Phim nghệ thuật nỗ lực giữ vị thế

Một tin vui với những người yêu điện ảnh Việt Nam khi bộ phim 'Cha cõng con' của đạo diễn Lương Đình Dũng đã chính thức tranh giải 'Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc' cùng với 91 bộ phim của các quốc gia, vùng lãnh thổ tại Oscar 2018. Mặc dù gần đây, nhiều ý kiến lo ngại rằng, dòng phim nghệ thuật đang trở nên lép vế so với những bộ phim thị trường ăn khách khác thì vẫn có những đạo diễn nỗ lực khẳng định vị thế của dòng phim này theo cách riêng của mình.

Vượt qua 2 đối thủ là "Đảo ngụ cư" và "Sút", "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng đã được Hội đồng bình chọn phim dự giải Oscar 2018 trong nước quyết định tham gia hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" tại Oscar 2018. Được biết, từ 92 bộ phim tranh giải, Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra 9 phim xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Năm nay, khu vực Đông Nam Á có 3 đại diện tham gia tranh giải ở hạng mục này.

Được biết, "Cha cõng con" được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính đạo diễn Lương Đình Dũng viết từ năm 1995. Phim được nhà biên kịch Bùi Kim Quy chuyển thể sang kịch bản phim. Phim kể câu chuyện về cậu bé Cá, một cậu bé sống ở vùng cao với những ước mơ rất ngây ngô của tuổi thơ nhưng không may bị mắc căn bệnh ung thư máu. Cha cậu đã làm mọi cố gắng để đưa cậu đi xuống thành phố, mong thoát khỏi căn bệnh quái ác. Tác phẩm được đánh giá cao về hình ảnh thiên nhiên và câu chuyện nhân văn, là những lát cắt về số phận những người dân nghèo nhưng ấm áp tình phụ tử.

Trước đó, phim "Cha cõng con" đã gây được sự chú ý ở một số Liên hoan phim quốc tế. Ở Tallinn Black Night - một trong 15 Liên hoan phim lớn nhất thế giới, tác phẩm được lựa chọn vào vòng cạnh tranh chính thức. Tuy nhiên, ở Cánh diều vàng 2016, phim chỉ nhận được bằng khen "Phim truyện xuất sắc" (tương đương giải ba). Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng đã từng gây xôn xao dư luận khi ngay trong buổi trao giải, đã quyết định trả lại giải thưởng vì thấy không công bằng.

Tuy nhiên, khi công chiếu ở thị trường trong nước, bộ phim này lại không đạt được doanh thu như kỳ vọng. "Cha cõng con" cũng lâm vào tình trạng chung như một số bộ phim nghệ thuật gần đây: tạo được hiệu ứng nhất định, có những giải thưởng quốc tế, được giới chuyên môn đánh giá cao. Thế nhưng, phần lớn các bộ phim này lại chưa thu hút được khán giả trong nước và không thành công về doanh thu.

Phim “Cha cõng con” tham gia tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2018.

Kể từ khi các hãng phim nhà nước lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng, dòng phim chính thống với những bộ phim nghệ thuật ngày càng thưa thớt và trở nên lép vế so với dòng phim thị trường đang vô cùng sôi động khiến không ít người lo ngại. Tuy nhiên, gần đây, một tín hiệu đáng mừng là có không ít nhà sản xuất tư nhân đã bắt tay vào thực hiện những bộ phim này.

Theo thống kê, chỉ trong quý II - 2017, có ít nhất 5 bộ phim nghệ thuật được ra rạp: "Cha cõng con", "Lô tô", "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa", "Dạ cổ hoài lang", "Đảo của dân ngụ cư". Hầu hết những bộ phim này đều được chuyển thể từ tiểu thuyết, kịch nói hoặc lấy cảm hứng từ phim tài liệu. Theo đó, số phận con người, đặc biệt là những người nghèo khó, dưới đáy xã hội được khai thác với bút pháp vừa hiện thực vừa nhân văn.

Trong số này phải kể tới "Đảo ngụ cư" (đạo diễn Hồng Ánh, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Đỗ Phước Tiến). Phim đã từng giành tới 8 đề cử trên tổng số 9 hạng mục chính thức của Liên hoan phim quốc tế Đông Nam Á 2017 và chiến thắng ở một số hạng mục như: "Phim hay nhất", "Nam diễn viên xuất sắc nhất" và "Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất". Đây là con số kỷ lục cho một tác phẩm điện ảnh của Việt Nam trên đấu trường quốc tế từ trước đến nay. Trước khi ra mắt khán giả trong nước, "Đảo ngụ cư" cũng đã kinh qua một số sân chơi quốc tế như: được giới thiệu chính thức tại Liên hoan phim Cannes 2017, được công chiếu trong Tuần lễ phim Việt tại Tây Ban Nha...

Tuy nhiên, với thị trường trong nước thì phim không tạo được một cơn sốt phòng vé như kỳ vọng. Nhìn vào câu chuyện của "Cha cõng con", "Đảo ngụ cư" lại nhớ tới bộ phim "Cha và con và..." của đạo diễn Phan Đăng Di. Phim vinh dự lọt vào danh sách đề cử giải Gấu vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin, sau đó được mua bản quyền và chiếu rộng rãi ở Pháp với tên gọi "Những câu chuyện bên dòng Mê kông"...Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, phim mới chỉ được chiếu với quy mô nhỏ vì chưa đạt thỏa thuận công chiếu chính thức với nhà phát hành nào trong nước.

Từ số phận của một số bộ phim được sản xuất thời gian gần đây cho thấy, quyết định làm phim nghệ thuật là một sự liều lĩnh của các đạo diễn. Mặc dù thị trường điện ảnh Việt Nam đang được đánh giá là tiềm năng với số lượng người đến rạp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, phần lớn những bộ phim gây sốt phòng vé vẫn thuộc về những bộ phim thị trường.

Hiếm hoi mới có bộ phim như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" vừa được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật vừa tạo được doanh thu khủng. Khi bắt tay vào thực hiện những bộ phim nghệ thuật, các đạo diễn vẫn thường chia sẻ: làm để thỏa khát khao làm nghề đúng nghĩa hơn là hy vọng có được doanh thu lớn.

Phát hành phim nghệ thuật thuần túy lúc nào cũng khó khăn. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả với những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến. Phim được giới chuyên môn đánh giá cao chưa chắc đã đạt được lợi nhuận khổng lồ.

Mặc dù làm phim nghệ thuật sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhất là với các nhà sản xuất tư nhân từ khâu kêu gọi đầu tư kinh phí đến sản xuất, phát hành... nhưng vẫn là tâm huyết của không ít đạo diễn. Với không ít đạo diễn tự do, mỗi lần sản xuất phim là phải vận động, thuyết phục các quỹ văn hóa nghệ thuật của các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tài trợ.

Một cảnh trong phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”.

Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền, người được biết tới như một đạo diễn trẻ có thể "tả xung hữu đột" từ phim truyện đến phim truyền hình, từ phim nghệ thuật tới phim thị trường nhưng chị luôn dành ưu ái với dòng phim nghệ thuật. Đặng Thái Huyền chia sẻ, những dự án phim nghệ thuật vẫn luôn là nỗi đau đáu và lấy mất của chị nhiều công sức nhất nhưng khi làm xong cũng khiến chị cảm thấy "đã" nhất.

Khâu phát hành của những bộ phim nghệ thuật vẫn là nỗi trăn trở của những người làm nghề. Trong thời buổi kinh tế thị trường, những bộ phim điện ảnh đậm chất nghệ thuật khá kén khán giả, khó có nhà phát hành cũng như rạp chiếu phim nào liều mình đem công chiếu. Để phim đến được với đông đảo khán giả trong nước, đạo diễn phải liên hệ với các tổ chức văn hóa nhờ giúp đỡ. Không chỉ trông chờ vào những đơn vị phát hành nhà nước, những nhà phát hành tư nhân ra đời mang lại niềm hy vọng mong manh cho các bộ phim nghệ thuật.

Cách đây 2 năm, sự ra đời của CGV Art House đã mở ra một niềm hy vọng cho những nhà làm phim nghệ thuật. Với hai phòng chiếu tại TP Hồ Chí Minh và 1 phòng chiếu ở Hà Nội cùng tiêu chí của CGV Art House là tạo điều kiện cho sự phát triển của điện ảnh Việt nói chung và giúp đỡ cho các nhà làm phim độc lập cũng như các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam.

Một số phim đã được CGV Art House đỡ đầu để đến với khán giả như "Đập cánh giữa không trung", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", "Cánh đồng bất tận", "Người trở về"... Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp tình thế để hỗ trợ phần nào những khó khăn cho những bộ phim nghệ thuật giữ gìn vị thế của mình.

Không thể phủ nhận, phim nghệ thuật luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống điện ảnh. Dòng phim này thường đi sâu vào phản ánh thân phận con người, ngợi ca tình người ấm áp nên mang lại giá trị nhân văn nhất định. Phim có thể không tạo nên những cơn sốt phòng vé nhưng bước đầu đã có sức hút với khán giả như gần đây "Dạ cổ hoài lang", "Lô tô"... đã làm được. Đó là những tín hiệu vui cho phim Việt khi vẫn còn nhiều những nhà làm phim tâm huyết đang nỗ lực cho ra mắt những bộ phim được làm tử tế, chạm đến trái tim của khán giả.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/phim-nghe-thuat-no-luc-giu-vi-the-462057/