Phó chủ tịch Quốc hội thăm Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thăm, làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn nơi đây sẽ là biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Ngày 21/10, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Hội đồng Dân tộc Quốc hội có buổi thăm, làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Cùng đi có Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Ngày 21/10, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Hội đồng Dân tộc Quốc hội có buổi thăm, làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Cùng đi có Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Theo Bộ trưởng Thiện, Làng văn hóa có mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của 54 dân tộc, đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân. Dự án có tổng diện tích 1.544 ha, được khởi động năm 1999, phân thành 7 khu chức năng. Trong đó, khu các làng dân tộc, khu điều hành và hạ tầng kỹ thuật chung được đầu tư vốn Nhà nước, còn lại xác định là xã hội hóa.

Nữ Phó chủ tịch Quốc hội hòa vào điệu nhảy truyền thống của dân tộc Tà Ôi (đến từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Đoàn tham quan thưởng thức bánh a quát, chiếc bánh tình yêu của người Tà Ôi. Đặc sản xuất hiện trong hầu hết lễ hội và ngày cưới của cộng đồng dân tộc này.

Phó chủ tịch Quốc hội cùng Hội đồng Dân tộc tham quan và gặp gỡ đồng bào tại một số điểm thuộc Khu làng các dân tộc. Tháp Chăm với công trình kiến trúc đồ sộ là điểm dừng chân tiếp theo của đoàn.

Nghệ nhân đang trình diễn trong lễ hội Sen Dolta - một lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer (tỉnh Sóc Trăng) .

Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thưởng thức bánh tét - món bánh được làm trong các dịp lễ tết của người Khmer.

Đoàn tham gia buổi lễ cầu an tại chùa Khmer.

Đây là ngôi chùa phật giáo nguyên thủy duy nhất ở Hà Nội, chùa được phụng dựng theo khuôn mẫu chùa Khmer ở Sóc Trăng với những họa tiết tổ hợp xây dựng trong vòng 3 năm.

Trong các cuộc trò chuyện, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sự cố gắng nỗ lực của ngành văn hóa trong việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Đoàn tham quan đến với ngôi nhà của dân tộc Thái đến từ Mai Châu.

Dưới sân nhà, những cô gái Thái nhẹ nhàng trong điệu múa truyền thống.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tham gia đánh trống chiêng cùng bà con dân tộc.

Trò chuyện với bà con dân tộc, bà cho biết việc được tới thăm làng văn hóa, được chia sẻ tình cảm với đồng bào, đồng chí với anh em dân tộc trên khắp cả nước là niềm vui lớn.

Với tình cảm trân quý của bà con dân tộc, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hy vọng đây sẽ là biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Hoan nghênh những nỗ lực của ngành văn hóa, bà yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các nghệ nhân tham gia việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng trung tâm văn hóa, học viện nghiên cứu văn hóa…

Về hoạt động của Làng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lượng khách đến còn ít. Nguyên nhân là việc thu hút vốn đầu tư vào dự án còn hạn chế, chưa được áp dụng chính sách ưu đãi. Ông nêu các kiến nghị như cấp đủ ngân sách xây dựng; có chính sách cho đồng bào dân tộc luân phiên hoạt động tại làng văn hóa; có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; ổn định mực nước hồ Đồng Mô (thường cạn kiệt vào các mùa tưới tiêu, khó khăn cho hoạt động du lịch). Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định đầu tư cho Làng văn hóa phải được coi là đầu tư cho phát triển và đồng tình việc cần xã hội hóa mạnh mẽ để đảm bảo nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cách trung tâm Hà Nội chừng 50 km về phía tây. Ảnh: Google Maps.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-tham-lang-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-post789265.html