Phở - thú chơi ngông mới mang 'chất Khải'

'Tôi thích mình được gọi là 'người buôn phở'. Bạn đã nghe từ 'kẻ săn mây' hay 'thợ săn ảnh' chưa, 'người buôn phở' cũng có ý nghĩa kiểu như vậy đó', doanh nhân Hoàng Khải đã chia sẻ như vậy về phương thức kinh doanh mới của mình.

Nổi tiếng với nhiều lĩnh vực kinh doanh, nhưng ở tuổi 53, doanh nhân Hoàng Khải tái khởi nghiệp với dự án chuỗi nhà hàng phở "Ông Khải" và cho rằng đây mới là cú đầu tư để đời của mình.

Trên facebook cá nhân của mình, con đường làm giàu hơn 32 năm của doanh nhân Hoàng Khải được ông tóm gọn vỏn vẹn không đầy 200 chữ: “22 tuổi mở cửa hàng Khai Silk đầu tiên và tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, 28 tuổi mở 19 cửa hàng Khai Silk tại các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và 1 nhà hàng Khai Brother, 32 tuổi khai trương 1 resort 4 sao đầu tiên tại Hội An và biết 4 ngoại ngữ, 38 tuổi mở Khai Silk khắp VN trên những con đường nổi tiếng như Đồng Khởi, Hàng Gai và trong những khách sạn sang trọng bậc nhất như Intercontinental Peninsula Da Nang hay như JW Marriott Phú Quốc và khai trương những nhà hàng cao cấp nhất tại Sài Gòn (10 cái), 45 tuổi bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại SaiGon Paragon với hơn 25.000 m2, 50 tuổi xây dựng khách sạn lâu đài Tajmasago nổi tiếng, 54 tuổi sẽ xây dựng tòa cao ốc THE KHAI với 20.000 m2, 1 khách sạn KHAISAN 179 phòng tại Cam Ranh và đã mở thành công chuỗi phở "Ông Khải " vào khoảng 100 tiệm (trong 2 năm)”.

Để phở... khơi nguồn cảm xúc

Cơ duyên đưa đến với phở như câu chuyện lần đầu anh làm Khai Silk. Việt Nam đã mở cửa bao năm, McDonald, KFC, Burger King… đã vào Việt Nam, tại sao không có ẩm thực Việt Nam nổi trội lên sánh ngang với thế giới. “Và thế là tôi làm phở” - anh nói như đang chia sẻ một thú chơi mới của mình, hoặc đơn giản với anh, Phở tựa như cách anh viết facebook vậy.

- Nhưng tôi vẫn thắc mắc, vì sao anh... chọn phở?

Tôi nghĩ, Phở tự nhiên đã là Việt Nam và nhìn thấy logo phở Ông Khải là nhìn thấy một bảo chứng về chất lượng trong khách hàng quốc tế. Và bản thân tôi luôn tự hào mình là chủ chuỗi phở là người Việt Nam còn những chuỗi khác ông chủ không phải là người Việt Nam.

Hơn nữa, sau những bát phở còn có một cảm xúc rất khác. Đó là bóng dáng của một người phụ nữ đôn hậu mà tôi yêu nhất - mẹ. Trong công thức phở Khải có gợi ý của mẹ về hương vị phở Bắc.

Tô phở ngon không phải là bởi vì nó là thương hiệu mà tô phở ngon ăn lúc đói hoặc những khi mưa phùn se lạnh hay có một người bạn đi cùng chung vui. Không phải chuyện ăn tô phở mà là nhiều trạng thái cộng hưởng với nhau cho sự thăng hoa.Phở còn là duyên phở, sự nhớ nhung cũng làm cho tô phở ngon. Tô phở ngon trong nam có chút gợi nhớ từ mùi hương húng láng cũng tạo ra một hương vị về tinh thần, mưa lạnh cũng tạo ra một yếu tố về tinh thần… Tô phở thong dong ngày chủ nhật sẽ ngon hơn tô phở hối hả ăn vội để đi làm của ngày thứ ba

- Theo tôi, điều đó dường như là chưa đủ để... khởi nghiệp, để kinh doanh, thưa anh?

Hàng trăm năm nay, phở đã có marketing tự nhiên trong cuộc sống. Nhưng ở nước ngoài, thực sự chưa có người nào kinh doanh để mang thương hiệu để kinh doanh ở nước ngoài. Nếu tôi có cơ hội làm được điều đó thì đó cũng là niềm vui của tôi. Tôi mơ ước có thể đạt được điều đó.

Mỗi bát phở “Ông Khải” có giá 50.000 đồng, không đắt hơn so với các thương hiệu phở nổi tiếng kia nhưng không gian chuyên nghiệp và phục vụ tốt, chất lượng sạch, không mỳ chính.
Đánh giá thị trường phở có tiềm năng rất lớn cả ở trên thế giới nên tôi mơ ước sẽ mang thương hiệu phở của mình ra kinh doanh ở nước ngoài như Trung Quốc và Nhật Bản, Pháp, Mỹ… Như vậy, phở phải có tầm quốc tế nhưng vẫn chứa đựng hồn Việt Nam và “chất Khải”.

Chính vì thế mục tiêu của tôi là phải đưa món phở của mình trở thành phở của mọi người.

Kinh doanh phải ra... “chất Khải”

Trong nhiều thứ anh say mê “khoe về logo phở Khải, về tô phở 45 giây, anh còn tự hào khoe “Phở ông Khải có nhiều phụ nữ lớn tuổi”. Với kế hoạch 100 quán phở thì anh nói mình cũng giúp cho nhiều phụ nữ lớn tuổi có thêm việc làm. Ưu tiên nhận phụ nữ lớn tuổi, chia sẻ được với họ phần nào cuộc sống. Anh trăn trở, trong mỗi dự án về kinh doanh tôi hay nghĩ nhiều về mình sẽ làm gì đóng góp được cho xã hội. Tuy đang đứng ở đỉnh cao của sự thành công, điều hành hơn chục nhà hàng cùng một hệ thống các cửa hiệu kinh doanh tơ lụa, trung tâm thương mại, cửa hàng phở nhưng theo doanh nhân Hoàng Khải không phải thành quả luôn đến một cách dễ dàng.

- Vậy “chất Khải” của anh thực sự là gì?

Chất của tôi là... đẹp! Chính nhờ lợi thế từ âm nhạc cổ điển mà người bố vốn là nhạc sĩ đã định hướng từ thưở bé đã cho tôi một tư duy khác. Tôi đã học thêm về ngành thiết kế và cùng với sự tinh tế của âm nhạc trong đã tạo ra những cảm xúc khác biệt trong tôi về cái đẹp.

Và hơn thế nữa, tôi muốn tạo ra một xu hướng thăng hoa. Và thách thức lớn nhất chính là sự sáng tạo không được phép dừng.

Và đối với Hoàng Khải, thành công không đơn giản là làm nên một sản phẩm đẹp. Từ nhìn thấy cơ hội và làm nên cái đẹp chưa đủ, với tôi, kinh doanh còn là tạo ra cái đẹp và thiết kế ra xu hướng cuộc sống. Dù là mảnh khăn lụa mềm mại hay tòa nhà sừng sững tôi đều “xả thân” vì nó, thổi hồn mình vào đó để đó là một sản phẩm sáng tạo, không lẫn lộn và mang đậm “chất Khải”.

Nhưng có lẽ cuộc đời quá ưu ái anh?

Nhìn tôi, ai cũng nghĩ một cuộc đời ước mơ nối tiếp ước mơ, nhưng ít ai hiểu rằng cuộc sống thường thì khó khăn nhiều hơn, và đôi khi nó đến với mình dồn dập hơn. Còn như hạnh phúc và sung sướng có phải lúc nào cũng ở ngay bên cạnh mình.

Tôi nhớ khoảng năm 2010, lúc đó tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn, nhiều khi áp lực về dòng tiền làm tôi phát điên và muốn vứt bỏ hết, cho xong mọi chuyện!

Thực tế, cuộc sống ai cũng có chuyện lo nghĩ, nhưng nếu không lạc quan thì sẽ buông xuôi, không thể giải quyết được khó khăn. Càng gặp khó, bạn cần phải lạc quan và bình tĩnh gỡ rối. Đây là bí quyết giúp tôi kinh doanh thành công.

Tôi cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc sống. Với tôi, cuộc sống cũng như bàn cờ, không nhất thiết anh phải đến cái đích đó, mà phải biết làm sao cho phù hợp với từng thời điểm. Đừng nghĩ mình phải làm những việc to tát mới quan trọng.

Và thời điểm hiện tại, chất Khải trong phở của anh là gì?

“Tôi thích mình được gọi là “Người buôn phở”. Bạn đã nghe từ “kẻ săn mây” hay “thợ săn ảnh” chưa, "người buôn phở" cũng có ý nghĩa kiểu như vậy đó.

Vĩ thanh

Đầu tư 70 tỷ để mở 100 cửa hàng đầu tiên ở các thành phố lớn Việt Nam sau hai năm. Sau đó kêu gọi quỹ đầu tư góp vốn, rồi đưa Phở Ông Khải lên sàn chứng khoán. Nhưng để thực hiện được mục tiêu đó, Hoàng Khải nói phải đưa món của ông trở thành phở của mọi người. Ông nói: “Làm phở Nam thì người Bắc không ăn được nhưng làm phở Bắc thì người Nam lại ăn được. Người Nam tính cách thoải mái và dễ tính. Nhưng đạt mục tiêu 100 tiệm trong hai năm là thách thức. Tôi tìm thấy ở Vũ Bằng giải pháp kinh doanh cho chuỗi cửa hàng của mình”

Nhưng chuỗi 100 tiệm phở ở Việt Nam của ông buôn phở - chưa là giấc mơ cuối cùng. Phở Ông Khải phải tiến vào thị trường Tokyo và Thượng Hải trước, sau đó lan rộng ra toàn nước Nhật và Trung Quốc đại lục!...
Với những gì anh đang có, người ta tặng anh cái biệt danh “doanh nhân ba giàu”: Giàu tâm hồn, phú quý về gia sản và giàu có về các giá trị mà anh làm nên trong đế chế doanh gia triệu đô. Và chính vị doanh nhân cũng khẳng khái chia sẻ: “Sự giàu có của tôi không chỉ thể hiện qua của cải và vật chất mà qua cả tâm hồn và những khát vọng của tôi.”

Điều đặc biệt của Hoàng Khải là bao giờ Hoàng Khải làm cũng đẹp, cũng gây choáng ngợp, thích thú và không trùng lắp, từ tơ lụa Khai Silk, bất động sản tới ẩm thực. Đó chính là niềm đam mê tạo ra cái đẹp, làm cho các sản phẩm của mình trở nên thành công. Và đó cũng là lý do tại sao các dự án mới liên tục ra đời và tiền cứ chảy không ngừng về phía vị doanh nhân đa tài này.

Lê Liên - thực hiện

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/pho-thu-choi-ngong-moi-mang-chat-khai-118667.html