PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẨN QUANG PHƯƠNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MTQG CỦA HUYỆN QUẾ PHONG, NGHỆ AN

Sáng 31/7, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An về 'Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030'.

Tham dự Đoàn giám sát có ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội thành viên. Về phía tỉnh Nghệ An, dự buổi làm việc có bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các Sở, ngành liên quan. Về phía huyện Quế Phong, tham dự buổi làm việc với Đoàn giám sát có ông Trương Minh Cương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện, cùng đại diện các Phòng ban của huyện và lãnh đạo 2 xã Tiền Phong và Mường Nọc.

Toàn cảnh buổi Hội nghị

Quế Phong là một huyện vùng núi cao biên giới của tỉnh Nghệ An. Đây cũng là 1 trong 4 huyện nghèo - nơi hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có 12 xã và 1 thị trấn thì 11 xã đặc biệt khó khăn- xã khu vực 3. Mặc dù những năm qua, huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, song tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 68%, trong đó hơn 40% là hộ nghèo. Đến nay, huyện vẫn chưa có 1 xã nào đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện được giao 491 tỷ đồng cho cả 3 Chương trình MTQG. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân cả 3 Chương trình đều rất thấp. Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng (tăng 3,68% với 592 hộ). Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương đã phân bổ năm 2022 và năm 2023 cho huyện là 159 tỷ đồng, nhưng huyện mới giải ngân được hơn 3 tỷ, đạt 1,88%. Các dự án, tiểu dự án giải ngân đạt kết quả thấp, trong đó có những dự án, tiểu dự án quan trọng tác động đến kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện vẫn chưa có 1 xã nào đạt chuẩn Nông thôn mới. Có 02 tiêu chí chưa xã nào đạt là tiêu chí về Nhà ở dân cư và tiêu chí về Thu nhập. Kết quả giải ngân nguồn vốn trung ương phân bổ thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2022 và 2023 đến nay là hơn 10 tỷ đồng, đạt hơn 37%.

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương đã phân bổ năm 2022 và năm 2023 là hơn 260 tỷ đồng, nhưng huyện mới giải ngân được hơn 8, 6 tỷ, đạt 3,32%.

Với tỷ lệ giải ngân thấp như vậy, các thành viên Đoàn giàm sát đề nghị huyện rà soát, phân tích liệu có khả năng đạt được mục tiêu đặt ra tới năm 2025 hay không; làm rõ những khó khăn vướng mắc trong việc lồng ghép, tích hợp các nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ, mặc dù huyện Quế Phong còn nhiều khó khăn nhưng đã triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia với quyết tâm cao, có nhiều nỗ lực, trong chừng mực nào đó đã quyết liệt chỉ đạo và có kinh nghiệm cho chính mình từ việc thành lập Ban chỉ đạo, triển khai các đầu mối, tuyên truyền vận động người dân triển khai thực hiện. Chính vì vậy, bước đầu cả 3 Chương trình đã có kết quả nhất định, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện.

Trưởng đoàn giám sát cho rằng, Quế Phong vẫn là huyện nghèo của tỉnh Nghệ An cũng như cả nước. Vì vậy trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, huyện đã gặp nhiều áp lực như: vấn đề giải ngân vốn, chất lượng cán bộ còn hạn chế, các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền và nguồn vốn bố trí muộn… Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị huyện phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan khiến việc giải ngân 3 Chương trình MTQG thấp, để xem đâu đó có hay không chuyện e dè, sợ sai, không dám làm, do cán bộ thiếu trình độ hay do ý thức trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị địa phương nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, nhất là xung quanh vấn đề lập kế hoạch phân bổ vốn, giao vốn và giải ngân vốn đối ứng, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân vì sao tỷ lệ giải ngân 3 Chương trình MTQG lại thấp, trong đó, giải ngân vốn đầu tư lại thấp hơn vốn sự nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, huyện cần xác định việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và nhân dân cùng tham gia. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trong về vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trưởng Đoàn giám sát cũng gợi ý, chia sẻ 5 kinh nghiệm đối với huyện trong quá trình triển khai thực hiện như:

Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc “bám trên sát dưới”, để vừa biết chủ trương của cấp trên, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, vừa rà soát, đánh giá thực chất việc thực hiện 3 Chương trình MTQG tại cơ sở. Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân nhận thức vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng ỉ lại. Thứ ba, trong kế hoạch triển khai thực hiện, cần phải xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá dựa trên đặc điểm, đặc thù của địa phương. Thứ tư, mạnh dạn làm thí điểm, tránh hiện tượng né tránh, sợ sai, không dám làm, không ngồi chờ cấp trên hướng dẫn. Thứ năm, xây dựng các Tổ công tác cho các Chương trình, nội dung cụ thể trên tinh thần “cầm tay chỉ việc”, vừa làm vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự quyết tâm, đoàn kết và năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, đến năm 2030, huyện miền núi Quế Phong sẽ ra khỏi huyện nghèo, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và khởi sắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tặng quà cho các hộ nghèo huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

Nhân dịp Đoàn giám sát về làm việc với địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã tặng 15 phần quà cho 15 hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại một số xã trên địa bàn huyện./.

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78504