Phim tài liệu: Lối đi hấp dẫn cho điện ảnh Việt

Những năm qua, mặc dù có không ít phim tài liệu Việt đoạt những giải thưởng danh giá quốc tế, một số phim tài liệu đã chinh phục đông đảo khán giả trong nước bởi sự chân thật và cách làm mới mẻ, nhưng nhìn chung phim tài liệu vẫn là một 'địa hạt' rất mới mẻ chưa được khai thác và còn gặp nhiều khó khăn.

Phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” đoạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá.

Nhiều dấu ấn đáng kể

Bộ phim tài liệu Việt đang được cả khán giả trong nước lẫn quốc tế quan tâm đến hiện nay có lẽ là “Những đứa trẻ trong sương”. Bộ phim lần đầu được công chiếu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA) 11/2021, Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Tại đây, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm đã đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” và giải Tuyên dương của Ban Giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất.

Cho đến nay, “Những đứa trẻ trong sương” đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại nhiều quốc gia, được nhiều hệ thống trường đại học ở Âu Mỹ công chiếu cho sinh viên. Bộ phim đã giành được 34 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác.

Mới đây nhất, tin vui cũng là niềm tự hào của điện ảnh Việt khi “Những đứa trẻ trong sương” đã vượt qua 143 tác phẩm đến từ nhiều nước trên thế giới để lọt vào danh sách rút gọn Top 15 Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.

Phim được đánh giá gây ấn tượng mạnh với câu chuyện về số phận của bé gái dân tộc thiểu số và tình trạng tảo hôn, phản ánh cuộc xung đột về ý thức giữa các thế hệ, đặt ra những câu hỏi sâu sắc về phong tục tập quán và quyền con người. Đồng thời, bộ phim tài liệu còn “ghi điểm nhờ nhiều thước phim đẹp phản ảnh những khoảnh khắc chân thực về cuộc sống người dân vùng cao, cách kể chuyện và đầy tính nghệ thuật.

Trước “Những đứa trẻ trong sương”, phim tài liệu Việt cũng đã “ghi điểm” với không ít giải thưởng quốc tế. Như phim tài liệu “Chị gái” do VTV sản xuất là phim châu Á duy nhất đoạt Giải thưởng Nhật Bản – Japan Prize 2018, một trong những giải thưởng về truyền hình giáo dục uy tín nhất trên thế giới; “One Year On: The Essex Lorry Tragedy”, bộ phim tài liệu về một năm sau thảm kịch xe tải tại Essex do Việt Nam News thực hiện đã giành giải Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Erie ở Mỹ; phim tài liệu “Đi qua trũng bóng chết” do Thông tấn xã Việt Nam sản xuất liên tiếp đoạt bảy giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế; Phim Khu rừng của Páo đoạt giải Phim ngắn xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Hà Nội VI...

Có thể nói, điện ảnh Việt đã ghi những dấu ấn đáng kể, chinh phục với giới làm phim quốc tế nhờ những bộ phim tài liệu đầy chân thực, phản ánh nhiều khía cạnh, góc khuất của đời sống với những thủ pháp điện ảnh đặc sắc.

Để phim tài liệu Việt vươn xa

Ở trong nước, dù không phải là một thể loại dễ xem, nhưng phim tài liệu Việt cũng đã lan tỏa đến khán giả nhờ những phim tài liệu với những đề tài thời sự, nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống. Có thể kể đến một số bộ phim tài liệu được khán giả Việt yêu thích những năm qua như “Ngày con chào đời”, “Chuyện ngày hôm qua”, “Hai bàn tay”, “Hai đứa trẻ:... Trong đó có cả những bộ phim được công chiếu ở rạp

như “Đoạn trường vinh hoa”, “Lửa Thiện Nhân”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đi tìm Phong”...

Đặc biệt, có thể kể đến thành công của bộ phim tài liệu “Ranh giới” - bộ về cuộc chiến khốc liệt giành sự sống của các y bác sĩ và các thai phụ mắc COVID-19. “Ranh giới” có nhiều thước phim được quay ngay trong thời khắc dịch bệnh kinh hoàng, với thủ pháp không lời bình và những cú máy cận cảnh gây ám ảnh đã lấy đi bao nhiêu nước mắt thổn thức của người xem bởi sự chân thực đến rùng mình về ranh giới mong manh của cuộc sống con người trong dịch bệnh.

Cùng về đề tài COVID-19, còn có hàng loạt phim tài liệu được khán giả quan tâm như Dã chiến”, “Ngày về”, “Hậu phương”, “Cuộc chiến không giới hạn”, “Cùng nhau vượt đại dịch”...

Những năm qua, ngoài các nhà làm phim tài liệu được đào tạo bài bản của nhà nước, còn xuất hiện không ít đạo diễn độc lập. Họ là những người trẻ có đam mê, có nhiệt huyết, và mặc dù chưa hẳn được đầu tư cao, nhưng với tư duy mới mẻ, sâu sát về cuộc sống. Họ đã đưa các vấn đề đáng quan tâm về kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật... lên những thước phim và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Đơn cử đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm của phim “Những đứa trẻ trong sương” là một trường hợp như thế. Cạnh đó, thế hệ đạo diễn trẻ như Trần Phương Thảo, Đặng Linh, Tạ Quỳnh Tư, Lê Mỹ Cường... được đánh giá chính là “tương lai” của phim tài liệu Việt.

Khác với phim điện ảnh, phim tài liệu không mang nặng tính giải trí mà chủ yếu thông qua nghệ thuật thứ 7 để khai thác một cách chân thực và rõ nét các khía cạnh cuộc sống. Tuy nhiên, mặc dù đã có những khởi sắc đáng kể, được đón nhận ở tầm quốc tế trong những năm qua, phim tài liệu Việt vẫn chưa thực sự phát huy đầy đủ vai trò, tiềm năng của mình. Câu chuyện được khán giả quốc tế yêu thích nhưng “gặp khó” ngay trên sân nhà, không thể phát hành, tiếp cận khán giả trong nước vẫn còn phổ biến.

Chính vì vậy, để phim tài liệu Việt bứt phá còn là một hành trình dài với sự quan tâm và hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, sự kết nối giữa nhiều bên, từ các cơ quan liên quan, các nhà đầu tư cho đến những người làm phim nhiệt huyết và tất nhiên, không thể thiếu sự quan tâm, ủng hộ và động viên của khán giả.

Trân Trân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phim-tai-lieu-loi-di-hap-dan-cho-dien-anh-viet-post470164.html