Phổ biến những tác phẩm âm nhạc đặc biệt: Cần có quy định riêng

Những vướng mắc về bản quyền âm nhạc trên môi trường số vừa qua, đỉnh điểm là việc tắt tiếng 'Quốc ca' để tránh nguy cơ bị 'đánh bản quyền' trên kênh YouTube của một đơn vị phát sóng… đã khiến công chúng phải đặt ra rất nhiều câu hỏi. Trong đó có băn khoăn về việc cần có những quy định, cách thức phổ biến riêng cho các tác phẩm âm nhạc đặc biệt.

Hát “Quốc ca” là thể hiện tình yêu, niềm tự hào dân tộc nên cần phải có quy định riêng.

Hát “Quốc ca” là thể hiện tình yêu, niềm tự hào dân tộc nên cần phải có quy định riêng.

Từ câu chuyện “Quốc ca”

Sau vụ việc đơn vị phát sóng tự ý tắt âm thanh “Quốc ca” trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam với đội tuyển Lào (tại Giải AFF Cup 2020) khi phát trên mạng YouTube tối 6-12 vừa qua đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh câu chuyện bản quyền của tác phẩm âm nhạc đặc biệt này.

Thực tế, bản quyền bản nhạc “Tiến quân ca” (Quốc ca) đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền được sử dụng ca khúc mà không phải xin phép hay trả tiền tác quyền. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Thị Thu Hương (Công ty Luật TNHH T2H), bản “Tiến quân ca” mà gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tặng lại nhân dân là bản nhạc viết trên giấy, không phải bản ghi hình, ghi âm có thể dùng ngay. Bài hát muốn sử dụng được để phát sóng, đăng tải cần ghi âm hoặc ghi hình để phổ thành bản nhạc. Bởi thế, khi một đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình, họ có quyền với bản ghi do mình tạo ra (theo điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ). Chính điều này dẫn đến việc đã có đơn vị bị “đánh bản quyền”, dẫn tới mất hết doanh thu khi phát một trận bóng đá có sử dụng bản ghi âm “Quốc ca” của một đơn vị nào đó mà không xin phép bản quyền trên YouTube cách đây không lâu.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhiều người giật mình đặt câu hỏi: Vậy các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng bản ghi âm “Quốc ca” miễn phí có thể lấy ở đâu? Trả lời báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Công Hóa, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Website Chính phủ (tiền thân của Cổng thông tin điện tử Chính phủ - địa chỉ: chinhphu.vn), cho biết các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng bản ghi chính thức “Quốc ca” trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo quy định của pháp luật. Đây là bản ghi "Quốc ca" chuẩn mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng miễn phí. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cho biết sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ chức, cá nhân để công bố, cho sử dụng rộng rãi 3 bài chính ca bao gồm: “Quốc thiều”, “Quốc ca”, “Lãnh tụ ca” thuộc bản quyền Đài Tiếng nói Việt Nam trên mọi nền tảng.

Cần sớm có quy định

Những câu hỏi từ công chúng xung quanh “Quốc ca” cũng cho thấy cần sớm có quy định riêng đối với các tác phẩm âm nhạc đặc biệt như “Lãnh tụ ca”, “Quốc tế ca”, “Đoàn ca”, “Đội ca”… và phổ biến để các tổ chức, cá nhân biết, sử dụng phù hợp.

Chẳng hạn như về vấn đề bản quyền, giống như trường hợp “Quốc ca”, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tổ chức thực hiện những bản ghi chuẩn ở cấp quốc gia đối với những tác phẩm âm nhạc đặc biệt để phổ biến rộng rãi, miễn tác quyền cho người sử dụng. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không chỉ với “Quốc ca”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên lưu ý nhiều hơn tới các tác phẩm cho cộng đồng, đảm bảo hài hòa giữa thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và quyền hưởng thụ văn hóa của người dân.

Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan tới trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị của những ca khúc này đối với các tổ chức, cá nhân cũng cần được quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn như với “Quốc ca”, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết, cần có hội đồng chuyên môn thẩm định để đưa ra một bản phối cơ bản, chuẩn nhất. Ông cho rằng, việc để mỗi người phối một kiểu, có bản chất lượng rất kém thậm chí sai cả nốt nhạc, hòa thanh, hay tùy tiện trình diễn theo những phong cách khác nhau… sẽ làm giảm giá trị của tác phẩm, và đó là điều không thể chấp nhận được.

Những quy định về bản quyền ngày càng chặt chẽ, nhất là bản quyền trên môi trường số rõ ràng đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cả người sử dụng cũng như cơ quan quản lý trong việc phổ biến những tác phẩm âm nhạc đặc biệt, được chọn là tác phẩm đại diện cho ý chí, tình cảm của dân tộc, hay của các đoàn thể trong xã hội. Đã đến lúc cần có những quy định hết sức cụ thể với các tác phẩm này để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể được sử dụng, hưởng thụ. Và đây cũng là thời điểm để các đơn vị nghệ thuật nhà nước phát huy trách nhiệm trong việc phổ biến những sản phẩm âm nhạc chính thống, có tác dụng cổ vũ, động viên tinh thần đến với công chúng, để những tác phẩm đó được phát huy sâu rộng trong đời sống, phù hợp với những quy định pháp luật hiện nay.

An Định

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1020086/pho-bien-nhung-tac-pham-am-nhac-dac-biet-can-co-quy-dinh-rieng