Phim Việt có quyền mơ Oscar?

Giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 95 dự kiến được công bố ngày 12.3.2023. Năm nay, một phim tài liệu của Việt Nam, Những đứa trẻ trong sương (Children of The Mist), đã vinh dự được vào danh sách ban đầu gồm 15 đề cử cho hạng mục Phim tài liệu hay nhất.

Làm thế nào để điện ảnh Việt Nam có được thành công ở giải Oscar, như kỳ tích mà một số nước châu Á từng làm được, là câu hỏi được rất nhiều nghệ sĩ và người hâm mộ ở Việt Nam quan tâm. Người Đô Thị có cuộc trao đổi về chủ đề giải Oscar và điện ảnh Việt Nam, với Tiến sĩ Gary Bettinson, giảng viên lý thuyết điện ảnh Đại học Lancaster, Anh quốc. Ông cũng là tổng biên tập tạp chí Điện ảnh châu Á (Asian Cinema).

Gary Bettinson cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, nơi tổ chức giải Oscar, thường bị thu hút bởi một số yếu tố. Thứ nhất, các thành viên bình chọn thường hâm mộ những bộ phim thể hiện tầm nhìn riêng của đạo diễn. Nếu đạo diễn là một “bậc thầy”, đó có thể là yếu tố hữu ích.

Đạo diễn này không nhất thiết phải được biết đến rộng rãi ở phương Tây, nhưng thành tích làm phim theo phong cách “nghệ thuật” là một lợi thế. Chẳng hạn, Bong Joon-ho, sinh năm 1969, không phải là một cái tên quen thuộc ở Mỹ và châu Âu trước bộ phim Parasite (2019), nhưng ông cũng không hoàn toàn xa lạ với người yêu điện ảnh phương Tây nhờ những phim trước đó như The Host và Mother. Bong còn làm hai phim nói tiếng Anh: Snowpiercer (2013) và Okja (2017).

Tiến sĩ Gary Bettinson, giảng viên lý thuyết điện ảnh Đại học Lancaster, Anh quốc; Tổng biên tập tạp chí Điện ảnh châu Á (Asian Cinema). Ảnh: TLNV

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đoạt giải Phim nước ngoài hay nhất trước đây đều là bậc thầy phim nghệ thuật, từ Federico Fellini, Francois Truffaut, Akira Kurosawa đến Vittorio De Sica, Ingmar Bergman và Asghar Farhadi. Viện Hàn lâm còn có xu hướng ưa thích những phim có phong cách lạ, thực sự gây ấn tượng. Tính sáng tạo này thể hiện rõ nhất ở cấu trúc câu chuyện như Rashomon, hoặc ở phong cách biểu đạt như Son of Saul.

Đồng thời, sự đổi mới cũng không được quá bí hiểm hoặc không thể tiếp cận được trong mắt khán giả phương Tây. Nên nhớ đạo diễn Jean-Luc Godard chưa bao giờ được giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất, có lẽ vì thẩm mỹ của ông quá phức tạp cho thị hiếu của Viện Hàn lâm.

Thứ hai, Viện Hàn lâm tôn vinh những bộ phim có diễn xuất đáng nhớ, không nhất thiết phải có ngôi sao lớn. Phim Amour của Michael Haneke được nhiều đề cử Oscar lần thứ 85 là một ví dụ.

Thứ ba, người bình chọn thường ưa thích đặc biệt những bộ phim nói về điện ảnh, tuổi thơ. Nếu hai chủ đề này có thể được kết hợp một cách ăn ý - như trong Cinema Paradiso - thì càng tốt. Người bình chọn có sở thích rất đa cảm và họ có xu hướng ưu tiên cho những bộ phim tác động mạnh mẽ đến cảm xúc.

Các bộ phim từ các nước đang phát triển, chẳng hạn như Việt Nam, phải đối mặt với những thách thức nào khi tranh giải Oscar?

Một trong những thách thức lớn nhất nằm ở khâu phân phối. Cứ cho một phim Việt Nam là kiệt tác nghệ thuật, nhưng nếu không có một nhà phân phối hùng hậu đứng đằng sau thì khả năng thành công tại Oscar là con số không. Do đó, cuộc đấu tranh ban đầu là làm sao để phim của họ được phân phối và trình chiếu ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ. Nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì, một khía cạnh quan trọng để tranh Oscar là “chiến dịch”. Càng ngày, các hãng phim càng tổ chức chiến dịch phối hợp và có hệ thống để thu hút sự chú ý - đây là một nỗ lực tốn kém.

Vào thập niên 1990, công ty phân phối Miramax đã đổ hàng triệu đôla cho tiếp thị và quảng bá rầm rộ các ứng cử viên Oscar trong thời gian chuẩn bị bỏ phiếu. Các chiến dịch quảng cáo rộng rãi của Miramax giúp các bộ phim nhỏ không hy vọng cạnh tranh đã giành được Oscar. Vì thế, thách thức chính đối với các nhà làm phim từ các nước đang phát triển như Việt Nam là thu hút sự chú ý và hỗ trợ của một công ty phân phối của Hoa Kỳ có kinh nghiệm tổ chức các chiến dịch Oscar.

Việc dự thi các festival quốc tế cũng là một giải pháp, thưa ông?

Được biết tới qua các festival có lẽ là con đường chắc nhất để được công nhận và thành công rộng rãi hơn. Nếu các nhà làm phim Việt Nam ghi điểm tại các liên hoan phim quốc tế, cơ hội cho phim của họ được chọn để phân phối quốc tế sẽ tăng theo cấp số nhân.

Các liên hoan phim hàng đầu thế giới vừa là chỗ giới thiệu lẫn bàn đạp cho phim, vì ở đó có sự tham dự của giám đốc hãng phim phương Tây, nhà sản xuất, nhà phân phối…

Những tiến bộ công nghệ, như các nền tảng phát trực tuyến và truyền thông xã hội, có thể giúp gì cho các nhà làm phim Việt Nam tìm kiếm đường đến giải Oscar?

Các nền tảng phát trực tuyến có thể giúp phim ảnh dễ được biết tới hơn, ít nhất là trong việc tìm được khán giả ở phương Tây. Những nền tảng như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến cơ hội giành giải Oscar của một bộ phim, vì những người bầu chọn của Viện Hàn lâm dĩ nhiên là khách hàng đăng ký ít nhất một dịch vụ xem phim.

Cảnh trong phim Children of the Mist.

Giải Oscar hiện nay cũng cổ vũ cho tính đa dạng văn hóa trong việc trao giải. Liệu xu hướng này tác động thế nào đến quá trình lựa chọn và trao giải?

Chỉ gần đây Viện Hàn lâm mới tăng cường nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng. Dĩ nhiên từ lâu giải Oscar vẫn ủng hộ các tác phẩm nghiêng về “quan điểm tự do” như To Kill a Mockingbird, Philadelphia Moonlight. Nhưng về mặt lịch sử, Viện Hàn lâm cũng đã khen thưởng những tác phẩm bảo thủ về mặt chính trị. Nói cách khác, sự nhấn mạnh của họ về sự đa dạng có thay đổi, tùy thuộc vào môi trường chính trị.

Trong khoảng một thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến xu hướng cổ vũ cho sự đa dạng. Nhà làm phim Lý An năm 2005 đã đoạt giải Oscar đạo diễn cho Brokeback Mountain, kể về hai chàng cao bồi đồng tính. Kể từ đó, nỗ lực thúc đẩy hệ tư tưởng “tiến bộ” của Hollywood đã tăng lên.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu, ít nhất là trong vài năm tới, giải thưởng sẽ có cho những bộ phim thúc đẩy quyền của các nhóm thiểu số. Thiểu số ở đây không chỉ là chủng tộc, giới tính, mà còn bao gồm cả những nhóm có vị trí kém hơn trong xã hội. Hãy để ý phim Nomadland (2020) vô cùng thành công, hay phim Parasite (2019) của Hàn Quốc. Chiến thắng lớn của Parasite cho thấy Viện Hàn lâm đang thay đổi cách nhìn đối với phim nói tiếng nước ngoài.

Các nhà làm phim Việt Nam có quyền mơ một ngày không xa sẽ có giải Oscar không, thưa ông?

Bất kỳ nhà làm phim nào cũng không nên đặt mục tiêu phải làm đủ thứ để có một bộ phim đoạt giải Oscar. Cơ hội đoạt giải Oscar thực sự rất xa vời.

Một số quốc gia châu Á đã cố gắng sản xuất những bộ phim tưởng như có sức hấp dẫn toàn cầu, nhưng họ đã thất bại. Ví dụ, Trung Quốc đã tìm cách lặp lại thành công xuyên quốc gia của Ngọa hổ tàng long (2000) của Lý An. Trung Quốc đã mời những ngôi sao lớn của Hollywood (Matt Damon, Christian Bale) tham gia các tác phẩm đắt tiền. Nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa thu hoạch được nhiều kết quả.

Vì vậy, lời khuyên dành cho các nhà làm phim Việt Nam là đừng chạy theo vinh quang Oscar mà hãy cố gắng làm ra bộ phim hay nhất có thể. Một bộ phim thể hiện chân thực văn hóa địa phương nhưng khán giả phương Tây vẫn có thể tiếp cận được. Viện Hàn lâm dễ bị thu hút bởi những bộ phim mang đậm tầm nhìn nghệ thuật riêng. Họ cũng có xu hướng coi trọng những bộ phim mang đậm tính nhân văn, và cũng thích những cách kể chuyện có ý thức về trách nhiệm xã hội.

Trần Lê Quỳnh thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phim-viet-co-quyen-mo-oscar-38548.html