Phố cổ Hội An đối diện nhiều thách thức

Di sản Văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An đang tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức lớn, trong đó có những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của di sản

UBND tỉnh Quảng Nam vừa trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

4 nguy cơ, thách thức lớn

Theo nội dung đề án, thời gian qua, với sự nỗ lực của trung ương và địa phương, việc xây dựng và phát triển TP Hội An đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị của đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An. Hiện nay, Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển; chưa bảo đảm cân bằng giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển; thiếu nguồn lực đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của di sản. Đặc biệt, Hội An đang tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức lớn, trong đó có những nguy cơ, thách thức đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của di sản.

Sức ép từ phát triển du lịch, biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn tác động đến sự tồn tại của đô thị cổ Hội An

Đó là nguy cơ mất cân bằng giữa quy hoạch bảo tồn tài nguyên di sản văn hóa với phát triển du lịch - dịch vụ. Hiện nay, tài nguyên di sản văn hóa chủ yếu khai thác tập trung trong khu phố cổ trong khi quy mô khu phố cổ tương đối nhỏ. Nhu cầu đa dạng của du khách dẫn đến hệ thống công trình dịch vụ - du lịch ngày càng nhiều, tạo áp lực cho hạ tầng. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, một số công trình phục vụ du lịch áp sát khu phố cổ với sự khác lạ về công năng, quy mô, hình khối dẫn đến phá vỡ không gian vốn có, đối kháng giữa cũ và mới, làm suy giảm bản sắc riêng của đô thị di sản, mất dần bản sắc kiến trúc và hình thái đô thị đặc trưng vốn có...

Thứ hai, nguy cơ về sức ép môi trường như chất thải, khói bụi, hỏa hoạn, mối mọt, côn trùng gây hư hại công trình kiến trúc và thiên tai tác động của quá trình biến đổi khí hậu.

Thứ ba, nguy cơ tác động từ du lịch với biến đổi giá trị văn hóa. Đó là tình trạng biến dạng kiến trúc và công năng sử dụng di tích phục vụ mục đích kinh doanh du lịch. Sự biến động về cơ cấu dân cư, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội... từ tình trạng thay đổi chủ sở hữu, cho thuê mặt bằng kinh doanh dẫn đến những biến đổi trong nếp nhà, lối sống, giềng mối cố kết cộng đồng cư dân phố cổ vốn được coi là hồn cốt của văn hóa Hội An.

Thứ tư, nguy cơ mất đi tính chân xác trong hoạt động bảo tồn di sản. Bởi Hội An là "bảo tàng sống", nhiệm vụ bảo tồn di sản phải gắn với đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, vừa gắn với nhiệm vụ phát triển đa lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường… vừa đòi hỏi giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quan điểm về bảo tồn nguyên gốc với quan điểm bảo tồn thích nghi, phát triển bền vững.

Yêu cầu cấp thiết với Hội An

Trong nội dung đề án, mục tiêu tổng quát tỉnh Quảng Nam đưa ra là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đô thị cổ Hội An; bảo đảm tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của di sản.

Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030, 100% di tích phố cổ Hội An đã được xếp hạng được trùng tu, tôn tạo; 100% di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn, phát huy giá trị; 100% di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các di tích xếp hạng được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số…

Sức ép từ phát triển du lịch, biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn tác động đến sự tồn tại của đô thị cổ Hội An

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận việc trình Thủ tướng phê duyệt đề án là rất quan trọng và có ý nghĩa vì Hội An là đô thị đặc thù, đô thị di sản. Đề án được phê duyệt là cơ sở pháp lý để hoàn thiện quy hoạch TP Hội An, xây dựng các cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới và phát triển TP Hội An trong thời gian tới theo hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành năm 2023.

Cần 1.670 tỉ đồng thực hiện đề án

Theo nội dung đề án, dự toán tổng kinh phí thực hiện là 1.670 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của trung ương, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An 1.290 tỉ đồng; nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và TP Hội An 180 tỉ đồng; nguồn vốn tài trợ, ODA 200 tỉ đồng.

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/pho-co-hoi-an-doi-dien-nhieu-thach-thuc-196240319212746859.htm