Philippines đối mặt nhiều thách thức sau khi giải phóng Marawi

Việc giải phóng TP Marawi sau 148 ngày bị phiến quân Maute thân IS được coi là chiến thắng lịch sử đối với Philippines, mở ra hy vọng sớm cắt đứt vòi bạch tuộc của IS tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức sau cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 17/10 tuyên bố quân đội Chính phủ đã giải phóng hoàn toàn TP Marawi ở miền Nam nước này sau gần 5 tháng giao tranh ác liệt với phiến quân Hồi giáo liên hệ với tổ chức IS.

Philippines vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức sau cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: CNN

Phát biểu trong chuyến thị sát TP Marawi, Tổng thống Duterte khẳng định đã đến lúc chữa lành vết thương và tái thiết TP trên đảo Mindanao.

Chiến thắng lịch sử tại Philippines được đánh dấu bằng việc quân đội chính phủ đã tiêu diệt 2 thủ lĩnh liên minh các tay súng ủng hộ tổ chức IS trong một chiến dịch tại TP Marawi, trong đó có 1 đối tượng là nghi can khủng bố hàng đầu châu Á.

Bộ Trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Isnilon Hapilon, kẻ được phong là "tiểu vương” của IS tại khu vực Đông Nam Á và Omarkhayam Maute, một trong 2 anh em thủ lĩnh của nhóm vũ trang Maute, đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công vào một tòa nhà tại thành phố Marawi và thi thể của chúng đã được tìm thấy. Việc tiêu diệt được 2 thủ lĩnh này được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với quân đội Philippines. Chúng chiếm đóng Marawi vào ngày 23/5 vừa qua, sau đó nắm giữ kiểm soát trung tâm của TP trong gần 5 tháng.

Tuy nhiên, sau chiến thắng lịch sử này, Philippines vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức sau trận chiến. Trước tiên đó là công cuộc tái thiết và mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân Marawi.

Giao tranh kéo dài đã khiến TP Marawi bị thiệt hại nặng nề với 20% cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 500.000 người phải sơ tán. Theo ước tính, việc xây dựng lại thành phố này có thể tiêu tốn khoảng 56 tỷ peso (khoảng 1,1 tỉ USD).

Giao tranh kéo dài đã khiến TP sôi động trên đảo Mindanao bị thiệt hại nặng nề với 20% cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Ảnh: CNN

Thách thức tiếp theo là nguy cơ các phần tử khủng bố quay lại trả thù. Người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines Restituto Padilla cảnh báo, các phần tử khủng bố đã mất đi 2 thủ lĩnh lão luyện và lãnh đạo chúng trong một thời gian rất dài.

Điều này khiến các đối tượng khủng bố có thể có hành động cực đoan hơn nữa. Vì vậy, Philippines vẫn cần đối phó với mối đe dọa lớn hơn.

Ông Padilla cho rằng việc duy trì thiết quân luật vốn được Tổng thống Duterte ban bố hồi tháng 5 vừa qua sẽ giữ vai trò quan trọng.

Theo đánh giá của các chuyên gia về khủng bố, chiến sự Marawi là “thất bại mang tính biểu tượng” đối với phiến quân Maute thân IS tại đảo Mindanao của Philippines. Tuy nhiên, các phần tử cực đoan này vẫn rất nguy hiểm bởi sau thời gian im hơi lặng tiếng chúng sẽ sớm xây dựng lại lực lượng và hoành hành dữ dội hơn.

Không trực tiếp đào tạo và lên kế hoạch tấn công nhưng IS biến tư tưởng của chúng thành hành động thông qua các nhóm cực đoan bản địa. Đến lúc đó, không chỉ Philippines mà tất cả khu vực Đông Nam Á cũng sẽ “nằm trong vòng nguy hiểm”.

Nguyễn Phương (Theo CNN)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cuoc-chien-chong-is-van-la-thach-thuc-voi-philippines-sau-khi-giai-phong-marawi-300761.html