Phòng ngừa, xử lý cháy, nổ ngay từ cơ sở

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, gây thiệt hại 3,619 tỷ đồng; quý I/2023 xảy ra 3 vụ cháy. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại nhà dân, do bất cẩn trong việc quản lý nguồn lửa và sự cố hệ thống điện. Thực tế các vụ cháy, nổ trên toàn quốc và tại Hòa Bình cho thấy đều diễn biến rất nhanh. 'Nước xa không cứu được lửa gần', lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mau lẹ đến đâu khi đến nơi, hỏa hoạn cũng đã gây thiệt hại. Vì vậy, công tác phòng ngừa và xử lý sự cố cháy, nổ ban đầu ngay từ cơ sở rất quan trọng.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh phát tờ rơi và tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC cho hộ kinh doanh trên đường Cù Chính Lan, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình).

Với tinh thần phòng ngừa là chính, xử lý hiệu quả ngay khi mới phát sinh từ đốm lửa nhỏ, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã hướng dẫn và phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức các buổi tập huấn. Tính từ đầu năm đến ngày 9/5, phòng đã tổ chức 42 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC cho 10.152 lượt người; 13 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 804 đội viên đội PCCC cơ sở và dân phòng. Công an các huyện, thành phố cũng xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền tập huấn cho lực lượng PCCC cơ sở.

Công an thành phố Hòa Bình đã phối hợp với phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, UBND phường Quỳnh Lâm tổ chức tập huấn, huấn luyện PCCC cho trên 150 người là cán bộ cơ sở, đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn và Công an phường. Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lâm Nguyễn Đình Hiếu cho biết: Thông qua tập huấn, tôi thấy rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, nhất là từ khi thực hiện Luật PCCC và phân cấp quản lý theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khi được phân cấp, phường chủ động trong bố trí và củng cố lực lượng PCCC cơ sở.

Cùng với giới thiệu những nội dung cốt lõi trong các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, lực lượng công an huấn luyện lực lượng chữa cháy cơ sở, người dân cách sử dụng bình chữa cháy xách tay, chăn ướt để dập lửa; cách cứu nạn, thoát nạn trong đám cháy. Đồng thời, kết hợp phát tờ rơi tại hộ gia đình, nhất là các hộ nhà ở kết hợp kinh doanh nguy cơ cháy, nổ cao. Gia đình bà Trần Thị Bốn - hộ kinh doanh tạp hóa ở tổ 4, phường Quỳnh Lâm sau khi được tuyên truyền đã nâng cao ý thức, tự mua bình chữa cháy xách tay và sắp xếp hàng hóa gọn gàng, đảm bảo lối thoát nạn, cài app báo cháy 114.

Bài học về chuẩn bị bình chữa cháy xách tay và cách sử dụng đã được bà Nguyễn Thị Nông - người kinh doanh tạp hóa ở tổ 11, phường Thịnh Lang thấm thía. Bà Nông cho biết: Ngay sát cửa hàng của tôi có đường dây điện và đã từng xảy ra cháy, lửa bắn ra bén vào hàng hóa. Rất may khi đó có người hàng xóm biết cách sử dụng bình chữa cháy đến phun dập lửa kịp thời, nếu không gia sản đã bị thiêu rụi.

Nhằm phòng ngừa và xử lý cháy, nổ ngay từ cơ sở, lực lượng Công an đã tham mưu UBND các huyện, thành phố tích cực chỉ đạo các phường, xã, thị trấn xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Nhân dân. Tính đến ngày 9/5/2023, toàn tỉnh thành lập được 67 tổ liên gia an toàn PCCC, 34 điểm chữa cháy công cộng. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, để các mô hình phát huy hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, các thành viên tổ liên gia cần nắm kiến thức, quy định về PCCC và rèn luyện kỹ năng thực tế. Quan tâm nhân rộng mô hình này để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cẩm Lệ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/177833/phong-ngua,-xu-ly-chay,-no-ngay-tu-co-so.htm