Phối hợp xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Tại các doanh nghiệp, Công đoàn đã phối hợp hiệu quả với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Từ đó, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Quyền lợi của người lao động được đảm bảo tốt hơn

Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi-Hanel (đóng tại Khu công nghiệp Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) là một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn với gần 10.000 cán bộ, công nhân viên. Trong những năm qua, quan hệ lao động tại doanh nghiệp luôn hài hòa, ổn định, bởi Công đoàn và người sử dụng lao động đã và đang phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, lãnh đạo doanh nghiệp luôn thiện chí giải đáp kiến nghị của người lao động trên tinh thần lắng nghe, dân chủ và thấu hiểu.

Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo. Ảnh: Mai Quý

Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo. Ảnh: Mai Quý

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi-Hanel Huỳnh Ngọc Lan cho biết, hàng năm, Công đoàn đều phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động. Tại Hội nghị, người lao động trong Công ty được nêu ý kiến, kiến nghị về các chế độ chính sách, môi trường làm việc, bữa ăn ca, phụ cấp… và được lãnh đạo doanh nghiệp ghi nhận, giải đáp kịp thời, mang lại sự hài lòng cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp thông báo tình hình sản xuất để người lao động nắm, hiểu và chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp.

Thông qua Hội nghị người lao động, nhiều ý kiến mà Công đoàn, người lao động đưa ra đã được người sử dụng lao động chấp thuận, ví dụ như chế độ phụ cấp trách nhiệm, thưởng chuyên cần 200.000 đồng; phụ cấp nhà ở 250.000 đồng; trợ cấp tuân thủ an toàn 50.000 đồng; trợ cấp nữ giới, trợ cấp con nhỏ dưới 36 tháng 100.000 đồng; xây dựng thư viện sách đặt tại nhà máy; bổ sung sữa chua, hoa quả vào bữa ăn ca… Có thể nói, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở mà quyền, lợi ích của người lao động tại Công ty ngày càng được đảm bảo.

Tại nhiều doanh nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể cũng được Công đoàn cơ sở quan tâm triển khai hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Bích Hòa - Chủ tịch Công đoàn Công ty HHKT Chin lan shing Rubber Hà Tây (thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng) cho biết, thông qua việc thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ tại cơ sở mà cụ thể là thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động, quyền lợi của người lao động tại Công ty đã được đảm bảo tốt hơn.

Ban Chấp hành Công đoàn Công ty HHKT Chin lan shing Rubber Hà Tây đã thương lượng với người sử dụng lao động tăng mức tiền ăn ca cho người lao động từ 15.000 đồng/suất lên 25.000 đồng/suất; hỗ trợ đun nước uống giải khát cho người lao động trong những ngày hè; tăng thêm tiền phụ cấp môi trường trong 3 tháng 5, 6, 7 với số tiền 1.000.000 đồng/người cho người lao động làm việc tại bộ phận Tạo hình do môi trường làm việc tại bộ phận này rất nóng nực. Ngoài ra, hằng năm, Công đoàn đều tổ chức các hoạt động như: Tất niên, ngày hội thể thao, tặng quà Tết…

Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở

Để thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, hằng năm, LĐLĐ thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đều phối hợp ban hành Hướng dẫn liên tịch về việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai các quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị người lao động theo đúng quy định…

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn Thành phố có 3.030 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động (đạt 72,45%); có 3.576 doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (đạt 74,20%). Các ý kiến của người lao động trong Hội nghị đều được người sử dụng lao động tiếp thu, giải đáp khá đầy đủ và đưa ra lộ trình thời gian thực hiện như: Công khai những nội dung liên quan đến người lao động theo quy định của Chính phủ để tập thể người lao động được biết; sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế thực hiện trong doanh nghiệp; tiến hành thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể… Có 3.699 doanh nghiệp (đạt 75,5% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố) đã ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể.

Có thể khẳng định, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể đã và đang góp phần khẳng định vai trò, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; đồng thời, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phoi-hop-xay-dung-quan-he-lao-dong-hai-hoa-163246-163246.html