Phía sau thỏa thuận lịch sử của Liên Hợp Quốc

Chuyên gia nhận định thỏa thuận lịch sử về bảo tồn biển là bước tiến lớn khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, song vẫn còn nhiều yếu tố cần hoàn thiện.

Sau gần hai thập kỷ lập kế hoạch và đàm phán, phần lớn các quốc gia đã đạt được đồng thuận về một hiệp ước lịch sử của Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ đa dạng sinh học đại dương. Đỉnh điểm của nỗ lực này là cuộc họp xuyên đêm tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) hôm 4/3.

Khi sinh vật biển đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, đánh bắt cá quá mức, khả năng khai thác khoáng sản dưới đáy biển và các mối nguy hiểm khác, hiệp ước sẽ cho phép tạo ra các khu bảo tồn biển và ban hành nhiều biện pháp bảo tồn khác trên vùng biển quốc tế.

 Bà Liz Karanm, Giám đốc dự án Bảo tồn Sinh vật Đại dương thuộc Quỹ từ thiện Pew. Ảnh: Quỹ từ thiện Pew.

Bà Liz Karanm, Giám đốc dự án Bảo tồn Sinh vật Đại dương thuộc Quỹ từ thiện Pew. Ảnh: Quỹ từ thiện Pew.

“Thỏa thuận tạo ra khung pháp lý để thiết lập một mạng lưới khu bảo tồn biển và các công cụ quản lý dựa trên từng khu vực. Văn bản thỏa thuận không quy định mức độ bảo tồn, nhưng bao gồm cả bảo vệ mức độ cao và bảo vệ hoàn toàn, cũng như các công cụ quản lý khác giúp đạt mục tiêu sử dụng bền vững”, bà Liz Karanm, Giám đốc dự án Bảo tồn Sinh vật Đại dương thuộc Quỹ từ thiện Pew, chia sẻ với Zing.

Trong khi đó, bà Jessica Battle, chuyên gia chính sách và quản trị đại dương toàn cầu cấp cao của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nhận định đây là một thỏa thuận tốt, “vì nhiều quốc gia với những mối quan tâm khác nhau về nhiều chủ đề đã đạt được sự đồng thuận”.

Không những vậy, việc Liên Hợp Quốc đạt được thỏa thuận này ở thời điểm hiện tại khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương giữa lúc thế giới ngày càng trở nên phân cực, bà Battle lưu ý.

Quyền lợi đi kèm trách nhiệm

Bà Karanm nhận định thỏa thuận lịch sử trên nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia, bao gồm các vùng biển và đại dương nằm ngoài giới hạn 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia.

Theo vị chuyên gia từ Quỹ từ thiện Pew, các khu bảo tồn này có thể đáp ứng mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và đại dương vào năm 2030, được thống nhất vào tháng 12/2022 theo Khung đa dạng sinh học toàn cầu (Global Biodiversity Framework).

Cùng chung quan điểm, bà Battle cho biết thỏa thuận tạo ra khuôn khổ chỉ định các khu bảo tồn trên vùng biển quốc tế, khi 2/3 đại dương nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

 Bà Jessica Battle, chuyên gia chính sách và quản trị đại dương toàn cầu cấp cao của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF). Ảnh: Geneva Environment Network.

Bà Jessica Battle, chuyên gia chính sách và quản trị đại dương toàn cầu cấp cao của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF). Ảnh: Geneva Environment Network.

Theo WEF, gần 2/3 bề mặt Trái Đất là đại dương, và biển bao bọc 95% môi trường sống của các loài sinh vật. Tuy nhiên, chỉ 1% vùng biển quốc tế được bảo vệ theo quy định và 39% biển thuộc quyền tài phán của từng quốc gia. Phần còn lại hiện chưa có ràng buộc pháp lý rõ ràng và đang chịu nhiều rủi ro từ các hoạt động gây tổn hại môi trường biển.

“Khả năng thành lập các khu bảo tồn trên vùng biển quốc tế được coi là cần thiết nếu các quốc gia muốn đáp ứng mục tiêu trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu đã thống nhất vào tháng 12/2022: Bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% đại dương và đảm bảo 30% các khu vực bị suy thoái sẽ trong giai đoạn phục hồi vào năm 2030”, bà Battle cho biết.

Để đạt được thỏa thuận lịch sử này, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã trải qua gần 20 năm đàm phán. Lý giải về hành trình dài này, bà Battle cho rằng hiệp ước có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến vùng biển quốc tế, vốn thuộc sở hữu chung của tất cả quốc gia, khiến việc tìm kiếm điểm chung cần nhiều thời gian.

 Bà Rena Lee - Chủ tịch hội nghị - bật khóc khi thông báo về thỏa thuận bảo vệ biển quốc tế tại phiên họp Liên Hợp Quốc ngày 4/3. Ảnh: Guardian.

Bà Rena Lee - Chủ tịch hội nghị - bật khóc khi thông báo về thỏa thuận bảo vệ biển quốc tế tại phiên họp Liên Hợp Quốc ngày 4/3. Ảnh: Guardian.

“Việc tìm kiếm điểm chung về các vấn đề chia sẻ kiến thức, công nghệ và lợi ích, cũng như tài trợ cho quá trình thực hiện hiệp ước rất tốn thời gian. Tuy nhiên, cuối cùng, các quốc gia đã đồng ý rằng quyền lợi chung với tài nguyên đại dương phải đi kèm trách nhiệm chung”, bà cho hay.

Trong khi đó, bà Karanm chia sẻ vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán này liên quan đến chia sẻ lợi ích tài chính từ việc thương mại hóa nguồn gene biển trong vùng biển quốc tế.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra một khó khăn tương tự, liên quan đến mối quan hệ giữa thỏa thuận mới và các cơ quan khác đang hoạt động ở vùng biển quốc tế, chẳng hạn các tổ chức quản lý đánh bắt cá khu vực và Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế.

Theo bà Liz Karanm, các khu bảo tồn biển quốc tế có thể góp phần đảm bảo một đại dương khỏe mạnh nhờ cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển - nơi chúng thích nghi với biến đổi khí hậu mà không phải chịu thêm tác nhân tiêu cực từ hoạt động công nghiệp.

“Luôn có không gian cải thiện”

Theo bà Liz Karanm, các khu bảo tồn biển quốc tế có thể góp phần đảm bảo một đại dương khỏe mạnh nhờ cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển - nơi chúng thích nghi với biến đổi khí hậu mà không phải chịu thêm tác nhân tiêu cực từ hoạt động công nghiệp.

Bà Karanm cũng ghi nhận một trong những yếu tố cốt lõi của thỏa thuận này là hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả và công bằng các mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ biển cho các nước đang phát triển.

Chia sẻ chung quan điểm với giám đốc Karanm, bà Battle nhấn mạnh đại dương là “đồng minh to lớn” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vì một đại dương khỏe mạnh có thể giúp hấp thụ và loại bỏ carbon.

 Một con tàu đánh bắt mực trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos.Ảnh: AP.

Một con tàu đánh bắt mực trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos.Ảnh: AP.

“Chẳng hạn, cá biển và cá voi được chứng minh có khả năng lưu trữ carbon trong cơ thể và khi chết, chúng chìm xuống đáy đại dương, khóa lượng carbon đó suốt hàng trăm năm. Vì vậy, bảo tồn quần thể động vật biển rất quan trọng trong việc giúp điều hòa khí hậu”, bà nhận định với Zing.

“Điều quan trọng nữa là giữ nguyên đáy biển sâu và ngăn chặn các hoạt động khai thác mang tính phá hoại, vì điều này sẽ cản trở quá trình cô lập carbon của biển sâu”, bà nói thêm.

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn biển, vị chuyên gia từ WWF cũng ghi nhận việc đạt được thỏa thuận trong một cuộc đàm phán đa phương là bước tiến lớn. Đây là tín hiệu cho thấy chủ nghĩa đa phương vẫn có hiệu quả ngay cả trong một thế giới ngày càng phân cực.

“Chúng tôi đang mong chờ thời điểm thỏa thuận có hiệu lực và các quốc gia có thể gặp nhau tại các hội nghị COP”, bà nói.

“Tại đây, chúng tôi hy vọng họ sẽ bổ sung tiêu chuẩn chi tiết và hướng dẫn thực tế đối với cách đánh giá tác động môi trường, cũng như thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển”, bà Battle nhận định, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận này vẫn chưa hoàn thiện và luôn có không gian để cải thiện.

Hải Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phia-sau-thoa-thuan-lich-su-cua-lien-hop-quoc-post1411897.html