Phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi: Chú trọng tiêm phòng, kiểm soát chặt nguồn lây

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch động vật. Trong đó, một trong những nhiệm vụ được ưu tiên đó là tiêm phòng và kiểm soát chặt nguồn lây.

Nguy cơ lây nhiễm cao

Từ đầu năm đến nay cả nước xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, tai xanh lợn, dại động vật... Kết quả giám sát cho thấy, các mầm bệnh trên có tỷ lệ lưu hành cao trong khi tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp dẫn đến nguy cơ dịch bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh.

Cán bộ thú y lấy mẫu để giám sát dịch bệnh trên lợn tại huyện Hiệp Hòa.

Đến nay cả nước ghi nhận dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 28 tỉnh, TP với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy gần 4 nghìn con. Bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 6 tỉnh với 242 con mắc bệnh, 40 con phải tiêu hủy. Cúm gia cầm xảy ra tại các tỉnh: Ninh Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh và Nghệ An với số cá thể chết và tiêu hủy hơn 9 nghìn con.

Tại Bắc Giang, từ đầu năm đến nay không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm song các dịch bệnh khác như tụ huyết trùng gia cầm, Newcastle, dịch tả trên đàn vịt, phó thương hàn... xảy ra rải rác tại các địa phương. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNN), hiện nay dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin và thuốc đặc hiệu, cúm gia cầm đã hình thành chủng vi rút mới H5N8 (chủng cũ H5N1, H5N6).

Bắc Giang có tổng đàn vật nuôi lớn, trong đó đối tượng chủ lực là lợn và gà. Trên địa bàn thường xuyên diễn ra hoạt động tập kết, trung chuyển, lưu thông gia súc, gia cầm. Nhiều trang trại, nông hộ bắt đầu tái đàn, cộng thêm đang vào giai đoạn giao mùa, điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu an toàn sinh học nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Tuy nhiên hiện tiến độ triển khai công tác tiêm phòng ở các địa phương còn chậm, kết quả đạt thấp. Đến nay các địa phương mới tiêm được hơn 900 nghìn liều vắc-xin các loại. Mặt khác, tình trạng sơ chế động vật chết để tiêu thụ vẫn diễn ra. Cơ quan chức năng vừa phát hiện, xử lý hành vi mua bán, sơ chế động vật chết không rõ nguồn gốc tại thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên). Cùng đó, phát hiện hơn 210 kg sản phẩm động vật đông lạnh gồm thịt bò, gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Lê Lợi (TP Bắc Giang).

Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng

Hiện nay, đàn trâu bò của Bắc Giang đạt 130 nghìn con; 900 nghìn con lợn; 19 triệu con gà và 3 triệu thủy cầm. Với số lượng đàn vật nuôi lớn, Bắc Giang đã triển khai giải pháp phòng, chống các dịch bệnh.

Hiện nay, đàn trâu bò của Bắc Giang đạt 130 nghìn con; 900 nghìn con lợn; 19 triệu con gà và 3 triệu thủy cầm. Với số lượng đàn vật nuôi lớn, Bắc Giang đã triển khai giải pháp phòng, chống các dịch bệnh.

Tìm hiểu tại huyện Yên Thế, năm 2022, đây là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được Cục Thú ý công nhận là vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle đối với gà. Toàn huyện đang duy trì tổng đàn hơn 2 triệu con gà. Thực hiện đề án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle đối với đàn gà, năm nay tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu liều vắc-xin để địa phương phòng, chống dịch, số hộ sử dụng chế phẩm xử lý chuồng trại đạt trên 90%.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, cơ quan chuyên môn chú trọng hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp, quy trình thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại. Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh cơ giới, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, dụng cụ giết mổ và các chợ mua bán gia súc, gia cầm, cơ sở ấp nở có nguy cơ cao...

Tại trang trại thuộc Công ty TNHH CJ Vina Ogri (xã Việt Tiến, huyện Việt Yên) đang nuôi 600 con lợn. Theo anh Lê Đức Luyến, phụ trách kỹ thuật tại đây, xác định dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm nên tuần trước toàn bộ số lợn trong chuồng đã được tiêm phòng.

Cụ thể đối với lợn nái, Công ty tiêm phòng bệnh tai xanh, tả mũi 1 và vắc-xin CIRCO. Đối với lợn thịt, tiêm thêm tả mũi 2, long móng lở mồm. Quy trình tiêm được tuân thủ nghiêm ngặt các khâu như: Bảo quản vắc-xin với nhiệt độ từ 2-8 độ C, tiêm tổng đàn liều lượng 2ml/con, sát trùng vỏ lọ vắc-xin và xi-lanh kim tiêm, phun sát trùng toàn bộ chuồng nuôi…

Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Năm nay Chi cục triển khai 2 đợt tiêm phòng chính: Đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5; đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 10 và thường xuyên thực hiện các đợt tiêm phòng bổ sung. Phấn đấu 100% lợn nái, đực giống được tiêm phòng vắc-xin tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; 100% đàn trâu bò, gia cầm và 80% đàn chó, mèo được tiêm phòng.

Bên cạnh tiêm phòng, công tác kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy hơn 490 mẫu giám sát với bệnh dịch tả lợn châu Phi để xuất bán lợn, kết quả xét nghiệm đều âm tính.

Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật, chấn chỉnh công tác tiêm phòng tại cơ sở, kiên quyết xử lý các đối tượng không chấp hành các quy định về vận chuyển, kinh doanh giết mổ động vật, sản phẩm động vật theo quy định. Hướng dẫn các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm và tập trung xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khi phát hiện dịch bệnh động vật có hiện tượng lây lan, trưởng thôn, xóm, UBND cấp xã báo cáo khẩn cấp để nhanh chóng chỉ đạo, xác minh dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, đưa ra phương án xử lý hiệu quả, kịp thời.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/404180/phong-chong-dich-tren-dan-vat-nuoi-chu-trong-tiem-phong-kiem-soat-chat-nguon-lay.html