Phong cách đặc biệt Võ Văn Kiệt *

Đã hơn 9 giờ đêm của một ngày nóng bức vào tháng 3/1977, một số thầy cô giáo Khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn chăm chú xác định hàm lượng cacbonat canxi trong những mẫu đá vôi đã lấy được ở một khu rừng vùng Tà Thiết trong chuyến đi cuối tuần vừa qua cùng với các thầy cô Khoa Địa chất.

Họ rất say sưa trong công việc vì đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu chuyến đi vất vả cuối tuần, cuối cùng họ đã tìm thấy mỏ đá vôi khá lớn, đánh đổ học thuyết từ lâu cho rằng miền Nam đất nước chỉ có mỏ đá vôi Hà Tiên duy nhất.

Họ có thể hình dung trước mắt là hằng hà vụn đá vôi cho xuống ruộng trị phèn hay xa hơn nữa là lò luyện vôi cho xây dựng, bước đầu phát triển công nghiệp ở vùng đất còn hoang vắng. Bỗng tiếng anh Trần Kim Thạch, Chủ nhiệm Khoa Địa chất lúc bấy giờ, vang lên từ những nấc thang lầu dẫn đến phòng thí nghiệm: "Anh chị em ơi tôi mang quà của đồng chí Bí thư Thành ủy gửi tặng các anh chị đây".

Anh Thạch đã kể lại cho anh Sáu các công việc mà đội ngũ thầy cô giáo đã làm nhiều tháng qua, cứ mỗi cuối tuần là cùng với một số đồng chí Quân khu 7, lội suối băng ngàn, kể cả có khi vượt hiểm nguy trong những cánh rừng chưa gỡ mìn trọn vẹn để cố tìm cho được nguồn nguyên liệu hiếm ấy ở Nam Bộ. Phải nói rằng đêm hôm ấy, anh chị em chúng tôi nghẹn ngào cảm động trước tấm lòng của đồng chí Bí thư Thành ủy và những quả chuối chín mọng vàng gửi đến cho chúng tôi để thêm sức làm việc đã trở thành những quả chuối đầy hương vị ngọt ngào kết chặt anh chị em khoa học chúng tôi với đồng chí Bí thư, anh Sáu Dân thân thương của chúng tôi, của mọi người dân Việt Nam đang sống trên mảnh đất quê hương mình.

Trong bài viết này, xin cho phép tôi chủ yếu nói nhiều đến tấm lòng của anh Sáu đối với trí thức chúng tôi, người anh cả ấy lúc nào cũng đến với chúng tôi rất bình dị, rất chân tình, luôn suy tư, tìm cách tháo gỡ những khó khăn trở ngại, tìm cách đưa khoa học vào cuộc sống, đưa khoa học vào thực sự giải quyết những vấn đề thực tế của xã hội, luôn luôn mong sao trên khắp miền đất nước, mọi người sống chan hòa hạnh phúc, không còn vùng nào mà nơi đó, người dân phải nghèo khổ, thất học, phải bươn chải kiếm sống cơ cực.

Ngày nay Thành phố Hồ Chí Minh đã thay da đổi thịt, nguy nga hơn, tráng lệ hơn, không còn tem phiếu, không còn cảnh xếp hàng trước cửa hàng lương thực, thực phẩm. Cuộc sống thoải mái gấp bao lần hôm nay luôn luôn làm tôi nhớ đến những biện pháp tích cực, sáng tạo của Đảng bộ Thành phố và anh Sáu về nhiều mặt trong những năm xưa để anh chị em trí thức đỡ vất vả, kiên trì gắn bó với đất nước, với thành phố, gắn bó với nhau để trở thành đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm còn là Bí thư Thành ủy, anh Sáu thường xuyên gặp gỡ trao đổi với rất nhiều anh chị em làm khoa học trên địa bàn thành phố. Có lẽ đó là người Bí thư Thành ủy tiếp xúc với anh chị em trí thức nhiều nhất và ở những buổi gặp gỡ đó, với thái độ chân tình, cởi mở, anh Sáu đã thực sự thuyết phục anh chị em chúng tôi. Đó là phong cách đặc biệt Võ Văn Kiệt khiến mỗi người trong chúng tôi khi đã được tiếp xúc vài lần với anh Sáu, đều có cảm nghĩ rằng anh hiểu chúng tôi như chúng tôi tự hiểu và có anh Sáu Dân ở đâu là ở đó mọi khó khăn trở ngại gì cũng vượt qua được. Tất nhiên, không phải là dễ dàng, lúc bấy giờ, vẫn có những suy tư, vẫn có những mất mát ở một vài lĩnh vực riêng rẽ, nhưng đại bộ phận anh chị em trí thức tại chỗ đã bám trụ vững vàng.

Cũng với phong cách ấy, anh Sáu đã đến với nhiều giới khác và thực sự đã chiếm được cảm tình của mọi người. Tôi còn nhớ ở buổi gặp đông đủ, trước khi anh ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, dù biết chắc rằng ở cương vị mới, anh sẽ cống hiến nhiều hơn cho đất nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, dù biết rằng anh vẫn luôn luôn gắn bó với thành phố vì đó là một phần của anh, nhưng người dân thành phố vẫn có cái gì đó băn khoăn, vẫn có gì đó luyến tiếc khi phải rời người Bí thư đã từng đứng mũi chịu sào, đã có mặt ở khắp mọi nơi, từ nông trường, công trường cho đến nhà máy, trường học, đã sống cùng với họ và vì họ, nặng nghĩa với họ trong những năm tháng đầy khó khăn và thử thách.

Lâu lâu, khi trở về thành phố công tác, hoặc vào dịp Tết Nguyên đán anh thường mời một số anh chị em chúng tôi họp mặt, thăm hỏi nhau và trao đổi với anh về nhiều vấn đề chung cũng như riêng, anh luôn luôn có những gợi ý hay cho anh chị em suy nghĩ và hành động. Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ anh cũng quy tụ nhiều nhà khoa học trong nước kể cả một số ở ngoài nước để thành lập ban tư vấn cho anh về những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Anh Sáu đối với chúng tôi là như thế. Các anh Hồ Sĩ Thoảng, Hoàng Anh Tuấn, Trần Mạnh Trí, Nguyễn Xuân Oánh, Trần Kim Thạch, chị Bùi Thị Lạng..., cố giáo sư Lê Văn Thời, cố giáo sư bác sĩ Phạm Biểu Tâm, cố kiến trúc sư Ngô Viết Thụ khi nói về anh là luôn luôn với sự trìu mến. Anh Thụ cho đến lúc lâm bệnh nặng vẫn luôn nhắc đến những kỷ niệm khó quên đối với anh Sáu những chuyến đi dã ngoại, trong đó anh Thụ đã từng thao thao bất tuyệt trao đổi với anh Sáu về địa lý, về những thế đất, những cảnh hùng vĩ của đất nước, về những con người Việt Nam vốn có truyền thống bất khuất. Khi tôi đến thăm anh Thụ vào những ngày cuối cùng của đời anh, anh vẫn nhắc đến anh Sáu với tất cả tình cảm thân thương.

Cố giáo sư bác sĩ Phạm Biểu Tâm, nguyên trưởng khoa Đại học Y khoa trước năm 1975, Phó Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước, vào những năm cuối đời ở nước ngoài để chữa bệnh, vẫn luôn luôn thăm hỏi tin tức anh Sáu mỗi khi có bạn bè trong nước ghé thăm. Và chắc chắn anh Phạm Hoàng Hộ luôn nhớ mãi những chuyến đi nghiên cứu với anh Sáu về thảm thực vật trên nhiều miền đất nước. Một số tài liệu nào đó trong quyển Cây cỏ Việt Nam của anh Hộ tiếp theo quyển Cây cỏ miền Nam trước đây, chắc hẳn có mang dấu ấn của những chuyến đi vô cùng lý thú ấy.

Đối với tôi, từ những quả chuối năm nào cho đến nay, dù ở cương vị nào, anh lúc nào cũng cư xử đầy nghĩa tình, lúc nào cũng quan tâm giúp tôi tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống, trong công việc, giúp đỡ tôi có những điều kiện thuận lợi để có thể làm được và ngày càng tốt hơn công tác mà anh đã giao phó từ lúc còn là Bí thư Thành ủy, đó là phải vừa làm khoa học có hiệu quả, vừa góp sức đào tạo đội ngũ khoa học giỏi cho đất nước, cho thành phố.

Tôi vẫn luôn nhớ mãi ngày giữa tháng giêng rét buốt của năm 1983, khi tôi về đến Hà Nội sau chuyến công tác ở Pháp đầu tiên từ sau ngày đất nước được thống nhất, trong tay chỉ có vỏn vẹn một xách tay vì hành lý bị giữ lại ở Đông Berlin do máy bay Interflug đã quá tải với quá nhiều kiện hàng của thực tập sinh Việt Nam mang về nước. Anh Sáu lúc bấy giờ đã là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kế hoạch, đã gọi tôi đến cho mượn đồ mặc và ở lại đêm với anh để anh hỏi thăm thêm tình hình làm nghiên cứu khoa học bên Pháp, thái độ của những nhà khoa học Pháp và suy nghĩ của các nhà khoa học Việt Nam tại Pháp về tình hình đất nước.

Tôi có cho anh biết là một số nhà hóa học Pháp cũng như Việt Nam đang ráo riết vận động Chính phủ Pháp để xây dựng tại Việt Nam một phòng thí nghiệm phân tích thật mạnh, thật hiện đại để phục vụ các yêu cầu kiểm nghiệm đa dạng của xuất khẩu và sản xuất trong nước, tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nghiên cứu đào tạo. Anh Sáu nhận định ngay đó là một vốn quý và nhắn nhủ tôi và các nhà khoa học trong nước phải tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các nhà khoa học ở Pháp để có được cơ sở này.

Thực chất thỏa ước hợp tác mười năm đã thành hình vào hè năm 1984 với lớp chuyên đề về phân tích hóa lý hiện đại tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh và từ đó Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm đã được xây dựng, khánh thành và bắt đầu hoạt động từ năm 1990. Với trang thiết bị khá đồng bộ do Chính phủ Pháp tài trợ, được bổ sung liên tục với nguồn kinh phí của thành phố, Trung tâm đã trở thành một đơn vị phân tích kiểm nghiệm mạnh nhất hiện nay của cả nước và đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã một lần đến thăm Trung tâm, động viên anh chị em cán bộ, ngỏ lời cảm ơn một số nhà khoa học Pháp có mặt lúc bấy giờ ở Trung tâm. Chuyến thăm đúng "phong cách đặc biệt Võ Văn Kiệt" ấy đã để lại một dấu ấn không phai ở mỗi cán bộ của Trung tâm. Anh chị em Trung tâm rất mong đồng chí lại đến Trung tâm một lần nữa để thấy được ở đó có sự đóng góp sức lực, trí tuệ vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.

Cuối cùng, dù không có ý định nhắc lại ở đây những thay đổi diệu kỳ của đất nước, những thành tựu trong đổi mới của những năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ mà người đứng đầu là anh, tôi vẫn không thể không nhắc đến một khía cạnh, đó là bản lĩnh của anh, là khả năng nhìn xa và nhận định sâu sát để từ đó đưa ra những quyết định lịch sử về những vấn đề trọng đại của đất nước.

Xây dựng đập thủy điện Trị An, đường dây 500kV, khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất, xa lộ Hồ Chí Minh, mỗi quyết định thực hiện đều gặp nhiều khó khăn, đều có không ít ý kiến khác nhau. Ngay cả với công trình đập Trị An không lớn so với các công trình còn lại, tôi còn nhớ có không biết bao nhiêu cuộc hội thảo, nghiên cứu về khả năng nhiễm mặn của hạ lưu, về khả năng biến đổi hệ sinh thái tự nhiên cũng như về nhiều vấn đề khác. Với đường dây 500kV, một số nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài từng rất ủng hộ anh cũng đã có ý kiến khuyên anh không nên tiến hành, rồi nhà máy lọc dầu ở Dung Quất cũng gây không biết bao nhiêu tranh cãi, thậm chí cả ở diễn đàn Quốc hội về mặt lợi ích kinh tế, ảnh hưởng của thiên tai, cũng như về nhiều khía cạnh khác.

Thực tế đã cho thấy quyết định của anh là rất sáng suốt. Thủy điện Trị An, đường dây 500kV đã góp phần giữ thế cân bằng trong phân phối điện năng cho các yêu cầu phát triển của khắp các miền đất nước. Những công trình còn lại cũng đang được thực hiện, sẽ tạo thêm tiềm lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Ý tưởng sống với lũ thay vì đối kháng với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là một ý tưởng rất đúng đắn và sáng tạo, hiện nay chúng ta đang thực hiện ý tưởng đó một cách khoa học hơn, đúng quy luật hơn và hiệu quả hơn để nông dân thoát khỏi cảnh khó khăn vào những tháng mưa lũ.

Gần đây nhất, anh đã đề xuất với thành phố giao cho Liên hiệp hội khoa học thành phố nghiên cứu tính khả thi của việc lấn biển Cần Giờ để biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, tắm biển đủ tiện nghi, qua đó làm cho người dân Cần Giờ vốn có nhiều khó khăn trong cuộc sống, sẽ có điều kiện vươn lên như những nơi khác của thành phố. Đây cũng là một đề tài phức tạp gây rất nhiều tranh cãi trong giới khoa học ngay cả trong nội bộ liên hiệp. Nhưng rồi cuối cùng ý nghĩ ban đầu của anh Sáu cũng dễ thành hiện thực, việc lấn biển Cần Giờ đã có cơ sở khoa học và sẽ thành công.

Tháng 10 năm 2002

____________

* Ấn tượng Võ Văn Kiệt, Sđd, tr.352-357.

GS. CHU PHẠM NGỌC SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phong-cach-dac-biet-vo-van-kiet-post726049.html