Phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ

Tại Cà Mau đã ghi nhận 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (ÐMK), hiện đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Tính chung khu vực phía Nam, từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận 153 trường hợp mắc bệnh ÐMK tại 13/20 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 trường hợp tử vong liên quan bệnh ÐMK (TP Hồ Chí Minh 6 ca, Kiên Giang 1 ca).

Tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Cà Mau khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Bác sĩ Ðoàn Văn Nam, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết, ÐMK là bệnh truyền nhiễm nhóm B, gây dịch. Ðây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do vi rút ÐMK gây ra. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong, đặc biệt trên nhóm người bị suy giảm miễn dịch nặng. Các biến chứng là nhiễm trùng da, niêm mạc; viêm mô tế bào, viêm mô mềm hoại tử; nhiễm trùng giác mạc; viêm phổi, suy hô hấp; viêm não; nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng; viêm tắc mạch bạch huyết.

ÐMK có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục, tiếp xúc với tổn thương da, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Các biện pháp phòng ngừa chung để chống lây nhiễm ÐMK là tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh ÐMK). Tránh tiếp xúc trực tiếp với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm ÐMK, như khăn trải giường, quần áo người bệnh. Cách ly, điều trị người bệnh tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy theo tình trạng bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng bệnh ÐMK, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ bệnh, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng bệnh ÐMK, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ bệnh, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc xin, sử dụng vắc xin để phòng bệnh ÐMK cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Ðể phòng lây nhiễm tại các cơ sở điều trị phải thực hiện nghiêm việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ và xác định; tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với nhân viên y tế, người chăm sóc và người bệnh khác tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Bác sĩ Ðoàn Văn Nam cho biết thêm, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn chuyên môn về điều trị cũng như phòng, chống dịch ÐMK để sẵn sàng đáp ứng với dịch bệnh khi xâm nhập vào tỉnh; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn về các giải pháp ứng phó với dịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh theo từng giai đoạn; tăng cường công tác phối hợp truyền thông phòng, chống bệnh ÐMK tại cộng đồng bằng nhiều hình thức; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn huyện, thành phố; phát hiện sớm, tiến hành điều tra làm rõ các yếu tố dịch tễ liên quan, điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần. Nhân viên y tế lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày, từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Thực hiện tập huấn giám sát, xử lý ổ dịch bệnh ÐMK cho trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn.

“Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, để phòng chống bệnh ÐMK, ngành y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc bệnh ÐMK, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Ðồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục. Ðảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe”./.

Quỳnh Anh - Băng Thanh - Lê Tuấn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phong-tranh-benh-dau-mua-khi-a31522.html