Phía sau tượng đài…

1. Trở thành đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam dự giải Asian Grand Prix 2013, VĐV Đỗ Thị Thảo được giới chuyên môn đặc biệt kỳ vọng. Thảo thi đấu cự ly 800m nữ và luôn nằm trong nhóm có huy chương (đoạt 3 HCB ở cả 3 tour đấu). Tuy nhiên, thành tích của Thảo chỉ dừng ở chỉ số 2’07", nghĩa là còn kém xa thành tích của chính cô đạt được ở SEA Games 2011 - nơi cô giành được tấm HCB.

Thế hệ của Trương Thanh Hằng, Nguyễn Tiến Minh vẫn chưa có người kế tục. Ảnh: HOÀNG HÙNG - DŨNG PHƯƠNG

Thảo chạy, nhưng HLV trực tiếp của cô - bà Hồ Thị Từ Tâm - lại nhớ cô học trò cưng Trương Thanh Hằng rất nhiều. Đẳng cấp của Thanh Hằng đã nâng lên tới đỉnh châu lục. Lấy HCV ở giải đấu không thực sự quy tụ những VĐV điền kinh hàng đầu châu lục như Asian Grand Prix đối với Hằng khá dễ. Trong khi đối với Đỗ Thị Thảo, nghiệp điền kinh đỉnh cao mới chỉ bắt đầu…

Đáng tiếc là sau tai nạn kinh hoàng gần 1 năm trước, Thanh Hằng giờ đây vẫn đang trong quá trình hồi phục và tập chạy nhẹ. Phải rất lâu nữa, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam mới có thể vẫy vùng mãnh liệt trên đường chạy cự ly trung bình.

Quãng thời gian này, tổ cự ly trung bình ngoài Dương Văn Thái (800m và 1.500m nam), chỉ còn biết trông đợi vào Đỗ Thị Thảo. Tháng 7 đã là giải điền kinh vô địch châu Á - nơi tổ cự ly trung bình vẫn đang dẫn đầu châu lục với tấm HCV cự ly 800m mà Trương Thanh Hằng đang giữ trong tay - thành tích của niềm hy vọng Đỗ Thị Thảo ở sân chơi này ra sao? Không một nhà chuyên môn nào dám khẳng định Thảo đã đủ đẳng cấp để thế vai đàn chị ở các cuộc tranh tài quốc tế.

Hay nói theo cách khác, dù cũng thuộc diện VĐV có triển vọng, rất hứa hẹn ở tương lai, nhưng lúc này Đỗ Thị Thảo chưa thể gánh vác nổi trọng trách mà đàn chị để lại, ít nhất là trong giai đoạn Thanh Hằng đang dưỡng thương.

Trương Thanh Hằng là thế hệ đàn em của những Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Đỗ Thị Bông - những người luôn giữ cho cự ly trung bình nữ Việt Nam một vị thế đáng nể ở sân chơi SEA Games. Nhưng vươn tới đẳng cấp châu Á, có cơ hội lấy vé dự Olympic thì chỉ Thanh Hằng cụ thể hóa được. Thành ra, Thanh Hằng vẫn mãi là tượng đài ở tổ cự ly trung bình nữ, cho đến khi một ai đó làm được hơn những gì cô đang sở hữu: vô địch châu Á, á quân Asian Games, vượt chuẩn dự Olympic…

Thảo còn trẻ, nói như HLV Từ Tâm, còn phải phấn đấu nhiều, rất nhiều nữa mới mong đến ngày qua mặt được tượng đài Trương Thanh Hằng. Vì thế, khi cô gái vàng Thanh Hằng dính chấn thương ác nghiệt và chưa thể trở lại, giới chức điền kinh Việt Nam cũng không dám đặt hoàn toàn niềm tin vào Đỗ Thị Thảo.

2. Người ta vẫn đặt dấu hỏi từ cách đây 2 - 3 năm, rằng nếu tay vợt Nguyễn Tiến Minh giải nghệ, ai đủ sức giữ cho vị thế của cầu lông Việt Nam vững vàng ở bảng tổng sắp thế giới?

Thực tế Tiến Minh là trường hợp hy hữu của cầu lông Việt Nam đạt được thành công và luôn có thứ hạng cao trên thế giới. Mà đã là hy hữu thì không phải lúc nào cầu lông Việt Nam cũng sản sinh được VĐV xuất chúng như thế.

Phải chờ đợi sau rất nhiều thế hệ, cầu lông Việt Nam mới tìm được chỗ đứng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới nhờ vào tài năng đặc biệt của Nguyễn Tiến Minh, mặc dù trước kia, chúng ta cũng có nhiều tay vợt nổi danh như Nguyễn Anh Hoàng, Nguyễn Thế Huy…

Nhưng đáng buồn là, nhìn phía sau Tiến Minh, chưa thấy tay vợt nào đáng được coi là kế cận được đàn anh. Cũng có vài cái tên từng xếp trong diện khá như Hoàng Nam, Phương Nam, Bằng Đức, Mạnh Thắng (nam) hoặc Vũ Thị Trang, Phương Nhi, Hà Anh (nữ)… Tiếc rằng, tất cả mới chỉ dừng ở mức triển vọng, chưa từng thể hiện được rằng họ đã sẵn sàng gánh vác thời cuộc khi tượng đài Nguyễn Tiến minh rời cuộc chơi.

LÊ QUANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thethao/2013/5/319450/