Phía sau việc cấp tốc thành lập Hãng hàng không SkyViet: Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước

Trong số trước, Báo Đấu thầu đã đề cập đến vai trò của Ngân hàng Techcombank trong việc thành lập Công ty CP Hàng không SkyViet trên cơ sở sắp xếp lại hoạt động của Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO).

Các tài sản VASCO đang nắm giữ chỉ phản ánh một phần giá trị thực của doanh nghiệp này. Ảnh: Việt Ba

Vì sao Techcombank và Vietnam Airlines lại tỏ ra “hăng hái” trong việc xúc tiến thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại VASCO? Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện xác định giá trị doanh nghiệp.

Giá trị tài sản VASCO chưa đến… 100 tỷ đồng

Trong nhiều văn bản của Vietnam Airlines và các phát ngôn của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, số vốn điều lệ của SkyViet được đề xuất nhằm đáp ứng vốn điều lệ tối thiểu thành lập hãng hàng không theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ.

Để đáp ứng điều kiện về vốn pháp định theo quy định trên, hai bên (Vietnam Airlines và Techcombank) thống nhất trước mắt thành lập hãng hàng không khai thác vận chuyển nội địa quy mô đội tàu bay dưới 10 tàu với vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng. Theo Đề án thành lập hãng, Vietnam Airlines sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ, phía Techcombank nắm giữ 49% vốn điều lệ của Hãng hàng không cổ phần. Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR72…, Techcombank góp vốn bằng tiền mặt. Như vậy, phần vốn góp của Vietnam Airlines bằng chính tài sản hiện hữu (bao gồm tài sản hữu hình, tài sản vô hình, các đường bay đã được cấp phép...) của VASCO tương ứng trị giá 153 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thông tin trên cơ quan ngôn luận của Bộ Giao thông vận tải, giá trị định giá của hãng này chỉ là 99,2 tỷ đồng. Để đáp ứng đủ tỷ lệ góp vốn, Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là trên 53,7 tỷ đồng cộng với số tiền xác giá trị doanh nghiệp VASCO.

Một trong những chủ trương của việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn vào kế hoạch của hãng hàng không mới sau khi sắp xếp lại VASCO, dư luận đặt câu hỏi về việc hiệu quả đi xuống rõ rệt. Như vậy thực chất của việc này là gì?

Phải chăng, xuất phát từ việc định giá giá trị góp vốn thấp nên kế hoạch kinh doanh sau khi thành lập công ty cổ phần cũng rất khiêm tốn, chỉ là 1,949 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2016 - 2018? Cần nhớ rằng, VASCO là đơn vị đã có thương hiệu và làm ăn hiệu quả. Theo số liệu của VASCO, trong nhiều năm liền, DN này đều hoàn thành và vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch được giao; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho 100% cán bộ, công nhân viên.

Giai đoạn 2010 - 2014, VASCO thực hiện an toàn 24.900 chuyến bay thường lệ, đạt mức tăng trưởng bình quân 10,1%/năm. Hành khách vận chuyển đạt 1.239.814 lượt người, tăng trưởng bình quân 11,6%/năm. Hàng hóa vận chuyển đạt 1.800 tấn. Tổng doanh thu 1.510 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 19,2%/năm. Đặc biệt, lợi nhuận đạt 123,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 61,8%/năm, nộp ngân sách nhà nước 137 tỷ đồng. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh như giai đoạn 2010 - 2014 thì chỉ trong vòng 4 năm đã có thể thu hồi toàn bộ giá trị định giá VASCO trước khi chuyển đổi sang công ty cổ phần.

Một trong những chủ trương của việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn vào kế hoạch của hãng hàng không mới sau khi sắp xếp lại VASCO, dư luận đặt câu hỏi về việc hiệu quả đi xuống rõ rệt. Như vậy thực chất của việc này là gì?

Cần kiểm toán kết quả định giá VASCO

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia tài chính doanh nghiệp cho rằng chủ trương tách ra cổ phần hóa là tốt, nhưng cách làm thì dường như chưa ổn, tiềm ẩn nguy cơ vụ lợi. Nguyên tắc cổ phần hóa công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước thường phải công khai, minh bạch chào bán cổ phần. Việc tách ra thành lập hãng hàng không mới chỉ là hình thức, trên danh nghĩa là chuyển đổi hình thức doanh nghiệp.

“Vietnam Airlines không dại gì cho thành lập một hãng hàng không mới cạnh tranh với chính nó. Vì thế việc tách về tài chính, tài sản là để dễ dàng chia lợi nhuận (vì không nằm trong Vietnam Airlines nữa) nhưng vẫn giữ được độc quyền, hai mục đích rất rõ ràng” - PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia kinh tế về chính sách công đánh giá.

Theo quy định hiện hành, để định giá tài sản doanh nghiệp, cần những phương pháp rất chặt chẽ nhằm xác định đúng giá trị doanh nghiệp. Hiện tại, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của VASCO không được Vietnam Airlines công bố rộng rãi, công khai, nên chưa thể biết được những tài sản nào được định giá, quy trình xác định giá diễn ra như thế nào. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thông qua việc đấu giá cổ phần, xác định giá trị doanh nghiệp chỉ là bước đầu. Sau đó tùy vào triển vọng ngành, vị thế doanh nghiệp, giá trị tiềm năng, thương hiệu mà giá đấu có thể cao hơn giá trị được đơn vị xác định giá trị và đơn vị cổ phần hóa quyết định. Đối với doanh nghiệp như VASCO, giá trị không chỉ nằm ở các tài sản đang nắm giữ, mà ở bộ máy đã được xây dựng nhiều năm, kinh nghiệm kinh doanh, các giấy phép vận chuyển hàng không, các đường bay đã được cấp phép và nền tảng khách hàng, đối tác xây dựng trong nhiều năm qua.

Để bảo đảm tránh thất thoát tài sản nhà nước trong việc sắp xếp lại VASCO, cần đánh giá, xem xét lại toàn bộ quá trình thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và việc lựa chọn nhà đầu tư theo kiểu “chỉ định thầu” như hiện nay. Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc câu chuyện về cổ phần hóa khép kín này.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/phia-sau-viec-cap-toc-thanh-lap-hang-hang-khong-skyviet-nguy-co-that-thoat-tai-san-nha-nuoc-21062.html