Phó Chủ tịch Bắc Giang thử 'nhờ' ChatGPT viết bài phát biểu khai mạc hội thảo trong 42 giây

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết để có trải nghiệm thực tế trước khi tới hội thảo hôm nay (16-4), tối qua, ông đã thử test sức mạnh trí tuệ nhân tạo qua việc 'nhờ' ChatGPT viết bài phát biểu khai mạc hội thảo...

Là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp tập trung nhiều nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, Bắc Giang đang muốn nâng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu, mà giải pháp là tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Với mục đích đó, sáng nay, 16-4, một hội thảo về thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn đã được Bắc Giang tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của gần 30 đơn vị đại diện cho các cơ quan Nhà nước, trường học và nhiều công ty, doanh nghiệp có chung mối quan tâm.

Tổng giám đốc Hana Micron Vina Chung Won Soek. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Trong số này, đáng chú ý có Hana Micron, doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác. Tại Việt Nam, nhà đầu tư này xuất hiện dưới pháp nhân là Công ty TNHH Hana Micron Vina.

Tổng giám đốc Hana Micron Vina Chung Won Soek cho biết việc sản xuất sản phẩm chíp bán dẫn trải qua 65 công đoạn và tất cả thực hiện qua hệ thống IT. Do đó, IT có vai trò quan trọng, đầu não của công ty để đảm bảo không có lỗi trong quá trình sản xuất.

Năm 2019, Hana Micron bắt đầu có mặt tại Việt Nam, đến nay đang vận hành nhà máy trên diện tích 60ha tại Bắc Giang. Mỗi tháng, cơ sở này có thể sản xuất ra 100 triệu con chip.

Tổng số lao động của Hana Micron Vina là 1.655, dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng lên 1.900 người. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực Việt tại công ty sản xuất chíp bán dẫn này so với các nền sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc thì sức cạnh tranh còn yếu.

Theo ông Chung Won Soek, xét theo tiêu chuẩn thành thạo công việc (Wire Bond), lao động Việt Nam ở vị trí 18 thì lao động Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 40 và 60 lần. Về năng lực xử lý thiết bị khi có sự cố thì Việt Nam so với Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 30 - 70 - 90 điểm.

Về tiêu chí thâm niên, qua đó cho thấy bề dày kinh nghiệm trong ngành công nghiệp bán dẫn thì tại Hana Micron Vina, số công nhân (OP) có thâm niên 2 năm chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động, số kỹ sư thiết bị (EE) thâm niên đến 3 năm chỉ chiếm 6%, còn kỹ sư quy trình (PE) thâm niên trên 3 năm chiếm 13%.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Tổng giám đốc Hana Micron Vina cho biết công ty liên tục tuyển dụng kỹ sư quy trình, kỹ sư thiết bị. Để chủ động nguồn nhân lực, từ năm 2023 đến nay, doanh nghiệp bán dẫn này đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng tại Bắc Giang đào tạo kỹ sư, để có thể làm việc ngay cho công ty.

"Tiềm năng ngành bán dẫn còn nhiều, Hana Micron đang cố gắng đào tạo nhân lực chất lượng. Tôi tin chắc Việt Nam sẽ tiến xa", Tổng giám đốc Chung Won Soek nói.

Ngoài nhà máy tại Bắc Giang, Hana Micron Vina còn có cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh. Tổng số thiết bị, máy móc tại hai cơ sở này là khoảng 3.000 đơn vị. Trước tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công ty dự kiến liên kết các đơn vị trong ngành bán dẫn để mở rộng, định hướng phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Vốn đầu tư sẽ tăng từ 600 triệu USD lên 1 tỉ USD, nâng tổng doanh thu lên 800 triệu USD.

Trao đổi tại hội thảo, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết để có trải nghiệm thực tế trước khi tới hội thảo này, tối qua, ông đã thử test sức mạnh trí tuệ nhân tạo qua việc "nhờ" ChatGPT viết bài phát biểu khai mạc hội thảo. Kết quả, ChatGPT viết bài phát biểu tương đối đầy đủ chỉ trong 42 giây.

Từ những trải nghiệm, tìm hiểu như vậy, ông Mai Sơn khẳng định Bắc Giang dứt khoát phải tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào chuỗi giá trị ngành bán dẫn cũng như trí tuệ nhân tạo.

Một cách tổng quát, đến nay Bắc Giang đã đón hơn 27 quốc gia và vùng lãnh thổ bỏ vốn đầu tư vào các nhà máy, dự án trên địa bàn. Trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 345 dự án đầu tư, đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký đầu tư.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối FDI toàn tỉnh, 30% giá trị xuất nhập khẩu, 21,3% đóng góp vào ngân sách nhà nước, chiếm 25,3% số lao động trong các doanh nghiệp.

Hội thảo vẫn đang tiếp tục với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nói chung và nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng; trong đó nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về quy mô, cơ cấu, đặc điểm lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-chu-tich-bac-giang-thu-nho-chatgpt-viet-bai-phat-bieu-khai-mac-hoi-thao-trong-42-giay-post785808.html