Phim 'Cô gái đến từ hôm qua' đạt doanh thu 'khủng' nhưng liệu đã hay?

GiadinhNet - Sau phim “Em là bà nội của anh” đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, mới đây, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã cho ra mắt bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua”. Chỉ sau 4 ngày công chiếu, phim đã thu 14 tỷ đồng và nhận được nhiều lời khen từ khán giả. Tuy nhiên, phía sau một tác phẩm văn học nổi tiếng, mức độ đầu tư công phu, thời lượng của bộ phim… liệu tác phẩm điện ảnh này có thực sự đáp ứng được kỳ vọng của khán giả?

Dàn diễn viên phim “Cô gái đến từ hôm qua”. Ảnh: TL

Đạo diễn ban đầu chỉ mong hòa vốn

Bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim kể về mối tình của cậu học trò Thư với cô bạn cùng lớp Việt An đan xen với những ký ức của Thư về cô bạn bên hàng xóm thuở cả hai còn nhỏ. Nói về bộ phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, ngay từ đầu, anh đã nói với nhà sản xuất rằng đây không phải dạng phim “bom tấn” mà là một bộ phim nhẹ nhàng. Vì lẽ đó, đạo diễn không đặt kỳ vọng gì về mặt thương mại, nhất là vấn đề doanh thu phim ở Việt Nam đôi khi còn do may rủi.

“Nhiệm vụ của tôi là tạo ra một tác phẩm khơi gợi được cảm xúc của khán giả, còn gánh nặng tiền bạc có lẽ đơn vị đầu tư sẽ quan tâm hơn. Nhưng ít nhất, tôi mong phim hòa vốn, vì nếu lỗ thì khó thực hiện dự án tiếp theo”, đạo diễn phim cho biết. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi “Cô gái đến từ hôm qua” nhanh chóng đạt doanh thu “khủng” chỉ sau vài ngày ra rạp dù chỉ là một trong hai phim Việt cạnh tranh với 21 phim ngoại trong tháng 7. Giới chuyên môn cũng nhận định rằng, đây là “cuộc chiến không cân sức” bởi chi phí nhập phim ngoại rẻ hơn nhiều so với sản xuất phim Việt và nước ta cũng chưa có các chính sách bảo trợ phim nội như một số quốc gia khác.

Bên cạnh rất nhiều lời khen ngợi dành cho bộ phim, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn: “Theo tôi, “Cô gái đến từ hôm qua” là một bộ phim dễ thương, tròn trịa, có cảm xúc nhưng với một câu chuyện, thời lượng, sự đầu tư như vậy thì tôi nghĩ, bộ phim còn có thể làm tốt hơn những gì đang trình chiếu cho khán giả. Với khán giả ở độ tuổi tầm 30 trở đi, phim sẽ mang lại hoài niệm về quãng thời gian họ đã đi qua, đó là ký ức, bối cảnh, không khí tuổi học trò những năm 1997-1998 nhưng những khán giả trẻ khoảng 16 đến ngoài 20 tuổi khi xem phim bằng sự chờ đợi một bộ phim cho tuổi teen có thể sẽ không phù hợp lắm vì không có hình ảnh của họ. Tất nhiên, đó là cách chọn lựa của nhà sản xuất, của đạo diễn, không thể nói đúng hay sai. Trong vị trí của người trong nghề và khán giả, tôi cho rằng sự chờ đợi của tôi nhiều hơn những gì tôi đang nhận. Khách quan đánh giá, đây không phải bộ phim dở nhưng nó xứng đáng được làm tốt hơn nữa. Theo dõi phim, tôi thấy vẫn có những khoảng lặng quá dài, cảm xúc không tới khiến điều mang lại chỉ là những cảm xúc nhẹ nhàng, vừa phải”.

Trước câu hỏi: Chất liệu tác phẩm văn học liệu có những ảnh hưởng mang tính quyết định đến chất lượng phim không? Nhà thơ Nguyễn Phong Việt trả lời: “Trong điện ảnh, không có một quy tắc nào về việc chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học hay câu chuyện có thật không phải tuyệt đối trung thành với chất liệu gốc. Việc đạo diễn phim “Cô gái đến từ hôm qua” quyết định trung thành với nguyên tác, ngoại trừ một số tình tiết sáng tạo thêm đã khiến bộ phim ảnh hưởng bởi nhịp điệu gần giống với tác phẩm văn học. Trong khi đó, ngôn ngữ trong văn học mang đến sức tưởng tượng hoàn toàn khác so với hình ảnh một bộ phim. Vì đạo diễn quá rập khuôn với nguyên tác nên sự sáng tạo trong phim không được mượt mà, mở rộng biên độ cảm xúc. Một bộ phim không nên làm nhiệm vụ kể lại câu chuyện thông qua hình ảnh, việc ấy hơi dư thừa”.

Có cần ưu tiên chuyển thể tác phẩm văn học?

Khách quan nhận định, phim “Cô gái đến từ hôm qua” là một bộ phim mang đến nhiều cảm xúc tích cực, không tạo cảm giác khó hiểu hay “sạn nhan nhản” mà khán giả vẫn thường phải chịu đựng khi xem nhiều bộ phim Việt. Phim có nhiều hình ảnh, tình tiết gợi lại cho khán giả về câu chuyện kí ức đặc biệt là tuổi học trò thế hệ 7x, 8x. Sự đầu tư của đạo diễn còn thể hiện ở âm nhạc, cách chọn bối cảnh, sắp đặt những ngôi nhà, cách chọn lựa trang phục và vật dụng gắn liền với nhân vật.

Vậy các đạo diễn phim Việt có nên chú ý đến việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh thay vì mua kịch bản nước ngoài như hàng loạt bộ phim gây chú ý trong thời gian qua là “Em là bà nội của anh”, “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”? Đem câu hỏi này trao đổi với giới chuyên môn, chúng tôi chủ yếu nhận được phản hồi với nội dung cho rằng: Đây là bài toán khó vì đội ngũ biên kịch của chúng ta đang rất thiếu và yếu. Về cơ bản, phim Việt đang được sản xuất với một số lượng lớn nhưng nguồn gốc, chất lượng kịch bản vẫn là ẩn số. Các nhà sản xuất mới ngày càng nhiều, nhu cầu của khán giả về phim tăng cao, kịch bản thiếu nên việc đội ngũ làm phim chọn cách “remix” lại kịch bản nước ngoài xảy ra như một lẽ tự nhiên. Sắp tới, hàng loạt phim kịch bản Hàn Quốc như: “Sắc đẹp ngàn cân”, “Yêu đi đừng sợ” cùng các kịch bản nhập của Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ sẽ bùng nổ vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Dân trong nghề vẫn nói với nhau, với một kịch bản hay, đạo diễn giỏi để làm ra một bộ phim tương đối tốt là chuyện bình thường, nhưng một kịch bản dở vào tay đạo diễn giỏi thì không thể có bộ phim hay. Tức là yếu tố kịch bản quyết định rất lớn đến thành công phim, đạo diễn giỏi cũng không thể “đổi trắng thay đen” trên một nền kịch bản yếu. Khi chúng ta mua kịch bản ngoại, cả đạo diễn lẫn ê-kíp sản xuất sẽ có sự tự tin nhất định về chất liệu, thị trường bởi phim đã thành công vang dội ở thị trường nước ngoài, chỉ cần họ chọn diễn viên phù hợp, đầu tư sản xuất cho đúng không khí Việt Nam là ổn. Con đường ấy “an toàn” và đỡ “tốn công” hơn việc chọn một tác phẩm văn học hay, nhà biên kịch giỏi để làm kịch bản hay trước khi đưa phim lên màn ảnh. Thực tế, điện ảnh nước nhà từng có một thời kỳ vàng son về phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhưng đó là ký ức của thời còn chiếu phim màn ảnh rộng!

Đây không phải lần đầu tiên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn phim. Trước đó, đạo diễn Việt kiều Victor Vũ từng sản xuất phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và khi ra rạp, phim cũng đạt doanh thu cao ngất ngưởng. Đạo diễn này còn đang dự định đưa tác phẩm“Mắc biếc” lên màn ảnh. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tiết lộ, trước khi bắt tay làm phim, anh đã dựa trên khảo sát tác phẩm “Cô gái đến từ hôm qua” là một trong hai truyện của Nguyễn Nhật Ánh được nhiều người muốn làm phim nhất (sau “Mắt biếc”).

Thành Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xem-nghe-doc/phim-co-gai-den-tu-hom-qua-dat-doanh-thu-khung-nhung-lieu-da-hay-201707270832312.htm