Phong trào cực hữu Reichsburger: Nguy cơ hiện hữu với an ninh quốc gia Đức

Ngày 7/12, 3.000 cảnh sát và các thành viên lực lượng an ninh Cộng hòa Liên bang Đức đã tiến hành một chiến dịch đặc biệt, đột kích 150 ngôi nhà và bắt giữ 25 kẻ tình nghi, trong đó có nhà quý tộc Heinrich XIII, Hoàng tử Reuß.

Trong số các tang vật bị thu giữ, có một bản danh sách với 18 cái tên những chính trị gia bị coi là đối tượng cần xử lý bằng biện pháp hành quyết hoặc trục xuất, trong số đó có Thủ tướng Olaf Scholz, Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock, lãnh đạo phe đối lập bảo thủ Friedrich Merz và đồng lãnh đạo kiêm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Xã hội: Saskia Esken và Kevin Kuhnert.

Các thành viên tham gia âm mưu đảo chính này đã yêu cầu tất cả phải ký một thỏa thuận giữ bí mật, bất kỳ ai vi phạm đều sẽ bị tử hình. Họ đã mua điện thoại vệ tinh Iridium trị giá 20.000 Euro để liên lạc với nhau một khi mạng lưới viễn thông bị đánh sập - đây rõ ràng là một phần của kế hoạch nhằm gieo rắc hỗn loạn.

Cảnh sát áp giải Heinrich XIII (giữa), người được cho là thủ lĩnh của cái gọi là Phong trào Reichsburger tại Frankfurt ngày 7/12

Cảnh sát áp giải Heinrich XIII (giữa), người được cho là thủ lĩnh của cái gọi là Phong trào Reichsburger tại Frankfurt ngày 7/12

Âm mưu phục hồi Đế chế Đức

Tại nhà của nhiều thành viên đã bị bắt của nhóm đảo chính, cảnh sát tìm thấy nhiều vũ khí hạng nặng. Theo như đánh giá của các công tố viên, đây là một âm mưu táo tợn nhất trong lịch sử Đức kể từ sau Đại chiến Thế giới 2 khi trực tiếp nhằm vào hệ thống đầu não của nhà nước Đức.

“Thời gian để tha thứ và quên lãng đã đi qua, những người đã đe dọa, đã nhốt chặt chúng ta, họ sắp phải đối mặt với một biến động mang tính thời đại, một biến động mở ra một trật tự tư pháp và chính trị mới. Sự thay đổi sắp xảy ra chỉ sau vài tuần nữa, có nghĩa là nó sẽ thực hiện trước Giáng sinh”. “Tướng” tự xưng Eder, người đàn ông có bộ râu xám với giọng nói đậm chất Bavaria, đã cam kết như vậy trong một video cách đây hơn một tuần đã được đăng tải trên kênh Telegram QAnon Đức, một diễn đàn cực hữu khá nổi tiếng trên mạng.

10 ngày sau, sáng sớm ngày 7/12, Maximilian Eder, 64 tuổi, đã bị bắt tại thành phố Perugia của Ý, trong một chiến dịch truy quét lớn nhất từ trước đến nay của Đức chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Cùng với 25 đồng phạm, Eder bị cáo buộc lập kế hoạch lật đổ nhà nước bằng biện pháp bạo lực, dựng lên chính phủ “bóng tối” do một quý tộc nhỏ người Đức lãnh đạo và âm mưu liên lạc với Nga để đàm phán lại các hiệp ước hậu Thế chiến thứ hai.

Lực lượng an ninh gồm 3.000 cảnh sát đã tiến hành chiến dịch truy quét rộng lớn trên khắp nước Đức

Lực lượng an ninh gồm 3.000 cảnh sát đã tiến hành chiến dịch truy quét rộng lớn trên khắp nước Đức

Mặc dù không ai trong số những kẻ âm mưu đảo chính là nhân vật nổi tiếng của công chúng, nhưng nền tảng xã hội của họ khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Họ là những bác sĩ gia đình, thẩm phán, chuyên gia ẩm thực và ca sĩ opera, hầu hết đều có một đời sống khá giả và được xã hội kính trọng. Kênh truyền hình ZDF đưa tin, một quan chức từ Văn phòng Cảnh sát Hình sự Lower Saxony cũng đang bị điều tra vì có liên hệ với nhóm này.

Nòng cốt của nhóm này là những người đàn ông đã được huấn luyện quân sự giống như Eder: Tiểu đoàn trưởng thiết giáp của lục quân Đức từ năm 1998 đến 2000, đã từng phục vụ ở Kosovo và Afghanistan và là một trong các thành viên sáng lập Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Đức (KSK). Một cựu chỉ huy Tiểu đoàn nhảy dù 251 cũng đã được chỉ định làm thủ lĩnh của "cánh quân sự" của nhóm khủng bố.

Nhưng sự tham gia của một cựu thành viên nghị viện Liên bang, người thuộc đảng cực hữu AfD đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất: với tư cách là một cựu nghị sĩ, Birgit Malsack-Winkemann chắc chắn sẽ có những hiểu biết sâu về hệ thống an ninh và các khả năng tiếp cận các tòa nhà quốc hội ở trung tâm Berlin.

Cảnh sát phong tỏa khu vực truy quét thành viên nhóm cực hữu bị nghi âm mưu đảo chính ở Berlin, Đức, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát phong tỏa khu vực truy quét thành viên nhóm cực hữu bị nghi âm mưu đảo chính ở Berlin, Đức, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Henry XIII, Hoàng tử xứ Reuß, nhà quý tộc 71 tuổi, người đã bị bắt ở West End của Frankfurt vào sáng thứ Tư, đã được các công tố viên nhận định là thủ lĩnh của nhóm âm mưu đảo chính. Nếu kế hoạch của họ thành công, ông ta sẽ được nhóm này cử vào vị trí người đứng đầu “chính phủ cách mạng”.

Là hậu duệ của House Reuß, vương triều đã cai trị ở miền Đông nước Đức trong khoảng 800 năm, Heinrich đã có bài phát biểu dài 16 phút tại một hội nghị về kinh doanh kỹ thuật số ở Zurich vào năm 2019, một bài phát biểu ngập tràn các thuyết âm mưu cực hữu.

Henry XIII nói rằng, sau hàng nghìn năm cai trị, triều đại của gia đình ông ta đã bị "thất sủng" sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cuộc xung đột do "các thế lực ngoại bang" kích động. Ông tuyên bố rằng các thế lực đen tối đằng sau mọi cuộc chiến tranh của thế kỷ 20 là dòng họ Do Thái Rothschild và Hội Tam Điểm. "Kể từ khi Đức đầu hàng, nó chưa bao giờ có chủ quyền nữa. Nó đã trở thành một cấu trúc hành chính của các đồng minh", Henry III nói. Ông ta và các đồng phạm trong nhóm âm mưu đảo chính dự định rằng sau khi giành được chính quyền sẽ đưa nước Đức trở lại chế độ quân chủ và sẽ đàm phán lại tất cả mọi hiệp định mà Đức đã ký kết trước đây. Trước tiên sẽ là các cuộc đàm phán với Nga.

Cảnh sát Đức áp giải một nghi phạm trong vụ bắt giữ nhóm theo phong trào cực hữu ở Karlsruhe hôm 7/12. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát Đức áp giải một nghi phạm trong vụ bắt giữ nhóm theo phong trào cực hữu ở Karlsruhe hôm 7/12. Ảnh: Reuters.

Bằng cách bác bỏ mọi hiệp ước quốc tế mà nước Đức đã ký từ sau Đại chiến 2, Henry XIII và những người phản đối hiệp ước này - các thành viên phong trào Reichsburger (Công dân đế chế) cho rằng đế chế Đức vẫn tiếp tục tồn tại bởi vì sau Thế chiến thứ hai Đức mới chỉ ký hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Vì thế Cộng hòa Liên bang Đức hiện nay là bất hợp pháp - theo họ đó chỉ là "sự mô phỏng của một quốc gia".

Nicholas Potter, một nhà phân tích theo dõi các mạng lưới cực hữu, các tổ chức phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, cho biết: “Các khuynh hướng cực hữu cũng khá chia rẽ nội bộ, một số người muốn mang Kaiserreich (đế chế Đức tồn tại từ năm 1871 đến 1918) trở lại, những người khác lại muốn Đệ tam Quốc xã (Đức Quốc xã của Hitler)”.

Trong một bức thư ngày 9/6/2020, sau đó được chia sẻ rộng rãi trên kênh Telegram QAnon của Đức, Heinrich XIII hứa sẽ tiếp tục "cấu trúc đúng đắn theo luật pháp quốc tế" bằng cách tái lập một quốc gia theo hình mẫu của Kaiserreich. Ông này hình dung đế chế mới là một quốc gia tinh gọn với "một quốc hội có tối đa 201 đại biểu và 5 bộ". Luật bầu cử sẽ được cải cách. Trong bức thư này, Heinrich XIII phàn nàn rằng kế hoạch của ông không chỉ cần sự hỗ trợ của những đồng minh mà còn cả một guồng máy quân sự của những người yêu nước "mà rất tiếc là hiện không thể dễ dàng hợp nhất với nhau".

Một nguy cơ hiện hữu

Âm mưu đảo chính vừa bị phát giác với nhiều người dường như giống như một một câu chuyện trinh thám mang tính hư cấu nhiều hơn là một thực tế. Nhưng thực ra đây là một hiểm họa hoàn toàn có thật. Điều này được khẳng định với số lượng vũ khí mà các thành viên nhóm âm mưu đảo chính sở hữu, giấy phép mang vũ khí họ có và số lượng đông đảo các thành viên có kỹ năng quân sự thành thục đến từ lực lượng cảnh sát và quân đội.

Mặc dù ít được biết đến ở nước ngoài cho đến nay, nhưng trong những năm gần đây, thuyết âm mưu Reichsburger ngày càng trở nên quen thuộc với người Đức. Giữa năm 2022, Peter Frank, công tố viên trưởng của Đức, đã cảnh báo về sự cực đoan hóa của các phong trào cánh hữu, đặc biệt là Reichsburger, những người mà theo ông, đang trở nên "ngày càng sẵn sàng sử dụng bạo lực". Ông nói thêm: "Sẽ là không khôn ngoan nếu bỏ qua mối nguy hiểm này".

Những người tự coi mình là một Reichsburger thường xuyên bác bỏ tính hợp hiến của nhà nước Đức hiện đại bằng cách từ chối nộp thuế và xung đột với chính quyền. Theo Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV), hiện có khoảng 21.000 người theo chủ thuyết Reichsburger ở Đức và 5% trong số họ - được cho là những kẻ cực đoan. Vào năm 2021, BfV đã quy trách nhiệm về 1.011 vụ phạm tội cho nhóm cánh hữu cực đoan này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phong trào Reichsburger nguy hiểm đến mức độ nào đối với nước Đức hôm nay? Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser trong một cuộc phỏng vấn với báo Bild am Sonntag đăng ngày 11/12 cảnh báo Reichsbuerger là mối đe dọa ngày càng lớn đối với đất nước khi tổ chức này đã tuyển mộ thêm được 2.000 người, nâng tổng số thành viên lên 23.000 chỉ trong năm qua.

"Họ không phải những người điên khùng vô hại mà là các đối tượng khủng bố. Chúng tôi cần mọi thẩm quyền để gây áp lực tối đa nhằm loại bỏ vũ khí của họ, đó là lý do chính phủ sẽ thắt chặt hơn nữa luật kiểm soát súng đạn trong tương lai gần", Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết.

Theo những gì các công tố viên cho biết, để thực hiện kế hoạch của mình, nhóm âm mưu đảo chính này đã thành lập một nhánh quân sự, cố gắng tuyển dụng thêm nhân sự bằng cách thuyết phục các nhân viên cảnh sát và binh sĩ quân đội tham gia. Cũng theo các công tố viên, những kẻ âm mưu đảo chính dường như sẵn sàng sử dụng bạo lực. "Các thành viên của tổ chức nhận thức được rằng mục tiêu của họ chỉ có thể đạt được thông qua việc sử dụng các phương tiện quân sự và bạo lực chống lại các quan chức nhà nước", công tố viên nói thêm. "Nó cũng bao gồm cả việc thực hiện các vụ giết người".

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ die Zeit, Miro Dittrich, một chuyên gia nghiên cứu về các tổ chức cực hữu nói: “Sự thành công của một vụ đảo chính kiểu này sẽ có xác suất rất thấp, nhưng mạng lưới này có nhiều khả năng tiếp cận với các loại vũ khí, những âm mưu nổi dậy của họ sẽ là mối đe dọa lớn với tính mạng người dân. Sẽ có nhiều máu đổ và nhiều cái chết nếu nó xảy ra”.

Dương Thắng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/phong-trao-cuc-huu-reichsburger-nguy-co-hien-huu-voi-an-ninh-quoc-gia-duc-i677856/