Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân chỉ đạo rà soát nhiều bất cập về giáo dục

Chiều nay (14/3), Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân có buổi làm việc với ngành giáo dục tỉnh Cà Mau về tình hình bố trí số lượng học sinh trên lớp học, triển khai dạy bán trú cho học sinh và chọn sách giáo khoa giảng dạy trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 19 và Thông tư số 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

>> Huyện Năm Căn vừa thừa, vừa thiếu giáo viên

>> “Cú huých” đào tạo giáo viên mầm non

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo ngành giáo dục và các địa phương rà soát số lượng học sinh, giáo viên, nhân viên để sắp xếp, bố trí phù hợp.

Toàn ngành hiện có 481 trường công lập; trong đó, mầm non 120 trường, tiểu học 213 trường, THCS 114 trường, THPT 32 trường, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Qua rà soát trên địa bàn tỉnh, việc bố trí số học sinh/lớp tại các huyện, xã (đặc biệt là các điểm trường lẻ) thấp hơn so với bình quân theo quy định vùng tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT. Nguyên nhân do đặc thù Cà Mau là vùng sông nước, có nhiều điểm trường lẻ (mầm non có 148 điểm lẻ, tiểu học có 155 điểm lẻ, THCS có 9 điểm lẻ).

Về quy định Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THPT gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn, các trường xây dựng tổ hợp các môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập, học sinh đăng ký theo nguyện vọng và năng lực của mình. Do đó, biên chế số học sinh/lớp ở cấp THPT phải bố trí theo tổ hợp môn mà học sinh đăng ký theo từng khối lớp, do đặc thù từng khối lớp có các tổ hợp môn học khác nhau nên không thể dồn lớp để đảm bảo bình quân 45 học sinh/lớp, mặc dù không đủ 45 học sinh vẫn phải bố trí 1 lớp và bố trí đủ giáo viên các môn học để đảm bảo công tác giảng dạy. Đối với những trường thuộc khu vực 1, nếu bố trí số học sinh/lớp theo Thông tư 20, dẫn đến tăng số lớp, thiếu phòng học, thiếu giáo viên.

Buổi làm việc xoay quanh nội dung bố trí số lượng học sinh/lớp tại các cơ sở giáo dục.

Vấn đề xây dựng Đề án vị trí việc làm theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT cũng gặp khó khăn do biên chế lớp của năm học 2023-2024 đã ổn định, dẫn đến việc lệch số lớp, số biên chế (thấp hơn hoặc cao hơn) so với thực tế.

Tại cuộc họp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đề xuất UBND tỉnh xem xét việc bố trí học sinh/lớp tại các cơ sở giáo dục thuộc trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng theo quy định Thông tư 20. Cụ thể như sau: Tổng số toàn tỉnh có 481, đã sắp xếp theo quy định các Thông tư là 310 trường. Đối với các đơn vị còn gặp khó khăn chưa sắp xếp được, đề xuất việc bố trí số học sinh/lớp phù hợp với thực tế của từng cơ sở giáo dục thuộc trường hợp đặc biệt là 171 trường, trong đó, có 14 trường đề xuất bình quân học sinh/lớp cao hơn định mức Thông tư và 157 trường đề xuất bình quân học sinh/lớp thấp hơn định mức. Việc đề xuất bố trí số học sinh/lớp thuộc trường hợp đặc biệt thấp hơn hoặc cao hơn định mức vùng theo quy định Thông tư 20 trên cơ cở không làm tăng thêm định mức biên chế giáo viên so với thời điểm Thông tư có hiệu lực (số lớp đề xuất bằng hoặc thấp hơn so với số lớp thực tế hiện có ở học kỳ 2 năm hoc 2023-2024).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo: phòng giáo dục và đào tạo, UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát, thống kê số lượng học sinh, số lớp học, giáo viên, nhân viên; đối chiếu, quy đổi thông tư cũ sang thông tư mới. Song song đó, phải tính toán sỉ số học sinh, số lớp đặc thù và cao hơn hoặc thấp hơn so với Thông tư số 20, có giải trình Sở Nội vụ và hoàn chỉnh đề án vị trí việc làm. Biên chế giáo viên, nhân viên đã giao cho các huyện nhưng chưa tuyển thì tính toán linh hoạt; vừa thực hiện theo thông tư mới, vừa tuyên truyền để cán bộ, giáo viên hiểu về sắp xếp công tâm, khách quan, minh bạch.

Bên cạnh đó, việc điều động giáo viên từ các trường liên huyện, liên xã; đào tạo chuyển đổi giáo viên bộ môn từ thừa sang thiếu phải được giáo viên đồng thuận. Đối với công tác dạy học bán trú, phải rà soát và lấy ý kiến phụ huynh học sinh, tính toán sao cho kỹ càng, phù hợp.

Tiếp theo là phải khảo sát ý kiến phụ huynh về chọn sách giáo khoa nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh. Đặc biệt, phải chú trọng vấn đề phòng ngừa bạo lực trong học đường, tạo môi trường giáo dục văn hóa./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/pho-chu-tich-ubnd-tinh-ca-mau-nguyen-minh-luan-chi-dao-ra-soat-nhieu-bat-cap-ve-giao-duc-a31645.html