Phong tục 'cô dâu nhí' vẫn tồn tại ở một số vùng nông thôn Trung Quốc

Truyền thống tong yang xi (cô dâu nhí) ở Trung Quốc bắt nguồn từ những khó khăn tài chính mà những gia đình đông con phải đối mặt. Đến nay, phong tục này vẫn còn tồn tại ở một số vùng nông thôn và gây ra hậu quả khôn lường.

Dù tục lệ này đã chính thức bị cấm từ ngày 1/5/1950, phong tục "cô dâu nhí" vẫn tồn tại ở một số vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Một truyền thống cổ xưa gọi là tong yang xi (cô dâu nhí - cô gái được nhận làm con dâu tương lai trong một gia đình) vẫn tồn tại ở Trung Quốc. Theo đó, một gia đình có thể nhận một bé gái từ khi còn nhỏ và nuôi dạy người này để trở thành vợ tương lai cho một trong những đứa con trai của họ.

Nhưng làm thế nào để những gia đình này có thể tìm được "ứng cử viên" và nuôi dạy người đó? Tại sao phong tục này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay sau khi chính thức bị cấm vào ngày 1/5/1950.

Nguồn gốc của phong tục "cô dâu nhí" ở Trung Quốc

Truyền thống tong yang xi từng phổ biến ở Trung Quốc, bắt nguồn từ những khó khăn tài chính mà những gia đình đông con phải đối mặt. Thông thường, những gia đình này không thể nuôi con gái nên coi việc đưa con đến một gia đình khác như một lối thoát cho tất cả mọi người trong gia đình mình.

Bên cạnh đó, điều này cũng mang lại lợi ích cho gia đình chú rể bằng cách giảm chi phí kết hôn trong tương lai vì không cần phải sắm sính lễ và lễ cưới sẽ đơn giản hơn.

Phong tục này cũng cho phép những người con trai xuất thân từ gia đình bình thường được kết hôn mà không phải chịu gánh nặng tài chính.

Những cô gái nhỏ có số phận làm vợ thường phải làm việc vất vả ở các làng quê ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ngoài ra, việc nhận một cô gái trẻ về nuôi dạy của các gia đình không chỉ đảm bảo cho con trai mình có vợ trong tương lai mà còn giúp những gia đình này có thêm nhân lực lao động.

Số phận của những "cô dâu nhí"

Hầu hết những cô dâu nhí được nhận nuôi đều đến từ những gia đình nghèo khó, bị bỏ rơi bên đường hoặc được mua với giá rẻ từ những bậc cha mẹ tuyệt vọng, bán con trong nạn đói.

Đôi khi các gia đình thường lựa chọn những cô gái lớn tuổi hơn con trai mình một chút về nuôi dạy vì tin rằng họ có thể chăm sóc cho chồng tương lai một cách chu đáo.

Số phận của những cô dâu nhí này rất đa dạng, phần lớn phụ thuộc vào khả năng tài chính ổn định của gia đình nhận nuôi. Điển hình là họ có địa vị thấp kém, gánh nặng công việc gia đình phải học cách nội trợ và thường xuyên bị ngược đãi, thậm chí biến họ thành "công cụ" sinh con.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, những người bị bán cho các gia đình giàu có sẽ nhận được một nền giáo dục tử tế và được dạy những phẩm chất cần thiết cho hôn nhân.

Hôn nhân của những trường hợp này thường diễn ra khi các cô gái ở tuổi 14 hoặc 15. Tuy nhiên, nếu hôn phu của cô gái chết trước đám cưới hoặc từ chối cưới cô thì cô gái này có thể bị ép lấy người khác hoặc thậm chí bị đưa về gia đình ban đầu.

Những gia đình nhân ái hơn có thể nhận họ làm con gái. Tuy nhiên, ở những gia đình khắc nghiệt hơn, họ có thể bị bán làm nô lệ hoặc bị ép làm gái mại dâm.

Phong tục "cô dâu nhí" vẫn tồn tại

Sau khi Trung Quốc ban hành Luật Hôn nhân đầu tiên vào ngày 1/5/1950, tập tục tong yang xi chính thức bị cấm. Theo luật này, các hành vi bị cấm gồm: hôn nhân sắp đặt; cưỡng ép kết hôn; chế độ một vợ, một chồng, vợ lẽ.

Đồng thời, quy định hôn nhân một vợ, một chồng là nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình.

Sau khi được nhận nuôi khi còn rất nhỏ, cuộc hôn nhân của cô gái thường diễn ra ở độ tuổi 14 hoặc 15. Ảnh: Shutterstock

Bất chấp lệnh cấm, truyền thống này vẫn tồn tại ở một số vùng nông thôn Trung Quốc. Vào tháng 2 năm 2006, một vụ việc bi thảm đã xảy ra ở làng Bình Dương, thị trấn Đông Hải, phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, nơi Zhu Shiwen, một giáo viên địa phương, đã giết chết dã man người vợ tong yang xi của mình, Zhu Xiumei.

Vụ việc cũng tiết lộ rằng, ngôi làng miền núi nhỏ này có hơn 4.300 cư dân, trong đó có gần 1.000 "cô dâu nhí".

Zhu Xiumei được đưa về nhà chồng chỉ 4 ngày sau khi cô chào đời. Chồng cô, người khao khát được tự do lựa chọn bạn đời, đã nói về cuộc hôn nhân: "Tôi rất hối hận khi cưới cô ấy. Cả hai chúng tôi đều trở thành vật hiến tế cho tập tục tong yang xi cổ hủ".

Người dân địa phương cho biết sự biệt lập của ngôi làng và điều kiện kinh tế nghèo nàn khiến gần như mọi gia đình đều nhận nuôi một cô gái trong hoàn cảnh như vậy để giải quyết vấn đề nam thanh niên không thể tìm được vợ.

Nguồn: SCMP

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/phong-tuc-co-dau-nhi-van-ton-tai-o-mot-so-vung-nong-thon-trung-quoc-179240506091207317.htm