Phô diễn giá trị văn hóa cộng đồng

Nhiều lễ hội được khôi phục, ngoài bảo đảm những thành tố quan trọng trong tổng thể của một lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, còn hướng tới phát triển du lịch địa phương.

Lễ hội truyền thống phục hồi mạnh mẽ

Trong khoảng gần 20 năm qua, đời sống lễ hội ở Việt Nam có khá nhiều thay đổi. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống khởi sắc; lễ hội truyền thống vốn đã có, nay được củng cố, mở rộng quy mô, những gì lãng quên được khôi phục. Một số lễ hội bị mai một, thậm chí chỉ còn trong ký ức ít ỏi của người cao tuổi, đã được phục dựng. Bên cạnh đó, hệ thống di tích đình, đền, chùa… được tu sửa, tôn tạo, góp phần phục hồi mạnh mẽ của lễ hội truyền thống.

Các chính sách bảo tồn và phát huy lễ hội được sửa đổi, bổ sung, nhằm cụ thể hóa việc “phục dựng có chọn lọc một số nghi thức lễ hội truyền thống”. Theo ThS. Cao Trung Vinh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, điều này tác động mạnh đến sự phục hồi của lễ hội truyền thống. Năm 1997, Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong tổng số hơn 200 dự án về sưu tầm, bảo tồn lễ hội truyền thống của người Việt thì gần 20 dự án tập trung cho việc phục hồi, phục dựng lễ hội truyền thống, chiếm 10% trên tổng số dự án về bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống. Chưa kể khá nhiều dự án được thực hiện ở các địa phương bằng hình thức xã hội hóa.

Phục hồi lễ hội đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, gắn với phát triển du lịch

Ông Cao Trung Vinh từng tham gia hỗ trợ phục dựng một số lễ hội truyền thống mà Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện như: Lễ hội Lam Kinh (2004, 2005); Lễ hội Kiếp Bạc (2006, 2007); Lễ hội Lảnh Giang (Hà Nam, 2009); Lễ hội Tịch điền (Hà Nam, 2009, 2010); Lễ hội Quỳnh Đôi (2012); Lễ hội làng Khe (Bắc Ninh, 2013); Lễ hội Bình Đà ở Hà Nội (2014)… và gần đây nhất là Lễ hội cồng chiêng Kông Lương Khơng (2020) của cộng đồng người Ba Na ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; Lễ hội Triệu Việt Vương (2022) ở Hưng Yên… Trên cơ sở nghiên cứu, quan sát thực tế, ông Cao Trung Vinh cho rằng: “Khi đánh giá một lễ hội truyền thống, người ta hay nhìn vào các thành tố đó là các nghi lễ cấu thành nên nó, và nếu đầy đủ các thành tố thì được coi là một lễ hội hoàn chỉnh. Nên khi tiến hành hoạt động phục dựng, cần hiểu rõ vai trò, vị trí của các thành tố này như nghi lễ tế, nghi lễ rước, dâng hương và các lễ tục liên quan…”.

Trong mỗi lễ hội truyền thống vị thần (hay còn gọi là vị thần chủ) được cộng đồng tôn kính thờ phụng có thể là nhân thần hay thiên thần, đều có sự tích hoặc câu chuyện liên quan được lưu truyền chẳng hạn như: Lễ hội Tịch điền (Duy Tiên, Hà Nam) gắn liền với câu chuyện Vua Lê đi cày dưới chân núi Đọi; lễ hội Triệu Việt Vương gắn với sự tích Vua được thánh Chử cho mượn mũ đâu mâu móng rồng để giết giặc; Lễ hội Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) gắn với Quan Đệ Tam… Khi phục hồi lễ hội, các yếu tố lịch sử liên quan này được coi là chất liệu để đưa câu chuyện thành các màn diễn xướng, trình diễn lớn…

Tôn trọng di sản, phát triển du lịch

Lễ hội truyền thống là sản phẩm văn hóa của dân chúng ở một cộng đồng (làng hay nhiều làng). Vào một thời gian nhất định trong năm, ở một địa điểm cụ thể, người ta tiến hành những nghi thức thờ phụng tập thể như tế, lễ, rước và sau đó là hoạt động vui chơi, ăn uống cộng cảm nhằm cố kết cộng đồng, giải tỏa căng thẳng và củng cố niềm tin, sức mạnh cho mỗi thành viên cũng như cả cộng đồng. Thông qua lễ hội, các giá trị xã hội của cộng đồng được biểu hiện và tái xác định những mối liên hệ đã gắn bó các nhóm lại với nhau. Ở các làng của người Việt, thường thì mỗi làng có một lễ hội riêng, ngày hội chính là thời điểm các biểu thị văn hóa phi vật thể bộc lộ tập trung nhất.

Ngày nay, nhiều lễ hội được phục dựng với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng, nhưng còn là mong muốn của chính quyền địa phương, hướng đến tạo ra nguồn lợi kinh tế, phát triển du lịch và tạo được thương hiệu của địa phương. Chẳng hạn khi phục hồi Lễ hội Tịch Điền (Hà Nam) hay Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), chính quyền địa phương muốn lễ hội trở thành biểu tượng về văn hóa cho tỉnh, khai thác biểu tượng văn hóa sẵn có (vốn di sản) không chỉ ít tốn kém mà còn phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của người dân.

Trong bối cảnh như vậy, phục dựng lễ hội cần cân bằng vai trò của cộng đồng, vai trò của dòng họ với vai trò Nhà nước. Theo ông Cao Trung Vinh, các nguyên tắc cơ bản của phát triển du lịch thông qua phục hồi lễ hội truyền thống gồm sự tham gia của cộng đồng, tôn trọng văn hóa và các di sản, chia sẻ lợi ích, sở hữu và tham gia của địa phương. Do đó, cần đưa ra thảo luận về những nghi lễ phục dựng, truyền thống cần phục hồi, các yếu tố mới đưa vào lễ hội một cách phù hợp… để cộng đồng lựa chọn và thực hiện.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chính là tạo được sinh kế, thu nhập cho cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản thông qua hoạt động du lịch. Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, nên có điều chỉnh trong hoạch định chính sách và hành động. Nhìn nhận đúng vai trò của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển du lịch. Hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; bảo đảm phát triển bền vững trong hoạt động du lịch tại các di tích, di sản văn hóa; tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể của di sản văn hóa phi vật thể.

“Để phát triển bền vững du lịch dựa trên di sản, khi tiến hành phục dựng các lễ hội truyền thống, cần có nguyên tắc, giải pháp để đưa phát triển du lịch vào chương trình tổng thể. Làm tốt điều này, chúng ta sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, tránh được những rủi ro tác động đến di sản” - ông Cao Trung Vinh nhận định.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/pho-dien-gia-tri-van-hoa-cong-dong-i360534/