Phim của nghệ sĩ Hoài Linh và cháu nuôi ra rạp, khán giả nói gì?

'Mến gái miền Tây' là phim điện ảnh đánh dấu sự trở lại của danh hài Hoài Linh với nghệ thuật thứ bảy.

Tuy tác phẩm chiếu rạp của nhà sản xuất Võ Đăng Khoa – cháu nuôi nghệ sĩ Hoài Linh được quảng bá rầm rộ, nhưng những ngày đầu công chiếu vừa qua không để lại ấn tượng so với mong đợi của một bộ phận khán giả.

Đề tài, sự góp mặt của nghệ sĩ Hoài Linh là thỏi nam châm của Mến gái miền Tây

Võ Đăng Khoa gọi Hoài Linh là cậu vì mẹ nghệ sĩ họ Võ và giám khảo Ơn giời cậu đây rồi kết nghĩa từ lâu. Phim điện ảnh Mến gái miền Tây do Võ Đăng Khoa sản xuất, chính thức ra rạp từ 25/3, được phát triển từ loạt phim chiếu mạng ăn khách Ghe bẹo ghẹo ai. Nội dung phim xoay quanh những mảnh đời "thân sâu hồn bướm" ở miền Tây sông nước.

Cảnh nhân vật do nghệ sĩ Hoài Linh và cháu nuôi Võ Đăng Khoa thể hiện trong Mến gái miền Tây.

Đề tài về cộng đồng LGBT (người chuyển giới, đồng giới, song tính luyến ái…), Mến gái miền Tây đánh vào sự tò mò, đúng thị hiếu của người xem. Phim kể về cuộc đời của nhân vật chính tên Mến (Võ Đăng Khoa đóng) - người mang giới tính thứ ba, giàu tình cảm, thẳng thắn, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Mến được xây dựng với hình ảnh hào hiệp trượng nghĩa, lanh lợi hoạt ngôn và tốt bụng, điềm tĩnh, chín chắn.

Nhà sản xuất giới thiệu bộ phim này, dù mang thân phận đặc biệt, số phận éo le của những con người mang kiếp sống "bóng gió" nhưng Mến gái miền Tây không u uất, buồn thảm, bi kịch mà vẫn mang một không khí rực rỡ, tưng bừng, đầy màu sắc. Dù cuộc đời chịu nhiều điều tiếng, áp lực, nhưng những nhân vật trong phim luôn tích cực, thẳng thắn, mạnh mẽ đối diện với sóng gió để được sống thật với chính mình.

Võ Đăng Khoa vai Mến - nhân vật chính trong phim.

Phim có thêm yếu tố để hút người xem tới rạp bởi quy tụ dàn diễn viên ăn khách, gồm những nghệ sĩ gạo cội cũng như các gương mặt trẻ. Nổi bật có NSND Kim Xuân (vai mẹ chồng của Mến), diễn viên Lê Giang (cô giáo làng), Đại Nghĩa (chị cả của gánh hát lô tô), NSƯT Hoài Linh (vai Bảy Tình)... rồi Huỳnh Lập, Ngọc Phước, nhóm hài Susu.

Đáng kể nhất là sự tham gia của nghệ sĩ Hoài Linh, vì sau Đích tôn độc đắc, 4 năm sau nam nghệ sĩ mới trở lại màn ảnh rộng, nhất là thời gian Hoài Linh gặp "sóng gió từ thiện" năm 2021. Võ Đăng Khoa cho biết đã mời cậu tham gia phim với nhân vật giả gái, lúc đầu Hoài Linh nhất quyết không giả gái. Phải thuyết phục mãi, nghệ sĩ Hoài Linh mới tham gia vì đây là tác phẩm đầu tay của cháu nuôi, anh chỉ nhận lời ngay trước ngày bấm máy.

Diễn viên Đại Nghĩa (vai chị cả của gánh hát lô tô) và Huỳnh Lập (bên trái).

Trong phim, Hoài Linh làm tròn vai Bảy Tình - người phụ nữ trung niên. Bằng tài năng sẵn có, nam nghệ sĩ đã hóa thân vào nhân vật giả gái giống từ ngoại hình đến các cảnh cảm xúc, đời sống nội tâm… và đem tới sự hứng thú với người xem.

Đề tài đúng thị hiếu cùng dàn diễn viên là những nghệ sĩ tên tuổi, kết hợp hình ảnh miền Tây sông nước đặc trưng, mênh mông, nên thơ… là thỏi nam châm Mến gái miền Tây hút người xem. Nhưng trên thực tế, theo Box Office Vietnam - chuyên trang thống kê doanh thu phim Việt, sau 5 ngày ra rạp, phim của cậu cháu Hoài Linh mới chỉ thu về hơn 3 tỷ doanh thu phòng vé. Điều này phản ánh, tác phẩm đánh dấu ngày trở lại của Hoài Linh không mấy "xuôi chèo mát mái".

Nghệ sĩ Hoài Linh tái xuất cũng không ‘cứu’ được nội dung phim của cháu nuôi

Đến rạp xem phim, không ít khán giả đã đưa ra đánh giá, bình luận về tác phẩm điện ảnh do cháu nuôi nghệ sĩ Hoài Linh đóng chính kiêm nhà sản xuất. Một số người xem cho rằng, bộ phim có mặt được khi liều lĩnh khai thác về cộng đồng LGBT nhưng không có tính điện ảnh. Mến gái miền Tây được xemnhư một bản web drama kéo dài ra, lời thoại cũ kỹ, đậm chất thoại phim truyền hình. Ở những cảnh bi, các câu nói của nhân vật bị cài cắm triết lý, khiến phim trở nên lê thê.

Mến gái miền Tây nhận nhiều ý kiến bình luận từ khán giả không mấy tích cực và doanh thu khá thấp dù có nghệ sĩ Hoài Linh, Đại Nghĩa, Huỳnh Lập...tham gia.

Mến gái miền Tây có thể giúp người xem hiểu hơn về cuộc sống, số phận cũng như những gì mà những con người bị xem là "bóng gió" phải trải qua, nhưng nó lại quá cũ kỹ, truyền tải cũng như sự cảm thông vẫn còn quá nhẹ. Có một bộ phim đã làm việc đó rất tốt, đó là Lô Tô. Nếu so sánh hai phim thì thông điệp trong Lô Tô tuy cùng cách kể chuyện, cùng đề tài về cộng đồng LGBT nhưng Lô tô được truyền tải một cách mạnh mẽ, mãnh liệt hơn, và vượt trội hơn Mến gái miền Tây.

Một vài tình tiết nhỏ lẻ như vác bao gạo 30kg trông nhẹ tênh hay việc đoạn cuối Mến bị dây quấn vào cổ khá lâu, nhưng vẫn đủ sức để nói chuyện cũng rất phi lý. Số đông khán giả nhận xét, phim đẩy hơi nhanh thông tin khiến một số chi tiết làm người xem không thể hiểu được, từ đó không dẫn dắt được công chúng ngồi trước màn ảnh rộng mà ngược lại còn làm họ khó hiểu.

Nhìn chung Mến gái miền Tây có phần đơn giản, mộc mạc và bình thường. Với những người "nghiện phim" và khó tính, tác phẩm của cháu nuôi nghệ sĩ Hoài Linh sản xuất là phim điện ảnh mang tính giải trí, "non" tay nghề. Nhiều ý kiến cho rằng bản phim này chiếu trên Youtube có thể sẽ phù hợp hơn, ăn khách hơn.

Với nhà sản xuất, trước khi phim ra rạp, cháu nuôi nghệ sĩ Hoài Linh đã chia sẻ: "Mến gái miền Tây không phải là bộ phim hành động kịch tính hay quá cao siêu trong cách thể hiện. Tôi chỉ muốn khán giả đến rạp được cùng cười, cùng thư giãn với những câu chuyện trên phim. Bộ phim với thông điệp đơn giản là mọi người hãy trân trọng người trước mặt, hay nói cách khác là những người xung quanh ta bởi hạnh phúc đôi khi tưởng xa xôi nhưng hóa ra lại thật gần".

Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//phim-cua-nghe-si-hoai-linh-va-chau-nuoi-ra-rap-khan-gia-noi-gi-169220331032013463.htm