh của giới trẻ chị Trinh tiết lộ: cho các cháu tiếp xúc hay xem những phim, câu chuyện như “Quà tặng cuộc sống” để các cháu hướng tới các việc tốt. Tự bản thân trẻ nhận thức được sự việc tốt xấu thì tùy theo điều kiện xã hội các cháu sẽ tự tránh.

Có lẽ, đã đến lúc phụ huynh cần thận trọng trào lưu thách thức trên mạng và không nên xem thường mạng xã hội, vì mạng xã hội tuy ảo nhưng hậu quả lại thật và khá nguy hiểm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện lệch lạc thì đừng vội quy kết đây chỉ là trò đùa mà bỏ qua. Đừng tiếc một cú điện thoại, hãy liên lạc với gia đình, người thân bởi chưa chắc họ đã biết thông tin, để có hướng giải quyết, tránh hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, bản thân cha mẹ cũng nên sống tích cực, suy nghĩ tích cực để làm gương cho con.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/phu-huynh-chia-se-cach-ngan-chan-trao-luu-noi-la-lam-tren-mang-xa-hoi-216228.html