Phòng ngừa 'giặc lửa' ngay từ mỗi địa bàn dân cư – Chỉ 'nói' không, chưa đủ…(3): Định hình những cách làm

Từ đòi hỏi cấp thiết trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn ở cơ sở, đặc biệt, nhìn nhận rõ đâu là những yếu tố còn yếu, còn tồn tại, phải cần sự đột phá; lực lượng Công an nhiều cấp xã, phường, quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã vừa chủ động tham mưu, vừa triển khai những cách làm, mô hình theo hướng tăng cường cán bộ có chuyên môn sâu về PCCC&CNCH cho cơ sở. Trong đó, nhiều mô hình có tính khả thi, nhân rộng cao, và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền cơ sở, người dân.

Mới chỉ dừng ở giai đoạn…tiếp cận văn bản

Nghị định 136 với 17 danh mục trong Phụ lục IV có hiệu lực từ tháng 1-2021. Rất giá trị là thời điểm đó, tại 100% xã trên địa bàn TP. Hà Nội, lực lượng Công an chính quy đã được điều động về nhận nhiệm vụ. Nơi “mỏng” thì biên chế 5 – 7 cán bộ chiến sỹ; ở địa bàn trọng điểm lên tới 20 người. “Công an chính quy về xã, công tác triển khai những chủ trương, chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực PCCC nói riêng bài bản và hiệu quả hơn”, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh – Phó đội trưởng đội CS PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đánh giá.

Công tác diễn tập ở nhiều khu dân cư vẫn phải "mời" cán bộ CAQ về hướng dẫn

Theo Thiếu tá Mạnh, thời gian qua, liên quan đến công tác phòng ngừa, trang bị kiến thức, kỹ năng cho chính lực lượng cơ sở, Cục CS PCCC&CNCH (Bộ Công an) có Sổ tay, hệ thống bảng biểu, biểu mẫu để hướng dẫn. Tiếp đến, CATP Hà Nội và Công an các quận, huyện, thị xã định kỳ trong năm đều tổ chức tập huấn chuyên đề cho Công an xã cũng như lực lượng chữa cháy cơ sở. Dưới nữa, “cấp” khu dân cư, tổ dân phố, nhiều xã, phường cũng đã chủ động phối hợp lực lượng chữa cháy, cứu hộ chuyên nghiệp để tổ chức hướng dẫn, tập huấn, trang bị kiến thức cho đội viên bảo vệ dân phố và người dân…

Nhưng, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh chia sẻ, “thực tế nhiều Công an xã hiện nay mới chỉ đang dừng ở góc độ tiếp cận văn bản”. Theo đồng chí Phó đội trưởng đội CS PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là lĩnh vực đòi hỏi tính nghiệp vụ, chuyên sâu, bài bản. Trong công tác quản lý Nhà nước về TTXH, “lính” phòng cháy, chữa cháy có thể tăng cường, hỗ trợ cho những đơn vị, phần việc khác, ví dụ như thực hiện Đề án 06/CP thời gian vừa qua. Nhưng ngược lại, đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, sự tương hỗ hay kiêm nhiệm sẽ khó để phát huy hiệu quả cao. Cán bộ làm công tác tuyên truyền, kiểm tra về PCCC mà chưa hội đủ kiến thức, chưa “thuộc bài”, thậm chí, thiếu kỹ năng để chuyển tải kiến thức, thì sẽ không thể đạt được yêu cầu. Đó chỉ mới riêng “mảng” tuyên truyền; theo Phụ lục IV của Nghị định 136, trách nhiệm của cán bộ cấp xã còn phải kiểm tra và thiết lập bộ hồ sơ đối với 17 loại hình cơ sở trong danh mục, trong đó có loại hình hoàn toàn mới như cửa hàng tạp hóa “kiêm” nhà dân, vốn đang rất nhiều ở các xã, phường. Tình trạng “mới chỉ tiếp cận hồ sơ” ở nhiều cán bộ cơ sở chính là rào cản để có được phương án phòng cháy hiệu quả cho từng loại hình. Và như thế, tất yếu mục đích hình thành vững vàng thế trận phòng ngừa hỏa hoạn ở cấp cơ sở ít nhiều bị ảnh hưởng.

Xe thang về khu tập thể cao tầng để tham gia diễn tập phương án cứu hộ

Trong cái khó và trước những đòi hỏi quyết liệt của thực tế ấy, đã có những suy nghĩ, trăn trở, và cách làm. Như tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; trước “bài toán” trên 500 cơ sở thuộc diện quản lý theo Phụ lục IV, lực lượng Công an phường tham mưu UBND phối hợp cùng đội CS PCCC&CNCH quận phân loại từng nhóm, loại hình cơ sở, từ đó tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức và kiểm tra “điểm”. Cán bộ phường tham gia tập huấn, và từ những kỹ năng, kiến thức mà Đội chuyên thể hiện, sẽ phải tự học, nghiên cứu, áp dụng để triển khai cho toàn bộ các cơ sở còn lại.

Hay như cách làm của Đội CS PCCC&CNCH Công an huyện Gia Lâm; để giúp cán bộ xã hình dung hơn về công việc phải làm, thì những buổi tập huấn, một nửa thời gian sẽ đi thực tế tại cơ sở, một nửa thời gian để trang bị lý thuyết, rồi kiểm tra và phát chứng chỉ, chứng nhận. Chỉ những hộ, cán bộ vượt qua vòng kiểm tra mới được cấp chứng nhận, chứng chỉ.

Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi ghi nhận quan điểm hợp lý từ lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Huy Toàn – Phó Chủ tịch. Đó là trong công tác tuyên truyền, tập huấn về PCCC&CNCH tại cơ sở, phải quy định rõ trách nhiệm tham gia đối với từng đối tượng. Phải là chủ nhà, chủ cơ sở, hay những người thường xuyên sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt tại cơ sở nằm trong danh mục Phụ lục IV tham gia tập huấn. “Chúng ta có suy nghĩ gì trước thực tế nhiều buổi tập huấn cấp thôn, xóm, nhiều gia đình cử người già, trẻ nhỏ đi cho…đủ quân số?”, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Toàn đặt câu hỏi, và cho rằng xã, phường phải quyết tâm chính trị cao; phải đưa vào tiêu chí thi đua đảm bảo an toàn PCCC để đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ. Về lâu dài, cần tính toán chủ trương đào tạo hoặc tăng cường cán bộ cơ sở có chuyên môn về PCCC mà không nhất thiết nằm trong biên chế của lực lượng Công an. “Chúng ta hay nói phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân. Cụ thể hơn, Nghị định 136 quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của hệ thống chính trị. Vì vậy nếu cứ phó mặc công tác PCCC&CNCH cho lực lượng Công an, thì sẽ khó có được thế trận phòng ngừa hiệu quả ngay từ cơ sở”, đồng chí Nguyễn Huy Toàn nhìn nhân.

Đưa “lính” phòng cháy từ Đội về Công an phường

Trước thời điểm Nghị định 136 có hiệu lực, công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn PCCC tại các cơ sở lớn, nhỏ sẽ do Phòng CS PCCC&CNCH (thuộc Công an thành phố) và các Đội CS PCCC&CNCH (thuộc Công an quận, huyện, thị xã) chịu trách nhiệm. Từ tháng 1-2021 trở lại đây, trách nhiệm này theo phân cấp, theo Phụ lục IV, được đưa về cấp xã, phường. Đây là nhiệm vụ “chưa có tiền lệ” với cấp cơ sở, bởi ngoài những loại hình cơ sở hết sức mới trong công tác quản lý, thì số lượng – khối lượng cơ sở nằm trong danh mục của Phụ lục IV ở cấp xã là rất lớn; thường gấp 4, 5 lần so với số lượng cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của cấp Công an huyện.

Cán bộ PCCC quận Hà Đông tuyên tuyền kỹ năng chữa cháy cho người dân khu chung cư mini

Trên lý thuyết, về quy mô thì cơ sở thuộc quận, huyện quản lý lớn hơn nhiều lần; thiệt hại (nếu xảy ra cháy, nổ) cũng lớn hơn nhiều lần. Nhưng thực tế, nguy cơ tiềm ẩn giữa cơ sở cấp xã với huyện là ngang nhau. Chưa kể, với số lượng – khối lượng lớn, thì nguy cơ – trách nhiệm với cấp xã thực sự là áp lực khổng lồ, nhất là trong bối cảnh mà cán bộ cơ sở đang còn rất nhiều việc phải học, phải làm về lĩnh vực PCCC.

“Rất cần sự đột phá, tiên phong về cách nghĩ, cách làm”, đây là điều mà chúng tôi trao đổi với nhiều cán bộ cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy, và đa số ý kiến đều đồng tình. Tại địa bàn Hà Nội, sự đột phá, tiên phong ấy có thể ghi nhận với quận Hà Đông.

Tháng 5 vừa qua, trên cơ sở báo cáo đề xuất và được đồng ý của Ban Giám đốc CATP,Đảng ủy –Ban Chỉ huy CAQ Hà Đông đã triển khai quyết định điều động 13 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đội CS PCCC&CNCH về nhận công tác tại Công an 13 phường.

“Nghị định 136 có hiệu lực, thấy rõ vai trò – nhiệm vụ của cấp cơ sở đối với công tác PCCC&CNCH càng cần phải thể hiện rõ nét hơn nữa. Từ thực tế tình hình tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn TP. Hà Nội nói chung và quận Hà Đông nói riêng (tại quận Hà Đông hiện có hơn 6.000 cơ sở thuộc quản lý của cấp quận, phường theo quy định của Nghị định 136); Đảng ủy – Ban Chỉ huy Công an quận đã họp, thống nhất báo cáo đề xuất và được Đảng ủy – Ban Giám đốc CATP chuẩn y cho triển khai thí điểm điều động lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH về công tác tại Công an phường”, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng Công an quận Hà Đông trải lòng với các đơn vị và CBCS, hôm giao nhận nhiệm vụ mang tính tiên phong. Và đồng chí Trưởng Công an quận chia sẻ: “Quá trình thực hiện Nghị định 136 thời gian vừa qua, một bất cập chung ở các địa bàn là cấp phường không có cán bộ chữa cháy chuyên nghiệp. Ngay cả các địa bàn đã chủ động trong công tác phối hợp, tập huấn, hướng dẫn, nhưng trong nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, khi và chỉ khi chúng ta có được đội ngũ cán bộ chuyên môn, chuyên ngành chuyên trách, thì mới có thể đạt yêu cầu, hiệu quả cao nhất”.

Có được cán bộ cơ sở chuyên trách và kinh nghiệm về PCCC sẽ giúp hình thành thế trận hiệu quả phòng ngừa hỏa hoạn

Sáu tháng để nhìn lại và đánh giá chủ trương của Đảng ủy – Ban Chỉ huy Công an quận, Thiếu tá Vũ Hồng Linh – Phó trưởng CAQ bày tỏ: “Thời gian đầu, cán bộ chiến sỹ không tránh khỏi tâm tư, không chỉ ở góc độ tình cảm, gắn bó, mà còn bởi chưa hình dung được công việc mới ở phường sẽ ra sao. Còn với đội chuyên, áp lực công việc từ thời điểm đó gia tăng nhiều, do quân số của bộ phận kiểm tra –hướng dẫn giảm”. Nhưng cùng với thời gian, dù chưa nhiều, hiệu quả của 13 cán bộ, chiến sỹ về phường “chỉ duy nhất làm nhiệm vụ PCCC” – như quán triệt của chỉ huy Công an quận Hà Đông đối với 13 đồng chí Trưởng Công an phường – đã trông thấy rõ.

Đó là sự chủ động của các phương án, kế hoạch, hội nghị tập huấn ở địa bàn dân cư, hoàn toàn do cán bộ Công an phường đảm trách; là sự nâng cao về kiến thức, nghiệp vụ phòng cháy cho đội ngũ CSKV, thông qua những buổi tập huấn, kiểm tra cùng cán bộ chuyên trách – chuyên nghiệp PCCC. Thiếu tá Vũ Hồng Linh cho biết: Điều chuyển 13 cán bộ, chiến sỹ PCCC chuyên nghiệp về phường không đơn thuần chỉ là q quyết định!

Từ thời điểm tăng cường “lính” PCCC chuyên nghiệp về, Hà Đông có thêm nhiều cách làm, mô hình sáng tạo. Đó là thành công của mô hình điểm về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) với chủ đề “Hè an toàn, vạn niềm vui", hướng đến học sinh, sinh viên tại 114 cơ sở giáo dục trên địa bàn; là sự ra mắt, vận hành của trên 400 Tổ liên gia an toàn PCCC và hơn 1.000 điểm chữa cháy công cộng…

Rồi, tại phường Quang Trung, các hộ dân chủ động mở lối thoát hiểm cho “chuồng cọp”, trên cơ sở tham vấn của CATP về kỹ, mỹ thuật, độ an toàn; hay như tại phường Phú Lương, toàn bộ hệ thống kho, xưởng trong diện nguy cơ tiềm ẩn cháy bị nhận diện, đưa vào quản lý và kiến nghị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục tồn tại.

Hà Đông trong thời gian qua được các cấp lãnh đạo đánh giá, ghi nhận với nhiều chỉ đạo, phương pháp thiết thực PCCC&CNCH. Như bất kể thời gian, về từng tổ dân phố để tuyên truyền trực quan kiến thức, kỹ năng PCCC, và đã “phủ sóng” kiến thức đảm bảo an toàn cháy, nổ được đến 72.000 hộ gia đình toàn địa bàn. Những trường hợp không tham dự trực tiếp, sẽ được hướng dẫn cài đặt mã QR, qua Sổ tay an ninh điện tử của quận. Mới đây nhất, CAQ Hà Đông tham mưu UBND quận xây dựng kế hoạch để đưa công tác phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy vào nội dung, giáo án dạy học ở các nhà trường, mà ở đây, chính Ban Giám hiệu các trường và đội ngũ giáo viên sẽ là những người tiên phong.

Khi và chỉ khi từng địa bàn cơ sở có sự chủ động, có quyết tâm và quyết sách hợp lý, đáp ứng đòi hỏi yêu cầu thực tiễn, thì chúng ta mới có được thế trận bình yên. Ở đây, thế trận đang cần, là phòng ngừa hỏa hoạn…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-ngua-giac-lua-ngay-tu-moi-dia-ban-dan-cu-chi-noi-khong-chua-du3-dinh-hinh-nhung-cach-lam-post559233.antd