Phiêu du cõi Tiên Việt cùng 'Hình tượng tiên nữ'

Đưa hình tượng Tiên Việt, cụ thể là tiên nữ, làm đối tượng nghiên cứu, nhóm tác giả đã phát lộ một đối trọng xứng đáng ngang bằng với hình tượng rồng vốn đã được chú trọng quan tâm sâu rộng lâu nay...

Thiên tiên và siêu trần, đó là cõi Tiên. Mộng mị và mật ngọt, cũng là cõi Tiên. Mọi ý niệm thanh tao, thinh không của miền thiên thể thiêng liêng này, được hội tụ và biểu kiến thông qua hình tượng Tiên.

Trong sự muôn hình vạn dạng, thiên biến vạn hóa, Tây Đông dị biệt của hình tượng Tiên, thì chuyên khảo Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống – Hình tượng tiên nữ (Nxb Giáo dục Việt Nam, 2022) của tập thể tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May, khoác cho độc giả xiêm y kiến văn về thần tiên, để cất cánh vào cõi Tiên Việt.

Một du ngoạn nhỏ trong đa 'vũ trụ' Tiên

Chỉ mới bước vào thế giới nghệ thuật tạo hình, chứ chưa nói đến địa hạt của văn học dân gian, ta mau chóng lạc lối giữa một rừng Tiên. Những phân mảnh Tiên rải rác trong thần thoại, sử thi, cổ tích, và tín ngưỡng dân gian cho thấy nguồn gốc đa vùng, đa văn hóa. Nguồn gốc của Tiên, là cả một câu chuyện dài kỳ khác. Tuy nhiên, đa 'vũ trụ' Tiên đã được các tác giả Hình tượng tiên nữ cố gắng dốc sức trình hiện đầy sinh động, hệ thống, tuyến tính theo thời gian và trật tự theo không gian địa lý – vùng văn hóa.

Một tác phẩm trong dự án Tiên-Rồng. Ảnh Nguyễn Thế Sơn

Nghiên cứu về tiên (fairy) và hình thức văn chương gắn liền với nó – truyện cổ tích (fairytale) chỉ ra mẫu số chung rằng thời Trung đại là một giai đoạn lịch sử không bị giới hạn ở riêng một khu vực lục địa nào cả. Chính nó đã tạo ra cơ sở cho tín ngưỡng và kho tàng dân gian.

Văn hóa dân gian trung đại là nguồn chính để sáng tạo, chứng minh và bảo tồn “truyện cổ tích.” Trên thực tế, Tiên có vẻ như chỉ được thừa nhận trong đời sống thế tục thời trung đại. Đồng thời, khía cạnh then chốt của các truyền thống và thực hành cổ xưa tập trung vào sự tồn tại, ảnh hưởng và tương tác với những thực thể ngày nay được gọi chung là “tiên/thần tiên” với nhiều phân loại phong phú.

Tác phẩm Hoàng tử Arthur và Nữ chúa tiên của Johann Füssli, 1788.

Dựa trên lập trường của nhà phân tâm học Carl Jung, khi niềm tin vào tiên có thực suy giảm, thì vùng đất thần tiên đại diện cho biên ải của những giấc mơ, nơi tạo ra niềm tin, bối cảnh cho những câu chuyện hư cấu và giả tưởng nơi những giới hạn thể lý, xã hội và tâm lý không còn ràng buộc; người ta kiếm tìm bởi vì tin đây là một vương quốc nơi những điều ước có thể trở thành sự thật.

Có lẽ, bối cảnh kỳ ảo của truyện cổ tích có thể được coi là sự phản ánh những giấc mơ và tâm hồn con người. Bởi niềm tin, sự tương tác và ký ức qua hàng thiên niên kỷ, ta có thể phát hiện ra rằng vương quốc của thần tiên vẫn tồn tại trong các lớp chồng chéo của ý thức xuyên thế hệ, cũng như trong tổng thể của những ký ức vô thức được chia sẻ và biểu đạt thông qua nghệ thuật.

Phù điêu Apsara ở đền Borobudur Thế kỷ IX Java, Indonesia. Ảnh: Wikimedia

Sự phản chiếu cõi thần tiên nhiệm màu, dường như, gắn liền với ký thác về sự vượt thoát của loài người, muốn thoát khỏi cõi trần tục để đến với chốn thánh thiêng. “Nào các Tiên nữ, hãy đưa ta ra khỏi thế giới buồn tẻ này, vì ta sẽ cùng các nàng cưỡi gió, chạy trên đầu sóng hỗn loạn và nhảy múa trên những đỉnh núi như một ngọn lửa!” những vần thơ của thi sĩ Ailen trứ danh thế kỷ XX, William Butler Yeats, ngụ chỉ nấc thang thiên đàng dẫn đến Xứ sở ham muốn của con tim (cũng là tên tập thơ xuất bản 1894).

Nhưng tiên cũng gắn liền với sự phù du, thoáng chốc, một món quà mà phàm trần chúng ta không biết trân trọng để rồi đánh mất – motif thăng thiên, “bay lên trời.” Hình tượng Kaguya-hime trong cổ tích Nàng tiên trong ống tre của Nhật Bản là một dẫn chứng. Nàng bị đày từ thiên đình xuống trần thế bởi tội lỗi của mình, và số vàng ông lão đốn tre tìm thấy khi phát hiện ra nàng là tiền công dưỡng dục nàng lớn lên. Rốt cuộc, nàng cũng phải trở về cung trăng trong sự tiếc thương của cha mẹ nuôi và những kẻ si mê.

Tranh minh họa cổ tích Nàng tiên trong ống tre.

Một phiêu du cõi Tiên Việt

Mọi tham chiếu nữ tiên Đông – Tây, cuối cùng, đều dẫn dắt trở về với Việt Tiên. Có thể, cách trình bày mang tính chất khảo cứu và tổng hợp, là phương pháp truyền thống, nhưng điều quan trọng hơn, nó được thực hiện dựa trên một quan điểm nghiên cứu khác, không phải là liệt kê hay mô tả thuần túy. Quan điểm này được các tác giả nêu rõ là quan điểm (so sánh) liên văn hóa. Nghiên cứu những điểm chung/riêng từ sự đa dạng hình tượng Tiên thế giới, là nhằm cất móng và định vị vị trí của Tiên Việt với những đặc sắc riêng của hình tượng này.

Không gian triển lãm Mơ tiên tại 22 Hàng Buồm. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Một đặc sắc như vậy có thể dẫn ra ngay, khi tiên giới bản địa Trung Hoa tiền Tùy-Đường, với sự ngự trị của cảm quan Đạo giáo, hiện diện rất ít tiên nữ. Nhưng một khi có sự ảnh hưởng từ Phật giáo, thì ở Trung Hoa xuất hiện rất nhiều hình tượng tiên nữ bay lượn trong các bức bích họa, thực chất là các Apsara (tiên nữ Ấn Độ).

Trong khi đó, bằng cơ sở tiếp cận từ cổ mẫu (archetype) của Jung, thì các tác giả đã chứng minh ngay tiên nữ đã hiện diện trong truyền thuyết nguồn cội dân tộc Việt – Con Rồng cháu Tiên, với hình tượng “quốc mẫu” là mẹ tiên Âu Cơ.

Sản phẩm của sự giao lưu tiếp biến giữa các thành tố văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa với văn hóa Việt bản địa[1] chính là motif tiên nữ cưỡi rồng, càng được minh chứng hơn thông qua điền dã và nghiên cứu các đồ án tiên nữ trong chùa, tháp, đền, miếu, đình làng Việt. Trong chuyên khảo, không chỉ có sự đối sánh với hình tượng tiên nữ ở hai nền văn hóa Á Đông gần gũi và có ảnh hưởng sâu rộng trên, mà còn có sự so sánh ngay cả giữa “nội bộ” hình tượng tiên nữ trong các kiến trúc truyền thống của văn hóa Việt.

Những hình tượng tiên nữ.

Rất nhiều diện mạo thị giác khác nhau của hình tượng tiên nữ trong nghệ thuật điêu khắc Việt, phản ánh một sự chuyển dời phong cách qua từng thời kỳ xuyên suốt ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII, cũng như nét đậm, nhịp mạnh của ảnh hưởng tín ngưỡng lẫn thể chế. Bản thân hình tượng tiên nữ cũng chịu biến thiên thăng trầm của thời cuộc, khi thịnh đạt, khi suy vong, đứt gẫy rồi lại tới thời tái sinh.

Mặc dù vậy, những so sánh về hình thức, motif hay kỹ thuật, để lại khoảng trống tương đối về ý niệm, và đặc biệt hơn, về quan niệm thể hiện trong từng loại không gian chính thống – địa phương, thờ cúng tế lễ – sinh hoạt… và từ góc độ nhân học, sở dĩ khó hơn vì trở ngại tư liệu và khoảng cách lịch sử, đó là về tầng lớp những nghệ nhân thực hiện lên những hình tượng điêu khắc tiên nữ này.

Hình tượng tiên nữ.

Một dẫn gợi khác về “nữ quyền”

Rời khỏi văn học dân gian, để nghiên cứu tiên từ cách tiếp cận liên loại hình nghệ thuật, đã là một gợi dẫn mới. Bởi dường như, tạo hình vẫn là một lãnh địa hoang vu khi so với hiện trạng khảo xét tư liệu văn bản. Nhưng rồi từ kết quả nghiên cứu để luận suy đi đến những diễn giải văn hóa mới, còn là một đóng góp lớn hơn.

Ngoài việc khái quát quá hình tượng Tiên Việt qua đặc điểm và công thức hệ giá trị (là “phép tổng” của thẩm mỹ + văn hóa + lịch sử + biểu tượng, vốn cũng là một cách trình bày truyền thống), thì phát hiện mới mẻ và có khả thể phát triển nhất, chính là dấu ấn về giới xuất hiện thông qua hình tượng tiên, đặc biệt là tiên nữ cưỡi rồng.

Một tác phẩm trong dự án Tiên-Rồng trưng bày tại 22 Hàng Buồm. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Phát hiện này, có thể truy hồitiếp tiến trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Bởi, hồi quy về quá khứ, các tác giả cho rằng đây là sự ảnh xạ tín ngưỡng thờ Nữ thần, thứ tín ngưỡng bản địa của Việt tộc. Đồng thời, sự xuất hiện dày đặc đồ án Tiên nữ trong nghệ thuật thế kỷ XVI đến XVIII cũng là chỉ dấu cách mạng giới (gender revolution, “chưa bao giờ ta thấy tiên nữ cưỡi đầu cưỡi cổ rồng nhiều như vậy” – Hình tượng tiên nữ, tr. 239), một vấn đề văn hóa mai hậu đương đại. Hình tượng tiên nữ, bởi vậy, là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh toàn cảnh lịch sử nữ quyền Việt.

Trong một cuộc trò chuyện chớp nhoáng với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, một trong những tác giả của cuốn sách, tôi được biết thêm rằng trong quá trình thực địa ở các đình làng Việt Bắc bộ tiêu biểu như Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), Tây Đằng (Ba Vì), Ngọc Than (Quốc Oai), Tường Phiêu (Phúc Thọ) v.v… anh còn có điều kiện để “tranh thủ” khảo xét thêm các văn bia, và phát hiện ra một vị thế hoán dịch của người phụ nữ Việt Nam trung đại. Hóa ra, họ có tiếng nói và đóng góp đáng kể trong đời sống làng xã Bắc bộ cổ truyền hơn chúng ta tưởng. Hay như quan niệm (tinh thần) thể hiện qua lăng kính giới, trong trường hợp người thợ nam chạm khắc hình tượng tiên nữ, liệu có một sự “đồng dạng tâm tưởng” nào đó?

Bìa cuốn Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống – Hình tượng tiên nữ (Nxb Giáo dục Việt Nam, 2022).

Đưa hình tượng Tiên Việt, cụ thể là tiên nữ, làm đối tượng nghiên cứu, nhóm tác giả đã phát lộ một đối trọng xứng đáng ngang bằng với hình tượng rồng vốn đã được chú trọng quan tâm sâu rộng lâu nay. Nếu rồng biểu trưng cho nam/phụ quyền, hoàng đế, Lạc Long Quân, thì tiên đại diện cho nữ/mẫu quyền, người mẹ thái cổ, Âu Cơ. Tiên nữ cưỡi rồng, vì thế, là một luận đề lý thú và rất Việt.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

[1] Việt Nam với tư cách là giao điểm ngã tư giữa các nền văn minh (và nghệ thuật) đã được tác giả Trần Hậu Yên Thế nghiên cứu trong công trình Mỹ thuật Việt soi từ phía khác (Nxb Mỹ thuật, 2021), xin xem thêm: https://nguoidothi.net.vn/my-thuat-viet-van-hoa-viet-soi-tu-phia-khac-33191.html

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phieu-du-coi-tien-viet-cung-hinh-tuong-tien-nu-37846.html