Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Để Hà Nội thêm lãng mạn và đáng nhớ

Chủ trương của UBND quận Tây Hồ đưa phố Trịnh Công Sơn trở thành phố đi bộ bắt đầu từ tháng 10-2017 đang được nhiều người quan tâm. Đa số người dân háo hức đón chờ Hà Nội có thêm một không gian văn hóa, giải trí cuối tuần, nâng hình ảnh của Thủ đô đẹp hơn trong mắt du khách.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn hứa hẹn sẽ trở thành không gian văn hóa, du lịch mới, hấp dẫn của Hà Nội.

Không gian của âm nhạc và ẩm thực

Phố Trịnh Công Sơn dài chừng 900m, nối từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến điểm giao với ngã ba đê Âu Cơ. Cạnh đó là quảng trường rộng 2.000m2, có sức chứa khoảng hơn 1.000 người, chưa kể đường rặng nhãn, đường Vệ Hồ, hồ sen thơ mộng vào buổi hè và con đường thênh thang mà giới trẻ vẫn hay gọi là “đường Hàn Quốc” hay “đường tình yêu”…

Không gian vốn có của khu vực kề cận đường Trịnh Công Sơn khiến nơi đây trở thành điểm hẹn thơ mộng, lãng mạn mà giới trẻ Hà thành thường xuyên lui tới. Khu vực này đặc biệt lãng mạn vào buổi chiều tối. Khi ánh hoàng hôn buông xuống, những con đường ven hồ có sức hấp dẫn rất riêng với không gian rộng lớn mát lành, mùi sen và mùi cây cỏ dễ khiến cho lòng người nhẹ bớt đi những ưu phiền.

Với những ưu thế vốn có ấy, chủ trương của UBND quận Tây Hồ biến phố Trịnh Công Sơn thành phố đi bộ và tiến tới sẽ mở rộng không gian biểu diễn nghệ thuật ra các phố lân cận được nhiều người dân đón nhận và chờ đợi ngày khai trương. Trước đó, khi con phố được đặt tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một vài sự kiện nhạc Trịnh chuyên nghiệp đã được tổ chức tại đây. Nhiều nghệ sĩ đường phố, hay những người yêu nhạc Trịnh cũng đến con phố này tổ chức những buổi sinh hoạt âm nhạc ấm cúng và gần gũi.

Dự án biến phố Trịnh Công Sơn thành phố đi bộ được UBND quận Tây Hồ chuẩn bị hơn một năm nay. Đề án tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố được quận Tây Hồ được xây dựng theo hướng tạo không gian văn hóa gần gũi, bình dị, lãng mạn khác với vẻ hoài cổ, trang trọng như không gian đi bộ quanh Hồ Gươm.

Theo đề án này, vào dịp cuối tuần (từ tối thứ 6 đến tối chủ nhật), người dân sẽ được nghe nhạc Trịnh, uống cà phê ở các quán ven đường chỉ với giá 10.000 - 20.000 đồng. Tại đây, UBND quận Tây Hồ còn dự định hình thành khu ẩm thực, giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Hà Nội như: bún ốc, xôi Phú Thượng, bánh tôm Hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng… Bên cạnh đó, BTC cũng dự định tổ chức một sân khấu nhạc Trịnh và âm nhạc dân gian do trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tổ chức. Tại sân khấu này, những nghệ sĩ không chuyên cũng có cơ hội biểu diễn nghệ thuật.

Dần khắc phục những bất cập

Để phố Trịnh Công Sơn và khu vực lân cận trở thành phố đi bộ lẽ đương nhiên những nhà quản lý phải có những tính toán sao cho đề án phải phù hợp với dân sinh của khu vực. Làm sao để duy trì nếp sinh hoạt không ảnh hưởng đến đời sống vốn dĩ êm đềm của những cư dân nơi đây luôn được lãnh đạo địa phương cân nhắc.

Theo lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, dù phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa khai trương nhưng quận đã nhận được 14 đơn khuyến nghị của người dân, chủ yếu bày tỏ phản ứng xung quanh việc dựng kiốt cố định bán hàng (không đúng với đề án ban đầu là dựng kiốt di động). Theo ý kiến của các hộ gia đình, việc dựng những kiốt cố định khiến nhiều gia đình bị ảnh hưởng do bị che mất tầm nhìn và hướng gió.

Ngay khi người dân có ý kiến, chính quyền quận Tây Hồ lập tức tổ chức họp dân để lắng nghe tâm tư. Những kiốt cố định đã được tháo dỡ. Các kiốt cố định này được thay bằng gian hàng di động khung nhôm, tháo dỡ nhanh trong vòng 20 phút. Sau thời gian kết thúc phố đi bộ, các gian hàng này sẽ được thu dọn để trả lại sự thoáng đãng cho các hộ dân.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, chính quyền địa phương luôn lắng nghe ý kiến của người dân và sẽ cố gắng dung hòa giữa việc tổ chức không gian phố đi bộ sao cho hấp dẫn với lợi ích của người dân.

Theo ý kiến của các nhà văn hóa, việc tổ chức không gian phố đi bộ ở khu vực quận Tây Hồ là chủ trương đúng đắn, cần thiết. Bởi lẽ, nó sẽ là phương án giảm tải phố đi bộ ở khu vực Hồ Gươm và hơn nữa sẽ tạo thêm không gian văn hóa hấp dẫn mới của Hà Nội. Không gian văn hóa này mang “đặc sản” riêng của Hà Nội, góp phần giới thiệu một địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Tuy nhiên, để không gian biểu diễn nghệ thuật khu vực quận Tây Hồ trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch có tính bền vững, chính quyền địa phương cần tính toán kỹ các phương án lâu dài, gắn kết với lợi ích của cộng đồng dân cư sinh sống tại đây, mà cụ thể là khâu quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng, phương án trông giữ xe, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Dự kiến, phố đi bộ Trịnh Cộng Sơn và không gian biểu diễn nghệ thuật quận Tây Hồ sẽ khai trương vào dịp 10-10 tới. Nếu quản lý tốt, đây sẽ là không gian văn hóa, du lịch mới của Hà Nội, hứa hẹn sẽ là địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/875422/pho-di-bo-trinh-cong-son-de-ha-noi-them-lang-man-va-dang-nho