Phó chủ tịch Quốc hội: Có tình trạng 'tầm thường hóa' khoa học - công nghệ?

Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu; KHCN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Nhưng Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển lại cho rằng: “Phải chăng đang có tình trạng… tầm thường hóa KHCN”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Theo Báo cáo giám sát “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa” vừa được Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 4/10 thì giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào GDP và có khả năng đạt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP.

“Kết quả tính toán cho thấy, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào GDP trong giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp là 11,7% GDP (năm 2011) lên 19,1% GDP (năm 2012) và năm 2013 lên 28,7% GDP. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% GDP vào năm 2020 là khả thi”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường hy vọng, nhưng cũng rất băn khoăn vì, phần lớn giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đều do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra.

Kết quả tính toán sơ bộ của Bộ KHCN cho thấy, giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm. Tuy nhiên, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng… phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Tổng số bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới và thứ 4 của ASEAN, chỉ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Toán học, vật lý, hóa học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng sô bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học, chúng ta có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực ASEAN”, ông Dũng tự hào.

Nghe các số liệu trên, nhất là số bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế xếp thứ 59 trên thế giới và thứ 4 của ASEAN, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng: “Đây là dấu hiệu đáng mừng”.

Nhưng nhìn lại các công trình nghiên cứu, các báo cáo khoa học này được ứng dụng vào thực tế, đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế, xã hội, ông Giàu thẳng thắn thừa nhận: “Công nghệ của Việt Nam còn quá lạc hậu”.

Theo ông Giàu, KHCN của nước ta có sự phát triển nhất định trong 5-10 năm vừa qua là có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế, nếu không tính Samsung, Intel và những doanh nghiệp đang áp dụng KHCN tiên tiến, đóng góp rất lớn trong tạo công ăn việc làm, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế… thì trình độ KHCN của nước ta không thể cao như vậy.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, với cơ chế như hiện nay thì KHCN khó có thể phát triển như mục tiêu đã đặt ra.

Lấy ví dụ việc áp dụng KHCN trong lĩnh vực vô cùng quan trọng là quốc phòng, theo ông Tỵ, nếu cứ để quân đội sản xuất toàn bộ vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự khép kín như hiện nay thì vừa không thể phát triển KHCN quốc phòng tiên tiến, hiện đại, quân đội vừa “phân tâm” nên không toàn tâm, toàn lực vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

“Ở các nước trên thế giới, quân đội đặt hàng doanh nghiệp sản xuất vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự. Doanh nghiệp không chỉ sản xuất cho quốc phòng mà họ sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí cho dân sự nên người ta mới có vốn tập trung đổi mới, phát triển KHCN, nhờ đó, quốc phòng được sử dụng KHCN tiên tiến, hiện đại”, ông Tỵ dẫn chứng.

Liên hệ với dân sự, ông Tỵ cho rằng, nếu vẫn giữ cơ chế hằng năm các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, bộ ngành xây dựng hàng loạt đề tài, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngân sách nhà nước cấp tiền để nghiên cứu, cuối năm nghiệm thu… rồi cất ngăn tủ thì KHCN vẫn giậm chân tại chỗ.

“Mỗi năm bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Hiệu quả ứng dụng phát minh, sáng chế ra sao? Hay hầu hết đề tài nghiên cứu xong để đấy, gây lãng phí cho xã hội, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao?”, ông Tỵ đặt câu hỏi.

Theo ông Tỵ, cần lấy Viettel và một số doanh nghiệp khác làm bài học đầu tư cho KHCN. Cụ thể, Nhà nước đặt hàng, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học bỏ tiền hoặc huy động vốn để nghiên cứu, Nhà nước mua lại toàn bộ hoặc một phần sản phẩm, số sản phẩm còn lại, doanh nghiệp đem bán hoặc tổ chức sản xuất, lấy tiền để tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học khác.

“Chỉ có như vậy doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu mới chủ động từ nghiên cứu lẫn tài chính, họ mới có thể mạnh dạn bỏ tiền ra thuê chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước về làm việc thì KHCN mới phát triển được”, ông Tỵ gợi ý.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-co-tinh-trang-tam-thuong-hoa-khoa-hoc---cong-nghe-d52427.html