Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Loại giáo viên thừa mà không tính đến chuyện bồi dưỡng là trách nhiệm của Bộ GT-ĐT và các tỉnh

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, nhiều địa phương đề nghị bổ sung biên chế giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, nhiều địa phương kiến nghị việc phân bổ biên chế chưa thực sự hợp lí, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Hải Nguyễn

Vẫn còn thừa, thiếu cục bộ giáo viên

Theo báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ GDĐT, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Trong đó, chủ yếu thừa giáo viên trung học cơ sở; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa...

Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Một số giáo viên thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn; dân chủ trong trường học còn nhiều bất cập.

Một số cơ sở đào tạo giáo viên chậm đổi mới nội dung, phương pháp, chưa chú trọng cho sinh viên thực hành nghề nghiệp, chưa phối hợp tốt với địa phương trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Số lượng giảng viên đại học tăng so với năm học 2015-2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống còn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm còn quá thấp (chiếm khoảng 3,4%).

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao, một số văn bản có nội dung không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Phân bổ, điều chuyển giáo viên chưa hợp lí

Trong năm học qua, việc chuyển giáo viên phổ thông dôi dư dạy mầm non chưa qua đào tạo ở một số địa phương... đã gây bức xúc trong ngành và xã hội.

Công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục ở một số địa phương chưa bảo đảm đúng quy định; tình trạng ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá giáo viên chưa đúng quy định... gây nhiều bức xúc cho các thầy giáo, cô giáo và xã hội như tại Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Thái Nguyên...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng chỉ ra rằng, hiện nay ngành giáo dục đang rất khó điều hành. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý. Vì vậy, Bộ GDĐT cũng cần chú ý và có những điều chỉnh, kiến nghị hợp lí.

Tại hội nghị, nhiều địa phương cho biết việc phân bổ biên chế chưa thực sự hợp lí. Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang - cho rằng với quy định hiện nay phân bổ biên chế theo số lượng học viên là chưa hợp lí đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa.

“Hiện nay ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang đang thiếu gần 1.000 biên chế các cấp, mầm non còn thiếu hơn 500 biên chế nhưng khi làm việc với Bộ Nội vụ thì biên chế phân theo số học sinh. Chúng tôi là tỉnh vùng sâu, vùng xa, có hơn 700 trường học mà tới 1900 điểm lẻ. Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm là 5 - 10km nên không thể giảm hơn được nữa. Chúng tôi chỉ có thể tính số biên chế theo lớp chứ không thể làm theo đầu người. Như vậy là hết sức khó khăn trong quá trình điều hành, giảng dạy”, bà Giang nói.

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ GDĐT cần làm việc với các bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh hợp lí.

Cùng với đó, Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị tăng cường biên chế, đặc biệt là biên chế cho các trường mầm non để đảm bảo hoạt động giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ nhiều nơi, đặc biệt là giáo viên mầm non đã được đề cập nhiều nhưng những giáo viên thừa chúng ta lại loại đi mà không tính đến chuyện bồi dưỡng để chuyển đổi là trách nhiệm của cả Bộ GDĐT và các tỉnh.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-loai-giao-vien-thua-ma-khong-tinh-den-chuyen-boi-duong-la-trach-nhiem-cua-bo-gt-dt-va-cac-tinh-550471.ldo