Phóng sinh cá chim xuống sông Hồng: Mất thời gian, gây hại

Theo một vị nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, việc phóng sinh cá chim trắng xuống sông Hồng sẽ làm môi trường môi sinh bị biến đổi.

Phải xem xét dịch bệnh

Xung quanh thông tin về việc một nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh nhiều loại cá xuống sông Hồng (trước cửa Đình Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) với sự tham gia của hơn 1.000 phật tử đã gây xôn xao dư luận.

Đặc biệt, tại lễ phóng sinh, xuất hiện hình ảnh nhiều thùng cá được cho là loại cá chim trắng. Nhiều người lo ngại việc thả phóng sinh loại cá này sẽ phá hủy hệ sinh thái sông Hồng.

Để rõ ràng hơn về những lo ngại này, chiều ngày 9/2, chia sẻ với báo Đất Việt, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: "Trước hết phải nói về tục lệ lấy cá đi thả xuống sông là việc cần tuyên truyền người dân nên bỏ.

Bởi việc này sẽ làm mất thời gian của người đi thả, chưa kể những loài cá đó lại có mầm bệnh. Người dân cần có thời gian làm sản xuất, công tác, học hành chứ không phải đi thả cá.

Việc đi thả cá hay phóng sinh cá mỗi năm chỉ có 1 lần thôi, tôi không hiểu sao Tết lại có tục lệ thả cá, đây là việc nên xem lại".

Hàng ngàn người dân, tín đồ phật tử tham dự buổi lễ phóng sinh.

Hàng ngàn người dân, tín đồ phật tử tham dự buổi lễ phóng sinh.

Ông Hồng cho biết thêm: "Không thể cầu mong thần linh thông qua 1 việc làm nào đó để họ ban phước cho mình, việc này theo tôi ảnh hưởng nhất là giới trẻ, các con các cháu, thế hệ học sinh sau này cũng làm vậy thì còn đâu thời gian để nghiên cứu, học hành, làm việc. Gần đây, có 1 số chương trình tố cáo lễ hội, cúng tế... tất cả những việc này người ta gọi là tập quán xấu".

Nói về thông tin phóng sinh cá chim trắng xuống sông Hồng, vị nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: "Những loài cá hiện đang có ở sông Hồng không phải loài cá này. Nếu phóng sinh cá chim trắng xuống sẽ làm môi trường môi sinh bị biến đổi.

Ở sông Hồng rất cần những loại cá như cá anh vũ, những loại cá ngày xưa người Việt Nam hay dùng. Tổng cục thủy sản cần phải hướng dẫn người dân xem chỗ nào nên thả cá, chỗ nào không, xem xét dịch bệnh ra sao chứ không phải thả bừa bởi nước sông cũng có mật độ nhất định."

Không gây hại

Trong khi đó, cùng ngày, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc sở NN&PT NT Hà Nội cho hay: “Cá chim trắng có nguy cơ xâm hại nhưng vẫn được phép nuôi ở ao hồ. Vì vậy, nếu thả ra sông Hồng cũng không ảnh hưởng nhiều lắm”.

Cá chim trắng trong lễ phóng sinh ngày 5-2. Ảnh: Báo Vietnamnet

Trước đó, báo chí đưa tin, ngày 5/2 (mùng 9 tháng Giêng), hàng ngàn người từ các tỉnh, thành đã đổ về bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) tham dự lễ phóng sinh do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì.

Cũng theo thông tin được đăng tải đã có 8 xe tải chở gần 10 tấn cá đã được phóng sinh, trong đó, có cả loài cá chim trắng.

Đại đức Thích Nghiêm Giám, đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Quang (chùa Phật Quang - núi Dinh, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, việc phóng sinh là truyền thống tốt đẹp, thể hiện lòng từ bi của người con Phật.

"Buổi lễ hôm 5/2 tổ chức, nhà chùa có đặt mua theo đầu mối khoảng 7 tấn cá các loại để tiến hành phóng sinh. Trong đó, có khoảng 2 tấn cá mè trắng, 2 tấn cá trôi, 1,5 tấn cá chép, 1,5 tấn cá trê.

Các loại cá được chọn phóng sinh đều đã được tham khảo và phù hợp với môi trường ở đây chứ không phải thả bừa, không tham vấn", Đại đức Nghiêm Giám thông tin.

Cũng theo Đại đức này, thì trong quá trình buổi lễ diễn ra, một số gia đình phật tử, người dân có gửi kèm vào các loại ốc, cá và các loại thủy, hải sản sống dưới nước được để phóng sinh.

"Ở đây, chắc có lẽ không biết nên trong lúc đông người, một số người dân mới mua loại cá chim trắng rồi chuyền xuống để thả. Việc này là ngoài sự kiểm soát của chúng tôi và cũng nằm ngoài lượng cá mà đã đặt mua đúng chúng loại trước đó.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin đăng tải, chúng tôi cũng đã có liên lạc với cơ quan chức năng của ngành thủy sản thì được biết, loại cá chim trắng mà hình ảnh chụp đó là loại được phép nuôi trồng và không nằm trong danh mục cấm, gây hại cho môi trường.

Còn loại cá bị cấm là loại cá hổ hay cá cọp ở Nam Mỹ cũng nguy hiểm như rùa tai đỏ nên không có chuyện thả loại này.

Chúng tôi cũng mong rằng, mọi thông tin cần được tìm hiểu rõ ràng chứ không nên đưa như vậy, khiến mọi người hiểu chưa đúng vấn đề", Đại đức Nghiêm Giám bày tỏ.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phong-sinh-ca-chim-xuong-song-hong-mat-thoi-gian-gay-hai-3328833/