Phố Wall tăng nhẹ phiên cuối tuần

(TNO) Đêm qua, rạng sáng nay (26.6, giờ VN), Phố Wall đã khép lại tuần giao dịch bằng phiên cuối tuần tăng điểm nhẹ. Trong khi đó, chứng khoán châu Âu ghi nhận phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp; các thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng quay đầu đi xuống.

Hồi đầu phiên giao dịch, số liệu công bố từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới trong quý I/2010 chỉ tăng ở mức 2,7%, không đạt kỳ vọng 3% như ước tính trước đó, các chỉ số chứng khoán tiếp nối đà giảm điểm của các phiên trước. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Phố Wall đã nhận được động lực tăng điểm khi chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) trong tháng 6 này (số liệu do Đại học Michigan công bố) đã tăng lên 76 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1.2008, so với mức 73,6 điểm hồi tháng 5. Kỳ vọng của các nhà phân tích với CCI ở mức 75,5 điểm. Theo thông tin từ Quốc hội Mỹ, dự thảo luật cải cách hệ thống tài chính nước này đã được thống nhất. Dự thảo luật này sẽ có những thay đổi lớn nhằm tăng sự điều chỉnh, giám sát của chính phủ đối với các ngân hàng. Sau thông tin kể trên, nhóm cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng đã tăng tới 2,8%, tăng mạnh nhất trong 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500, lập công đầu giúp chỉ số thị trường S&P 500 tăng điểm phiên cuối tuần. Cổ phiếu của Bank of America tăng 2,7%; JPMorgan Chase tăng 3,7%; Citigroup tăng 4,2% và Goldman Sachs cũng tăng tới 3,5%. Tổng kết phiên cuối tuần (25.6), chỉ số thị trường S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite dành cho các công ty công nghệ cùng tăng 0,3%, lần lượt chốt phiên ở các mức 1.076,76 điểm và 2.223,48 điểm; Dow Jones Industrial đi ngược chiều hướng diễn biến của thị trường, giảm nhẹ 0,1%, xuống còn 10.143,81 điểm. Phiên này, số lượng cổ phiếu được giao dịch tại Phố Wall đã tăng lên mức kỷ lục. Toàn phiên đã có 13,9 triệu cổ phiếu được trao tay, cao hơn 46% so với mức trung bình từ đầu năm tới nay và là phiên có khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ 21.5.2010. Trong tuần này, nhiều thông tin kinh tế bất lợi được công bố đã khiến chứng khoán Mỹ giảm liên tiếp suốt từ đầu tuần. Các thông tin này bao gồm doanh số bán nhà xây mới tại Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định rằng cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu có thể còn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Tại châu Âu, chứng khoán tiếp tục giảm điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,05%, xuống còn 5.046,47 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 1%, xuống còn 3.519,73 điểm; DAX của Đức chốt phiên ở mức 6.070,6 điểm, giảm 0,73% so với phiên trước đó. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm 0,58% trong phiên cuối tuần. Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,54%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,15%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 0,57%. Phiên cuối tuần của chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu sớm hơn nhưng lại chịu tác động muộn của thông tin doanh số bán nhà xây mới tại Mỹ giảm thấp, đồng thời, tăng trưởng kinh tế Mỹ không đạt kỳ vọng cũng gây tác động đáng kể khiến chứng khoán khu vực này phải ghi nhận phiên giảm điểm thứ 3 trong tuần. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,5%, nâng tổng mức giảm kể từ đầu năm nay lên 4%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 190,86 điểm, tương đương giảm 1,92%, xuống còn 9.737,48 điểm; HSI của Hồng Kông giảm 0,21%, xuống mức 20.690,79 điểm. Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,54%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm 0,58%. Riêng Straits Times (Singapore) tăng nhẹ 0,14%. Duy Trần (Theo Bloomberg, Reuters)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201026/20100626104746.aspx