Phiến đá in hình đầu người độc đáo ở Di sản thế giới Thành nhà Hồ

Đây là di tích có truyền thuyết gắn liền với quá trình xây dựng Thành nhà Hồ, thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, bền bỉ và sự hy sinh xương máu của những người thợ xây thành và tấm lòng trinh tiết thủy chung nàng Bình Khương.

Phiến đá bị lõm xuống in dấu đầu và hai bàn tay của nàng Bình Khương (Ảnh: Quách Tuấn).

Đền thờ nàng Bình Khương là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tham quan Di sản Thế giới Thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ là kinh đô nước Đại Ngu, nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.

Đền thờ nàng Bình Khương nhìn từ trên cao (Ảnh: Hoàng Đông).

Đền thờ nàng Bình Khương nằm sát tường thành phía đông Thành nhà Hồ, thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long.

Đây là di tích có truyền thuyết gắn liền với quá trình xây dựng Thành nhà Hồ, thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, bền bỉ và sự hy sinh xương máu của những người thợ xây thành và tấm lòng trinh tiết thủy chung của nàng Bình Khương.

Truyền thuyết kể rằng, năm 1397 khi Hồ Quý Ly cho xây dựng thành, ông đã ra lệnh cho Cống sinh Trần Công Sĩ đốc thúc việc xây dựng đoạn tường thành phía Đông.

Phiến đá bị lõm xuống in dấu đầu và hai bàn tay của nàng Bình Khương (Ảnh: Quách Tuấn).

Tường thành phía Đông được xây dựng trên nền con sông cổ. Mặc dù đã hết sức gia cố, nhưng tiếc thay cứ xây xong tường lại bị lún. Hay tin, Hồ Quý Ly đích thân ra thị sát, thấy cảnh công trường bề bộn ngổn ngang, ông vô cùng tức giận và sai quân lính vùi thân Cống Sinh tại chân tường thành.

Vợ của Cống Sinh là nàng Bình Khương khi nghe tin dữ về chồng đã tìm đến nơi, thấy cảnh chồng bị vùi thân, nàng đã than khóc kêu oan cho chồng.

Để giữ tiết thủy chung nghĩa vợ chồng, nàng Bình Khương đã đập đầu vào tảng đá xanh nơi tường thành mà tuẫn tiết theo chồng. Lạ thay tảng đá nơi đó bị lõm xuống in dấu đầu và hai bàn tay của nàng Bình Khương.

Người đời thương cảm trước cái chết của nàng Bình Khương đã có những vần thơ ca ngợi tấm lòng thủy chung, son sắt: “Tấm lòng trinh tiết in vào đá/Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm”.

Đền thờ nàng Bình Khương được trùng tu tôn tạo, nhưng vẫn bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống (Ảnh: Quách Tuấn).

Nhân dân tiếc thương cho số phận nàng Bình Khương đã lập đền thờ nơi nàng tuẫn tiết và tảng đá thiêng tin dấu đầu và tay bà Bình Khương được đưa vào hậu cung.

Ngôi đền do tổng đốc Vương Duy Trinh giao cho 3 làng Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn xây dựng năm 1903.

Trải qua thời gian ngôi đền đã bị xuống cấp, đến tháng 12/2009, Đền thờ nàng Bình Khương đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ trùng tu tôn tạo, nhưng vẫn bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống của gian tiền đường, trùng tu hậu cung, giải vũ, câu đối hai trụ biểu, nhà bia, khu mộ Cống sinh,…

Hiện nay, phía trong hậu cung Đền thờ nàng Bình Khương vẫn đang thờ một khối đá lớn mà dân trong vùng tin rằng đó là vết tích đập đầu kêu oan của nàng Bình Khương năm xưa.

Phiến đá dài khoảng 2 mét, trên mặt có một vết lõm to hơn đầu người, hai bên đều có hai vết hằn như dấu hai bàn tay chống xuống.

Trong khu đền vẫn còn các tấm bia đá ghi lại huyền tích nàng Bình Khương tuẫn tiết kêu oan cho chồng được dựng quanh ngôi đền…

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho hay, hàng năm, tại di tích, nhân dân lấy ngày 1/9 (âm lịch) là ngày tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao của vị đốc công xây thành Cống Sinh và ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắt của nàng Bình Khương.

“Trong ngày này, nhân dân địa phương và du khách thập phương náo nức về dự lễ. Đây cũng là một trong những lễ hội lớn tại khu Di sản Thế giới Thành nhà Hồ…”, ông Nguyễn Bá Linh chia sẻ.

Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc độc đáo bằng đá được xây dựng vào năm 1397, theo lệnh của Phụ chính Thái sư nhiếp chính nhà Trần là Hồ Quý Ly.

Thành được xây dựng trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1397). Cùng năm đó Hồ Quý Ly cho di chuyển kinh đô từ thành Thăng Long (Hà Nội) vào Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa).

Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, năm 2011, UNESCO đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Quách Tuấn

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/phien-da-in-hinh-dau-nguoi-doc-dao-o-di-san-the-gioi-thanh-nha-ho-20240328152538486.htm