Phòng ngừa hỏa hoạn tại chợ, trung tâm thương mại dịp tết

Dịp tết là thời điểm các chợ, trung tâm thương mại và cơ sở sản xuất kinh doanh ở Hà Tĩnh tập trung lượng lớn hàng hóa trong khi thời tiết vào mùa này thường hanh khô, lượng điện năng tiêu thụ nhiều nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ.

Bà Lê Thị Xuân, chủ ki-ốt kinh doanh vàng mã ở chợ TP Hà Tĩnh đã chủ động nhập về lượng lớn hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp hàng, bà Xuân đã để vàng mã che khuất bình chữa cháy, kín lối đi và thậm chí xếp gần ổ điện. Điều này tiềm ẩn cao nguy cơ cháy nổ nếu không may có sự cố về điện.

Trong quá trình cùng nhân viên Ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh đi kiểm tra công tác an toàn phòng chống cháy nổ (PCCN), cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH - Công an tỉnh) đã phát hiện ra sơ suất này và kịp thời nhắc nhở bà Xuân cũng như tất cả các tiểu thương kinh doanh vàng mã chấn chỉnh.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh nhắc nhở tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh sắp xếp hàng hóa gọn gàng khi kinh doanh.

Bà Xuân chia sẻ: “Do hàng nhiều nên chúng tôi đã tận dụng các chỗ trống ở lối đi, bình chữa cháy, khu vực bảng điện để xếp hàng. Tuy nhiên, sau khi được các cán bộ khuyến cáo, nhắc nhở, bà con tiểu thương chúng tôi đã sắp xếp lại hàng gọn gàng để phòng nguy cơ cháy nổ”.

Được biết, ngoài nhắc nhở tiểu thương sắp xếp lại hàng hóa đảm bảo an toàn cháy nổ, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức huấn luyện kiến thức PCCC, hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy cho Ban Quản lý và tiểu thương trong chợ nhằm giúp người có trách nhiệm, các tiểu thương, người dân nắm vững các quy định của Nhà nước, địa phương về công tác PCCC&CNCH. Đồng thời, nâng cao ý thức, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm công tác PCCC; chủ động phòng ngừa và tổ chức chữa cháy có hiệu quả các vụ cháy nổ xảy ra trong quá trình kinh doanh tại chợ.

Hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy tại chợ TP Hà Tĩnh.

Chợ TP Hà Tĩnh là một trong những khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh. Chợ có khoảng 2.000 ki-ốt kinh doanh đủ các loại hàng hóa từ quần áo, dày dép, nông sản, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, vàng mã... Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của chợ xây dựng khá lâu, nhiều khu vực kinh doanh bị xuống cấp, quá tải. Điều này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nếu không có phương án, kế hoạch PCCC bài bản.

Ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh đảm bảo an toàn cháy, nổ.

Ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Thực tế đã có một số vụ cháy xảy ra ở các chợ xuất phát từ ý thức chủ quan, lơ là của tiểu thương và thiệt hại là vô cùng lớn. Để nâng cao ý thức PCCN cho các tiểu thương, nhất là vào cao điểm dịp tết này, chúng tôi đã tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh tuân thủ các quy định an toàn về PCCN; không tự ý kéo thêm dây điện, dẹp bỏ việc cơi nới, bày bán hàng hóa chiếm lối đi, lối thoát hiểm. Chợ cũng bố trí đảm bảo quân số trực 24/24h, định kỳ kiểm tra thiết bị, dụng cụ PCCC và tiến hành rà soát, sửa chữa hệ thống điện tại các ki-ốt”.

Thời gian này, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng sản xuất kinh doanh ở Hà Tĩnh đang tập trung khối lượng hàng hóa lớn để phụ vụ khách hàng dịp tết. Các đơn vị cũng tập trung cao cho công tác PCCN, các đội PCCC cơ sở thường trực 24/24h để kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác thường trực PCCC tại phòng bảo vệ của Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh.

Tại Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, công tác PCCC vốn dĩ đã được đơn vị thực hiện bài bản thì dịp cao điểm này lại càng nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Chị Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc siêu thị cho biết: “Với số lượng mặt hàng, hàng hóa kinh doanh lớn, công tác PCCC tại siêu thị luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Chúng tôi luôn quán triệt nhân viên không được hút thuốc lá hay làm phát sinh nguồn nhiệt trong khuôn viên siêu thị. Toàn bộ nhân viên cũng đã được tăng cường huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra".

Với số lượng hàng hóa kinh doanh lớn nên công tác PCCC tại siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh luôn được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh việc tích trữ nhiều hàng hóa thì vào dịp tết Nguyên đán, lưu lượng người tới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại giai đoạn này rất đông. Nhu cầu sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng phục vụ buôn bán, sản xuất cũng tăng cao. Chỉ cần lơ là, chủ quan là cháy, nổ sẽ xảy ra, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 113 vụ cháy, nổ và sự cố cháy, làm chết 1 người, bị thương 3 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Trước tình hình đó, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ tại tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa, cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ tết. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo các chủ cơ sở, người dân sử dụng thiết bị điện; sắp xếp hàng hóa bảo đảm khoảng cách an toàn; thực hiện đốt vàng mã, thắp hương đúng nơi quy định.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp công an các đơn vị tuyên truyền kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH; phát tờ rơi tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lực lượng cơ sở, từ đó làm tốt công tác phòng cháy, kịp thời xử lý tốt các tình huống cháy, nổ xảy ra.

Công tác bảo dưỡng thiết bị chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thường xuyên được duy trì.

Thượng tá Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: “Để chủ động làm tốt công tác PCCC trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán, đơn vị đã triển khai kế hoạch kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các điều kiện về an toàn PCCC; kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu, đội viên đội PCCC cơ sở trong việc triển khai thực hiện các yêu cầu về PCCC; các giải pháp trong việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các chất dễ cháy. Bên cạnh đó, kiểm tra hệ thống giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy cũng như khả năng hoạt động của phương tiện, thiết bị chữa cháy".

Văn Chung - Anh Khởi

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/an-ninh-trat-tu/phong-ngua-hoa-hoan-tai-cho-trung-tam-thuong-mai-dip-tet/260553.htm