Phía trước là bình minh

Từ lớp một đến lớp năm, nó là học sinh giỏi hẳn hoi, nhưng sang năm lớp sáu, nó bắt đầu sao nhãng việc học, thích giao du chơi bời với chúng bạn xấu bởi gia đình có 'của ăn của để'. Máu 'anh chị' dần hình thành trong cơ thể nó với trò chơi điện tử, la cà quán xá tập tành bia, rượu, trốn học đi chơi.

Bố mở lò than thổ phỉ, mẹ ở nhà làm “đầu bếp” cho bốn chục thợ khai thác than thuê. Làm thuê cho bố nó là những lao động quê Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Vì nghèo đói, khổ cực, họ chấp nhận mọi sự hiểm nguy, sẵn sàng đào sâu các đường lò tạm bợ mà không có thiết bị an toàn lao động. Hàng ngày, xe của bố vào, ra mỏ khai thác, chở quặng từ vùng núi và lòng hồ Yên Lập sang bán ở Hải Phòng. Chẳng cần ai cho phép, chỉ cần biết được địa điểm có than ngầm là bố nó sai đàn em “hạ trại”. Làm “luật” hết rồi, không phải lo gì cả. Cứ tự nhiên mà lấy tài sản của nhà nước đút đầy túi tham cá nhân. Than thổ phỉ mọc rải rác nhiều nơi trong tỉnh, tập trung nhiều nhất tại các khu vực gần khai trường lớn của ngành than. Than lậu được xuất sang Trung Quốc dưới nhiều hình thức. Đào đến đâu bán đến đó. Gia đình nó sống sung túc trong căn biệt thự rộng vài trăm mét vuông ở thành phố Hạ Long.

Từ lớp một đến lớp năm, nó là học sinh giỏi hẳn hoi, nhưng sang năm lớp sáu, nó bắt đầu sao nhãng việc học, thích giao du chơi bời với chúng bạn xấu bởi gia đình có “của ăn của để”. Máu “anh chị” dần hình thành trong cơ thể nó với trò chơi điện tử, la cà quán xá tập tành bia, rượu, trốn học đi chơi.

Hôm đó, cô bạn tên Uyên ngồi ở bàn trên, quay xuống lấy cuốn sách của nó. Nó với theo để giằng lại thì thầy phát hiện. Thầy lặng lẽ xuống chỗ nó ngồi, chẳng nói chẳng rằng vung cây thước quất túi bụi vào cơ thể nó. Thấy mình bị oan ức, bị xúc phạm và xấu hổ với các bạn, nó đứng bật dậy giằng cây thước trong tay thầy, vụt lại hai cái. Nó bị nhà trường đuổi học. Bố mẹ la mắng, đánh đòn. Nó cô đơn, bế tắc khi thấy bố mẹ không cảm thông, thấu hiểu với nỗi oan của nó, chỉ chăm chắm vào việc kiếm tiền, ăn nhậu.

Chán nản, nó ngồi uống nước quán mụ Tư Béo thì thằng Tuấn còi hốt hoảng chạy đến, bảo mày về ngay, nhà có chuyện rồi, mày đi đâu để tao tìm kiếm mãi, giờ mới thấy. Vội vã dông xe về, nó thấy mọi người đông nghẹt ở sân. Trong nhà, bố nằm bất động trên giường, mắt nhắm nghiền, đầu giường đặt nải chuối xanh với bát cơm trứng. Mẹ nó ôm lấy thân thể lạnh ngắt của bố gào khóc nức nở. Nghe kể, đêm đó, bố nó xuống kiểm tra lò “thổ phỉ” ở độ sâu hai mươi mét thì sập hầm khiến sáu người làm thuê cùng với bố nó thiệt mạng.

Bố chết. Mẹ cặp kè với Hùng sẹo, một chủ lò than “thổ phỉ” khác ở thị trấn Mạo Khê, chẳng quan tâm, đoái hoài gì đến nó. Mẹ suốt ngày theo xe Hùng sẹo xuống lò. Lò than “thổ phỉ” xảy ra tai nạn nổ khí khiến sáu người bị bỏng nặng trên 50%, trên người bám đầy muội than. Mẹ nó bị bắt giam và chết trong tù vì mắc bệnh hiểm nghèo. Gia sản bị Hùng sẹo chiếm đoạt cả. Bố mẹ không còn. Bị đuổi học. Chẳng có ai để bấu víu. Anh Mười bắn tin: Xuống anh lo. Chết đuối vớ được cọc. Nó dông xuống Cái Lân phụ bán quán cà phê cho anh Mười.

Trước khi mở quán cà phê ở Cái Lân, anh Mười có biệt danh Mười “liều” vì từng đi tù về tội cướp xe máy. Bây giờ, Mười kiêm luôn dịch vụ đòi nợ thuê, mở xới bạc trên đồi. Dùng mác “liều” của mình để nắn gân, dọa bẻ giò thiên hạ. Thực ra, quán cà phê của Mười chỉ là địa điểm trá hình, núp sau đó là những hoạt động phi pháp khác. Nó là một trong mười “anh em xã hội” của Mười “liều”. Hàng ngày, mười người chia ra, năm người trông quán cà phê, năm người canh sới bạc. Sới bạc hoạt động từ sáu giờ đến hai ba giờ hàng đêm, thậm chí đến hai, ba giờ sáng phục vụ bảy mươi, một trăm con bạc khát máu sát phạt cùng với những thú chơi thù tạc thả giàn, ăn uống, hút sách, mại dâm, cầm đồ. Hoạt động được ba tháng, quán cà phê Mười “liều” bị cơ quan chức năng phát hiện có hoạt động mại dâm nên “hốt”. Vụ ấy, vợ của Mười là Thảo đứng ra nhận tội nên Mười “thoát hiểm”.

Nó theo Mười “liều” sang phường Hải Khánh làm than thổ phỉ. Do khu vực Hải Khánh là vùng đất lạ, không phải lãnh địa quen thuộc như Cái Lân nên nhóm Mười luôn gặp rắc rối, đánh nhau tranh giành lãnh địa, gây hoang mang dư luận. Mười bị truy nã về tội đánh người gây thương tích, trốn sang Hải Phòng. Hết tiền ăn chơi, Mười “liều” cướp xe máy, bị bắt xử tù. Vợ chồng người Mười “liều” đồng lòng “ăn cơm tù, mặc áo số”.

Nó quay về Quảng Ninh theo lời rủ của đứa bạn. Sau khi “bốc lửa” trên sàn nhảy Hạ Long với đám bạn ra về thì thấy thằng Bách cùng người bạn liền đến chào hỏi, nói chuyện qua quýt rồi bảo “cho tao mượn xe ra đây cái”. Không nghi ngờ gì, chỗ quen biết cả, bạn liền giao chìa khóa. Có xe, nó phóng ra Bãi Cháy “sang tên” luôn với giá mười lăm triệu. Có tiền, nó “dông” thẳng đến nhà nghỉ Vạn Hoa, “a lô” lũ bạn choai choai đến cùng “quậy tới bến”.

Bị tố cáo, nó bỏ trốn vào Sài Gòn gia nhập nhóm bụi đời quanh chợ Cầu Muối, chân cầu Ông Lãnh, quận 1 với nhiệm vụ che chắn, hỗ trợ đồng bọn móc túi, giật túi xách, trang sức của người đi đường. Mỗi lần hành động, chúng đều có những ám hiệu riêng để tương trợ khi có “biến”. Khi nhắm đến “con mồi”, chúng không ra tay ngay mà chơi trò “nhấp nhử” tạo những pha va chạm nho nhỏ nơi có tài sản thử xem nạn nhân có phản ứng hay không. Nếu thấy “ngon ăn”, vài tên đi trước dàn cảnh xô đẩy để đánh lừa cảm giác “con mồi” để tên cuối cùng ra tay.

Với nhiệm vụ che chắn, hỗ trợ đồng bọn chia chác chẳng được bao nhiêu. Nó nhận thấy muốn được chia nhiều thì phải tự mình thực hiện, lên làm “đại ca”. Từ đó, nó luôn đảm nhận những nhiệm vụ khó nhằn, nổi tiếng giang hồ với biệt danh Dũng “siêu trộm” chuyên bẻ khóa, đột nhập các ngôi nhà vắng chủ, chủ đang say ngủ khoắng hết mọi thứ có giá trị. Đến mức, việc ăn trộm không đơn thuần là kiếm sống mà là “đam mê” để chứng tỏ bản lĩnh, “thành tích” siêu trộm của nó.

***

Có vợ, đó là điều bất ngờ lớn đối với nó. Nó gặp người vợ khi lang thang “hành nghề”. Nó “tăm tia” vợ vì thấy lúc nào cũng khư khư giữ một cái bịch trong túi áo mà nó đoán chắc là tiền. Nó theo dõi thấy sau khi nhận tiền công làm thuê vào mỗi buổi chiều vàng ruộm, vợ nó ngồi phệt xuống vệ đường, mở bịch tiền ra, cẩn thận xếp vào đó từng đồng tiền cáu bẩn, rồi đếm đếm, xếp xếp, vừa làm vừa cười hạnh phúc. Lúc đó, nó thấy nụ cười đẹp lắm, vừa dễ thương, vừa tội tội. Nhưng là một tên trộm chuyên nghiệp không cho phép nó ủy mị vớ vẩn. Nó đi theo và chẳng khó để nhón được cái bịch đó mà vợ hoàn toàn không hay biết.

Ánh bình minh vừa ló dạng tỏa ánh sáng ấp áp trên bến cảng. Dòng người tấp nập trên bến dưới thuyền mua bán hàng hóa. Nó gặp lại vợ với ánh nhìn thất thần, đi lại dật dờ như người mất hồn. Đêm đó, trăng thượng tuần vằng vặc tỏa ánh sáng lung linh huyền ảo thơ mộng trùm phủ xóm trọ. Trong không khí tĩnh mịch vẳng đến tai nó tiếng à ơi ru con của người thiếu phụ trẻ cùng xóm trọ. Nhớ nụ cười của vợ lúc xếp tiền. Nhớ ánh mắt dại đi vì đau đớn. Nó trằn trọc, dằn vặt lòng mình không tài nào ngủ được.

Hôm sau, nó tìm trả lại bịch tiền, bảo nhặt được. Vợ ôm lấy nó ríu rít cảm ơn, cười tươi như hoa. Nụ cười hồn nhiên khiến lòng nó rung động. Lang thang bao nhiêu năm, lần đầu tiên nó mới cảm thấy rung động trước một người con gái. Gió biển mơn man nhè nhẹ. Tiếng chim kêu ríu rít. Bất giác nó nhìn lên nóc nhà quản lý bến tàu, thấy đôi chim bồ câu đang cùng nhau giúp con tập bay.

Vợ bảo đó là toàn bộ số tiền dành dụm để xây cho mẹ già ở quê cái nhà nho nhỏ, vậy mà suýt bị mất nhưng may quá, nó nhặt được mang trả. Nó xấu hổ quá chẳng dám kể sự thật. Sau lần gặp lại ấy, hai người yêu nhau, lấy nhau sau đó một tháng. Hai vợ chồng vẫn sống ở cái xóm lao động nghèo. Nó chuộc lỗi với vợ bằng cách đưa tiền cho vợ về sửa nhà cho mẹ. Vợ hoàn toàn không hay biết đó là những đồng tiền không sạch sẽ nên càng vì thế mà yêu thương nó hơn.

Có vợ, nó từ bỏ cuộc sống vất vưởng, nhưng nghề trộm cắp thì không bỏ được, vẫn tham gia đường dây trộm cắp xe máy liên tỉnh với hàng loạt vụ trộm lớn ở các tỉnh miền Trung. Băng nhóm của nó thường tăm tia những ngôi nhà có xe xịn nhất rồi tìm cách bẻ khóa, đột nhập vào nhà lấy xe đi tiêu thụ. Có đêm, băng trộm “nhẩy” được một lúc năm đến sáu chiếc xe, chia nhau được mấy cây vàng.

Có tiền, nó bắt đầu bị những kẻ cùng hội cùng thuyền lôi kéo vào những thói hư tật xấu. Bao nhiêu tiền kiếm được, nó mang đi bao gái, chỉ mang về cho vợ một phần nhỏ. Vợ nó hoàn toàn không hay biết về nghề nghiệp của chồng, vẫn tin đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt, nên rất căn cơ, tiết kiệm, chẳng dám chi xài. Ngay cả lúc mang thai đứa con đầu lòng, vợ nó vẫn đi làm thuê ngoài cảng, dù nó nói thế nào cũng không chịu nghe. Khi đứa con trai đầu lòng được 5 tháng tuổi thì nó bị bắt. Lúc đó, vợ mới biết chồng mình là một tay trộm chuyên nghiệp.

Lần đầu tiên đưa con lên thăm chồng, vợ cứ khóc mãi. Nó khuyên: Em còn trẻ, mà tội của tôi nặng lắm, còn lâu mới được tha. Em đi lấy người khác đi cho đỡ khổ. Vợ nó khóc rấm rức, ôm chặt lấy con: “Anh có ở tù bao lâu, mẹ con em vẫn đợi anh về”.

Bảy năm ở tù, đều đặn mỗi năm ba, bốn lần vợ lại đưa con lên thăm nó. Mỗi lần lên thăm, nó lại thấy cơ thể vợ gầy mòn đi một chút, xanh xao đi một chút. Những lúc đó, lòng nó quặn thắt từng khúc ruột, thương vợ, giận bản thân mình nhiều lắm. Nếu như mình không lấy tiền, nếu như mình không trả tiền, nếu như mình không đồng ý lấy cô ấy thì cuộc đời của vợ sẽ hạnh phúc nhiều lắm, không bị chịu danh vợ thằng tù, vò võ nuôi con một mình đầy vất vả. Nó thấy lòng đắng ngắt.

Nó hỏi, em bị bệnh gì thế? Đã khám bệnh, mua thuốc uống chưa? Đã đỡ nhiều hơn chưa? Nếu mệt thì đừng lên thăm. Đổ bệnh ra đấy lại khổ. Lấy ai chăm con. Vợ cười, bảo vẫn khỏe, anh không phải lo, nhớ giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt để sớm về với mẹ con em là em mừng rồi. Đứa con hồn nhiên bảo mỗi lần khi đi thăm bố, mẹ đi bán máu để lấy tiền mua quà bố ạ. Nó ôm mặt khóc nức nở vì thương vợ, thương con. Từ đó, mỗi lần vợ lên thăm nó không lấy tiền nữa. Nó cấm vợ bán máu, dọa nếu còn làm thế sẽ tự tử trong tù. Vợ sợ quá, từ đó mới không làm chuyện dại dột đó nữa.

Thấy tay vợ bị tím, nó gặng hỏi mãi mới biết nguyên nhân. Thì ra vợ đi xem bói, ông thầy bảo nó bị người ta bỏ bùa nên mới sinh tật ăn cắp, vợ phải giải hạn bằng cách tự đánh vào tay mình cho đến lúc chồng ra tù thì chồng mới bỏ được tật ăn cắp. Tin lời thầy phán, liền mấy năm trời, sáng nào vợ cũng dùng roi đánh vào tay mình đến nỗi tay lúc nào cũng bầm tím. Nó ứa nước mắt khóc vì thương, bảo: Em đừng làm thế nữa, anh đã hết bị “bùa” rồi, nhất định sẽ trở thành người lương thiện!

Ra tù, nó cắn dập ngón tay trỏ của mình, tự hứa với lòng không quay lại con đường cũ, nhất quyết sống một cuộc đời lương thiện để bù đắp cho vợ con những thiếu thốn, thiệt thòi mà nó đã gây ra.

***

Thằng Giang, cái My tay cầm vé số, bọc ve chai, ngồi dựa dưới gốc cây hoa sữa ngan ngát hương thơm, gương mặt đen nhẻm, bận bộ đồ nhàu nhĩ, xộc xệch, réo gọi nó: “Anh Dũng, anh Dũng,...”. - Mấy hôm rày hai đứa ở đâu, anh kiếm mãi không gặp. Ra công viên ăn hủ tiếu, anh nói chuyện chút. Hai đứa ho sù sụ, lững thững theo nó băng qua đường. Hai đứa cứ mãi sống với nghề này sao? Rồi tương lai sẽ đi về đâu? Nó thủ thỉ, phân tích điều hay lẽ thiệt. Sắp tới, anh mở lớp sửa chữa ô tô, hai đứa tới học nghen. Học để có cái nghề tạo lập tương lai cho bản thân, cống hiến cho đất nước.

Hai đứa nhìn nhau mừng rỡ nhưng ánh mắt đầy vẻ lo âu. Lấy tiền đâu đóng học phí hả anh khi bọn em phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”- Thằng Giang lo lắng. Các em không phải lo, lớp học được tổ chức miễn phí và học vào buổi tối nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc của các em. Nó trấn an.

Lớp học sửa chữa ô tô của nó thu hút 60 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bụi đời, trong đó có nhiều đứa từng vào trại giáo dưỡng như cơm bữa. Được đào tạo nghề, thằng Hùng thích lắm, nó bảo sẽ noi gương anh Phúc để tạo lập sự nghiệp cho mình. Phúc, đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi sinh ra trên đất Campuchia khi cha mẹ mưu sinh nơi xứ người. Bố mẹ chia hai ngả, Phúc hết ở với bố rồi dọn ở với mẹ. Ai cũng đùn đẩy trách nhiệm. Chán! Phúc bỏ nhà đi bụi, tự nuôi sống bản thân bằng nghề xách hàng lậu cho người Việt từ Campuchia về Việt Nam. Mánh khóe của dân buôn lậu nhanh chóng biến Phúc thành một đứa trẻ giang hồ.

Mười tám tuổi, Phúc rời trại giáo dưỡng quay về Ngã sáu Cộng Hòa tiếp tục sống đời giang hồ nhưng bạn cũ giờ chẳng còn ai. Đứa chết vì sida, đứa đi tù, vào trại. Nó nghĩ nếu mình cứ mãi thế này thì cũng giống chúng nó thôi. Trong lúc bế tắc, nó gặp Phúc và được xin làm bốc vác chợ Cầu Muối. Cực nhọc, bị quỵt tiền, bị bắt nạt nó mới hiểu kiếm đồng tiền chân chính khó thế nào. Một người bạn làm cùng tặng nó cuốn sách “Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách” của chủ tịch tập đoàn Hyundai, Chung Ju Yung. Nó thức trắng đêm đọc hết cuốn sách hơn 300 trang. Nó quyết định đi học. Ngày làm, đêm học lớp tình thương, bổ túc văn hóa, học đại học. Giờ trở thành chủ doanh nghiệp kinh doanh ô tô có tiếng ở Sài thành.

Khi ánh đèn đường phố tỏa sáng lung linh là lúc lớp sửa chữa ô tô rộn rã tiếng cười. Nhìn học viên chăm chỉ học lý thuyết, thực hành, nó thấy lòng mình thật ấm áp. Lớp học bế giảng. Thằng Giang nắm chặt lấy bàn tay nó: Cảm ơn anh đã không xa lánh, tận tình nâng đỡ, giúp em và các bạn có cái nghề, thắp sáng bình minh xua tan giá lạnh trong mỗi trái tim chúng em. Nó thấy mình thật hạnh phúc.

Nó cùng các đồng nghiệp tỏa đi khắp các nẻo đường, công viên để giúp đỡ những “hạt bụi”, “đầu đường”, “xó chợ” như mình ngày trước rời xa cạm bẫy, nguy hiểm rình rập, thắp sáng ước mơ cháy bỏng trong mỗi trái tim bất hạnh đầy tổn thương.

Những bước chân không mỏi!

Phía trước là bình minh!

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-du-va-phat-bieu-tai-xuan-bien-phong-am-long-dan-ban-o-kien-giang-a22908.html