Phòng, chống dịch bệnh trong trường học

Năm học mới 2023 - 2024 đã bắt đầu, đây cũng là thời điểm mà thời tiết diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh trong trường học thường gặp; ảnh hưởng đến sức khỏe giáo viên, học sinh, cũng như tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh; từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập, chất lượng giáo dục. Trước tình hình đó, ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực, để bảo đảm an toàn trường học, học sinh, giáo viên và phòng, chống dịch bệnh.

Hiện tại, các loại dịch bệnh trong trường học thường gặp, gồm: tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, quai bị, tiêu chảy; các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng… Các loại dịch bệnh này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại do tỷ lệ tiêm chủng thời gian qua còn thấp so với chỉ tiêu cần đạt trong cộng đồng, chưa tạo được miễn dịch đủ bảo vệ toàn bộ cộng đồng.

Bác sĩ Lâm Đào Anh Tuấn - Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng) thông tin: “Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi một số týp enterovirus khác nhau. Từ đầu năm 2023 đến tuần 30, toàn tỉnh ghi nhận 743 trường hợp mắc tay - chân - miệng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022 (743/1.400). Tuy nhiên, số trường hợp chuyển nặng tăng gấp 55 lần so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 không có trường hợp nào). Theo phân tích số liệu trong nhiều năm, bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi (>90%). Bệnh sốt xuất huyết dengue vẫn là vấn đề y tế công cộng của tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến tuần 30, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết dengue, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2022 (1.107 ca). Trong đó, bệnh ở nhóm trẻ học đường (≤15 tuổi) chiếm trên 72% trong tổng số ca mắc (1.458/2.002 ca). Các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, như: bệnh sởi, uốn ván, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại do tỷ lệ tiêm chủng thời gian qua còn thấp”.

Các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trước thực trạng trên, ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo liên tịch phối hợp trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học năm học 2023 - 2024. Trên cơ sở đó, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo cùng cấp tổ chức tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch tay - chân - miệng, sốt xuất huyết cho tất cả giáo viên trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn quản lý. Các trường học tổ chức vệ sinh ngoại cảnh; tuyên truyền, vận động học sinh, giáo viên, phụ huynh qua các tranh ảnh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, vệ sinh an toàn thực phẩm… để phòng, chống dịch bệnh.

Thầy Lê Phúc Ấm - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Sóc Trăng) cho hay: “Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn quan tâm chăm sóc sức khỏe cho học sinh, vệ sinh trường lớp trước khi bắt đầu năm học mới. Trường còn tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe học sinh trong tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường”.

Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm công tác y tế học đường, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe giáo viên, học sinh. Cô Dương Thị Mười - Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng chia sẻ: “Công tác y tế trường học thực hiện đúng quy định; trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên được tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Ban giám hiệu tổ chức họp phụ huynh để thông tin tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, cũng như phổ biến cách chăm sóc các con khi ở nhà. Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng trang bị phương tiện sơ cấp cứu, thuốc men chuẩn bị cho các tình huống. Ban giám hiệu tổ chức nói chuyện, tuyên truyền thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh đến toàn thể học sinh trong các buổi sinh hoạt đầu năm. Trước đó, nhà trường cũng thực hiện vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, thuốc sát khuẩn trước khi năm học 2023 - 2024 diễn ra”.

Song song đó, ban giám hiệu các trường mầm non, mẫu giáo nhắc nhở, kiểm tra các cô giáo trực tiếp dạy trẻ thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày; đưa nội dung vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng và vệ sinh đôi tay của trẻ vào bài giảng đầu năm học, sau đó nhắc lại nhiều lần để hình thành thói quen tốt cho trẻ.

Qua đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học được triển khai qua các hoạt động chặt chẽ, hiệu quả;, đã góp phần nâng cao khả năng phát hiện, thực hiện tốt quy trình phòng, chống dịch bệnh. Các trường học kiểm soát tốt môi trường học đường, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh khi học sinh vừa bước vào năm học mới 2023 - 2024.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các trường cần thực hiện rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học…

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/phong-chong-dich-benh-trong-truong-hoc-67428.html