Phố và người Hà Nội qua 'Chuyện phố'

'Chuyện phố' là cuốn tiểu thuyết thứ 6 của PGS, TS Phạm Quang Long. Với những trăn trở xoay quanh tầng lớp trí thức Hà Nội những năm trước thời kỳ Đổi mới, tác phẩm được nhận xét là 'cuốn sách gợi cho người đọc rất nhiều cảm xúc' (PGS, TS Phạm Xuân Thạch).

Tiểu thuyết "Chuyện phố" của PGS, TS Phạm Quang Long.

Sau khi về hưu, PGS, TS Phạm Quang Long dành nhiều thời gian cho niềm đam mê viết lách của mình. Bắt đầu từ tập kịch bản “Nợ non sông” năm 2014, ban đầu bạn đọc ngỡ đây chỉ là một cuộc “dạo chơi” với thú vui chữ nghĩa của ông. Nhưng liên tiếp nhiều năm sau đó, PGS, TS Phạm Quang Long cho ra đời liên tiếp 5 tiểu thuyết “Lạc giữa cõi người”, “Bạn bè một thủa”, “Cột cờ”, “Chuyện làng”, “Mùa rươi”, và nay là “Chuyện phố”. Điều đó không chỉ chứng tỏ sức viết của ông, mà còn minh chứng cho sự quan sát tinh tế, sự tích lũy, chiêm nghiệm về đời sống và cách xây dựng, đầu tư cho cấu trúc của mỗi cuốn tiểu thuyết.

“Chuyện phố” vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành, và nhận được sự đón đợi, đánh giá cao của bạn đọc, cùng những người trong nghề, đồng nghiệp, bạn bè của PGS, TS Phạm Quang Long.

PGS, TS Phạm Quang Long nhận hoa chúc mừng của các thế hệ học trò trong buổi ra mắt sách.

Xoay quanh chuyện gia đình ông Mưu, “Chuyện phố” tái hiện cảnh quan sinh động về cuộc sống của một gia đình “gốc” Hà Nội ở nơi tản cư; đặc biệt là sau khi ông “dinh tê” về thành, gà trống nuôi con xoay xở qua hai cuộc chiến. Thái độ sống của ông Mưu - một nhà buôn chân chính, âm thầm biết trước biết sau mà lánh được những bão táp thời cuộc, rồi cả những mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ những hằn học và mưu toan giữa các con ông khiến cho tảng văn hóa truyền thống gia đình ngày một rạn nứt,... tất cả những điều đó đã tạo ra những nút thắt tự sự, đồng thời khiến điểm nhìn về “Phố”, về “Hà Nội” trong tác phẩm của PGS, TS Phạm Quang Long trở nên mới lạ và bao trọn nhiều lớp nghĩa hàm ẩn.

Chia sẻ về “Chuyện phố”, GS Trần Nho Thìn cho biết, ông đọc cuốn tiểu thuyết trên vai trò là một nhà phê bình. Tiểu thuyết bắt nguồn từ những day dứt về con người, về cuộc sống của tác giả, mỗi phát ngôn trong đó đều là một diễn ngôn về những vấn đề bức thiết của đời sống, đề cập đến việc xã hội phải thay đổi.

“Những điều anh Phạm Quang Long viết về phố cổ Hà Nội đã được bảo chứng, chiêm nghiệm. Trong tiểu thuyết có hình bóng những người bạn của chúng tôi. Nếu chúng ta đọc với vị trí một người học hỏi, chiêm nghiệm về đời sống sẽ thấy hứng thú, còn nếu đọc giải trí thì sẽ thấy hơi khó đọc.” – GS Trần Nho Thìn nói.

PGS, TS Phạm Xuân Thạch đánh giá cao cách xây dựng cấu trúc của tiểu thuyết “Chuyện phố”. Ông nhận xét, cuốn sách gợi cho người đọc rất nhiều cảm xúc, và trước hết đó là một cuốn tiểu thuyết đẹp: “Tác giả đã đầu tư rất nhiều về tư duy tiểu thuyết, với cấu trúc khá phức tạp. Mỗi nhân vật đều là một cái nhìn về Hà Nội, không trùng nhau, tạo nên tính đa dạng về tư tưởng của tiểu thuyết. Các cuộc đối thoại trong tiểu thuyết làm ta liên tưởng đến không gian, thời gian của “Gặp gỡ cuối năm” của nhà văn Nguyễn Khải và “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng”.

GS Trần Đình Sử cho rằng, tiểu thuyết có “lời văn như vẫy gọi người đọc”. Chính những vấn đề của cuộc sống được nêu trong sách là điều hấp dẫn người đọc. Sách là một chuỗi những lời tự bạch, tự vấn, tranh cãi, có sự táo bạo, có cả nhận thức riêng của tác giả. Các câu chuyện mở ra và cảm giác không bao giờ kết thúc được, nhưng tác giả đã chọn một một cái kết rất có hậu.

Cũng chung ý kiến này, PGS, TS Trần Văn Toàn cho rằng, trong “Chuyện phố”, nhiều thế hệ đã đi qua nhưng Hà Nội vẫn ở đó, cuốn tiểu thuyết mang trong nó rất nhiều cuộc tranh luận, có nhiều sức gợi để suy nghĩ, có những bài học về sự thay đổi của cuộc đời cũng rất thú vị.

Nói về “tính Hà Nội” trong tiểu thuyết, TS Trần Ngọc Hiếu cho biết, khi đọc sách, anh thường liên hệ đến một nhà văn Hà Nội khác là Nguyễn Việt Hà, cũng hay viết về phố cổ. “Con người thị dân của Phạm Quang Long và Nguyễn Việt Hà đều sinh ở phố cổ và mang trong mình sự tài hoa, kiêu bạc của phố cổ. Tác giả cũng quan sát được sự tinh tế của Hà Nội nằm ở đâu: cách ăn như thế nào, mô tả văn hóa vật chất của đời sống thị dân, cách người Hà Nội chăm chút cho cuộc sống một cách cầu kỳ và đầy tính thẩm mỹ” – TS Trần Ngọc Hiếu nhận xét.

Nói về tác phẩm của mình, PGS, TS Phạm Quang Long cho biết, ông may mắn được làm rể trong một gia đình Hà Nội gốc, từ đó ông có cái nhìn về cuộc sống và con người Hà Nội gốc có nhiều tinh hoa, học được ở những người Hà Nội gốc nhiều điều và yêu quý những điều đó. Ông cũng hiểu được đời sống xã hội, con người, và sau này bắt tay vào viết những trang sách đầu tiên của mình với những cảm nhận đó. Ông cũng cho biết, đây là cuốn sách ông viết tri ân đồng nghiệp, bạn bè. “Mọi người đọc cho tôi, đó là điều khiến tôi thấy hạnh phúc” – PGS, TS Phạm Quang Long nói.

PGS, TS Phạm Quang Long nguyên là Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Trong thời gian công tác và giảng dạy tại Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông được nhiều thế hệ học trò mến mộ qua các bài giảng lý luận văn học đặc sắc.

Là người “đọc nhiều, quan sát rộng, nghĩ sâu sắc”, ông đã viết hàng chục vở kịch, trong đó nhiều vở đã được dàn dựng biểu diễn trên sân khấu, như: Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nợ non sông, Những khoảnh khắc Hồ Chí Minh...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pho-va-nguoi-ha-noi-qua-chuyen-pho-post802614.html