Phòng, chống tội phạm trong công nhân lao động (Bài 1)

Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, với hơn 1,2 triệu lao động làm việc tại 31 khu công nghiệp (KCN), trong đó có rất đông lao động nhập cư. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Đồng Nai cũng trở thành 'mảnh đất màu mỡ' cho các đối tượng tội phạm trà trộn, ẩn náu để chờ thời cơ hoạt động. Do đó, nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) cho các cơ sở sản xuất, nhà máy trong các KCN; phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Một đối tượng cho vay lãi nặng trong công nhân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch bị công an bắt giữ. Ảnh: T.Tâm

Một đối tượng cho vay lãi nặng trong công nhân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch bị công an bắt giữ. Ảnh: T.Tâm

Bài 1: Tội phạm len lỏi vào tận công ty, nhà trọ

Đồng Nai được xem là cửa ngõ của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, với vị trí địa lý tiếp giáp với các tỉnh, thành phố trọng điểm của vùng; là địa bàn tập trung nhiều dự án trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây... Do vậy, bên cạnh những thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì Đồng Nai cũng có nhiều thách thức về mặt quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANTT, nhất là quản lý lực lượng lao động di cư đến tìm kiếm việc làm, lập nghiệp.

“Bẫy” lừa đảo, tín dụng đen

Lợi dụng tình hình một số công nhân lao động gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, tạm dừng hoặc ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế thế giới suy thoái, tội phạm “tín dụng đen” len lỏi trong từng công ty, vào tận khu nhà trọ để tiếp cận công nhân cho vay lãi nặng. Đến khi người vay không có khả năng chi trả, các đối tượng ra mặt đe dọa, uy hiếp khiến không ít công nhân rơi vào cảnh bế tắc.

Đến Đồng Nai lập nghiệp, anh Trần Văn Thắng (34 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) những tưởng có cơ hội thoát nghèo nhưng rồi vì dính vào vay “tín dụng đen”, để giải quyết khó khăn trước mắt mà anh rơi vào cảnh túng quẫn.

Anh Thắng kể, từ năm 2018, anh đến Đồng Nai làm công nhân tại KCN Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) và lấy vợ, sinh được một bé gái. Cuộc sống ấm êm chưa được bao lâu, tiền tích lũy chưa được nhiều thì đại dịch Covid-19 đã khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn, đến cái ăn cũng thiếu thốn. Năm 2022, con gái bị bệnh liên miên, đến bước đường cùng, anh Thắng phải tìm đến những đối tượng cho vay lãi nặng để vay 15 triệu đồng (thực tế chỉ nhận được 12 triệu đồng vì phải trả lãi trước).

Sau 25 ngày, chưa có tiền để trả nợ cũ thì anh Thắng được các đối tượng gợi ý cho vay thêm 30 triệu đồng, trong đó trả tiền gốc cùng lãi hơn 20 triệu đồng. Túng quẫn, anh Thắng đành phải viết giấy vay mượn nợ 30 triệu đồng để nhận về chưa đến 10 triệu đồng. Cứ thế, cho đến nay số tiền nợ đã lên đến hơn 100 triệu đồng, nằm ngoài khả năng chi trả của gia đình anh. Tình cảnh nợ nần chồng chất khiến cho cuộc sống gia đình anh Thắng bị đảo lộn, khó khăn chồng chất khó khăn.

Đặc biệt, sau “làn sóng” cắt giảm lao động tại các công ty trong KCN, nhiều công nhân lao động không còn việc làm. Tội phạm đã lợi dụng vấn đề này để nghĩ ra những chiêu trò lừa đảo qua hình thức tuyển dụng hoặc làm việc online.

Chị D.H. (38 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) là một trong số nạn nhân của lừa đảo qua mạng. Chị H. cho biết, chị làm công nhân tại một công ty thuộc KCN Biên Hòa 2. Vì muốn kiếm thêm thu nhập trong thời gian nghỉ thai sản nên chị lên mạng xã hội tìm việc làm thêm online. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã bị lừa mất gần 300 triệu đồng.

Chị H. kể lại, vào tháng 2-2024, chị lên mạng xã hội tìm việc làm thì có một người tự xưng tên Thùy kết bạn và hướng dẫn công việc làm thêm online tại nhà. Thùy gửi cho chị H. một đường link truy cập và hướng dẫn cài đặt app. Thùy nói việc của chị H. là thanh toán số tiền trên hóa đơn trong app yêu cầu. Sau khi hệ thống báo nhận tiền thì số tiền gốc và lãi từ 20-40% tiền gốc sẽ được trả vào tài khoản của chị H.

Làm theo lời Thùy, lần đầu tiên chị H. chuyển gần 900 ngàn đồng cho tài khoản ngân hàng có tên “Vo Van Tai”. Chỉ mấy phút sau, chị H. nhận lại được cả tiền gốc và lãi hơn 1 triệu đồng. Lần thứ 2, chị H. thanh toán cho tài khoản “Vo Van Tai” hơn 2 triệu đồng và nhận lại tiền gốc và lãi hơn 2,2 triệu đồng. Cứ thế, số tiền cần thanh toán càng lúc càng lớn, từ gần 2 triệu đồng đến số tiền gần 200 triệu đồng/lần.

“Tôi được trả lại cả gốc lẫn lãi sau 3 lần chuyển đầu. Đến lần thứ 4 không nhận được tiền, tôi hỏi thì Thùy nói đợi hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo sẽ trả gộp luôn một lần. Cứ thế, tôi cố lấy lại được tiền đã nộp nên đã chuyển khoản 8 lần với số tiền gần 300 triệu đồng vào nhiều tài khoản khác nhau và… mất hết” - chị H. vừa khóc, vừa kể lại.

Theo Công an tỉnh, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 2,5 ngàn vụ phạm pháp hình sự, làm chết 59 người, bị thương hơn 400 người, tài sản thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, triệt phá một số băng, nhóm tội phạm “tín dụng đen”; tội phạm trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản diễn biến phức tạp

Công nhân lao động cũng được xem là đối tượng nhắm đến của các nhóm chuyên trộm cắp, cướp giật tài sản… Nhiều người chỉ vì phút lơ là, mất cảnh giác đã bị các đối tượng chiếm đoạt những tài sản có giá trị.

Vào đầu năm 2023, Công an huyện Nhơn Trạch triệt xóa một băng nhóm chuyên cướp giật tài sản, bắt giữ 7 đối tượng gồm: Hà Ngọc Dũng (22 tuổi), Huỳnh Nhật Quang (22 tuổi), Hồ Quang Minh (22 tuổi), Nguyễn Hoàng Nhất Phương (20 tuổi), Nghiêm Xuân Hùng (20 tuổi), Lê Hữu Nghĩa (26 tuổi) và Nguyễn Hoàng Ngọc Hưng (26 tuổi), đều ngụ quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh). Nạn nhân của nhóm cướp giật tài sản này đa phần là công nhân làm việc trong các KCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Thông tin: Tố Tâm - Đồ họa: Lê Duy

Thông tin: Tố Tâm - Đồ họa: Lê Duy

Chị N.T.P. (29 tuổi, ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) kể lại, chị đang làm công nhân trong KCN Nhơn Trạch 2. Do làm ca 1 nên chị thường xuyên đi làm lúc 5h30. Vào ngày 10-1-2023, khi đang lưu thông từ nhà đến công ty thì chị bị 2 thanh niên đi trên xe máy phân khối lớn áp sát, cướp giật sợi dây chuyền rồi tẩu thoát. Ngay sau đó, chị đã đến cơ quan công an khai báo vụ việc và chỉ gần một tháng sau thì nhóm đối tượng cướp giật đã bị bắt giữ.

Ngoài ra, có nhiều công nhân đi làm về khuya hoặc để tài sản ở những khu phòng trọ thiếu an ninh đã bị kẻ gian lợi dụng sơ hở chiếm đoạt. Đơn cử như vợ chồng anh T.V.N. (34 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) sau khi đi làm ca đêm về đã để xe phía lối đi của phòng trọ và ngủ quên. Đến trưa ngủ dậy thì anh phát hiện chiếc xe đã “không cánh mà bay”.

Anh N. cho biết, vì phòng trọ quá chật nên vợ chồng anh thường để xe ngoài hành lang dãy nhà trọ. Ngờ đâu, chỉ vì phút lơ là mà vợ chồng anh mất luôn tài sản có giá trị duy nhất trong nhà.

Không chỉ công nhân, mà các công ty cũng bị các đối tượng phạm tội tấn công, trộm cắp nhiều tài sản có giá trị. Vào ngày
28-2-2024, Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (KCN Amata, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) bị kẻ gian đột nhập vào văn phòng công ty trộm cắp: 1 laptop, 13 máy tính bảng có tổng giá trị trên 72 triệu đồng, đặc biệt là nhiều dữ liệu quan trọng của công ty lưu giữ trong máy tính đã bị mất. Quá trình truy xét, tối cùng ngày, Công an thành phố Biên Hòa đã bắt giữ đối tượng Trần Văn Sang (33 tuổi, quê tỉnh Nam Định) là nghi can thực hiện vụ trộm tài sản của công ty này.

Đặng Ngọc - Tố Tâm

Bài 2: Khi công nhân vi phạm pháp luật

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/phong-chong-toi-pham-trong-cong-nhan-lao-dong-bai-1-2e9608c/