Phía sau lợi nhuận 'khủng' của doanh nghiệp đồ uống

Nhìn vào lợi nhuận 'khủng', được ví như 'cỗ máy kiếm tiền' của các 'ông lớn' trong ngành bia rượu và nước giải khát như Sabeco, Tân Hiệp Phát, Pepsi, Coca-Cola… để thấy việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là điều khả dĩ. Thế nhưng, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành này vốn còn nhiều khó khăn, thị phần teo tóp, thì đòi hỏi chính sách tăng thuế nên có lộ trình phù hợp hơn.

Mới đây, trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên 2023 sắp diễn ra trong tháng 4 này, HĐQT Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - một “ông lớn” trong ngành bia tại thị trường Việt Nam, có đưa ra chỉ tiêu doanh thu năm 2023 đạt 40.272 tỷ đồng (tăng 15,1% so với năm 2022), lợi nhuận đạt 5.775 tỷ đồng (tăng 5%).

Cỗ máy kiếm tiền” dù cạnh tranh gay gắt

Xét về triển vọng của ngành bia trong năm nay, theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VCBS, sẽ tiếp tục phục hồi nhờ kênh on-trade (kênh tiêu dùng tại chỗ) với hoạt động kinh tế tiếp tục hồi phục và mở cửa du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt đối với người uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông và áp lực thu nhập sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành bia.

Đề xuất đánh thuế hỗn hợp đối với rượu bia và theo hướng tăng thuế đối với mặt hàng này.

Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các đối thủ hàng đầu sẽ khốc liệt hơn nhằm lấy lại thị phần đã mất trong đại dịch. Chưa kể, xét về rủi ro cho ngành này là nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, kéo theo đó, giá bán rượu bia trên thị trường đã tăng và tác động làm giảm tiêu dùng. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành sẽ phải tiếp tục chi mạnh cho marketing và khuyến mãi nhằm duy trì thị phần trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Thêm một thách thức khác cho ngành này là người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu. Bên cạnh đó là thị hiếu và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng đối với chất lượng, bao bì… sản phẩm.

Cần nhắc lại, hồi năm 2022, ngành sản xuất bia phục hồi khá tốt sau dịch, theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất bia đã tăng 29,8% so với năm trước đó, đạt 6,15 tỷ lít. Đây cũng là mức sản xuất cao nhất của ngành bia từ trước đến nay, cao hơn cả mức đỉnh năm 2019 là 5,1 tỷ lít.

Còn với mảng đồ uống có đường, nhân vụ việc ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát (sở hữu nhiều thương hiệu nước giải khát có tiếng trên thị trường) cùng con gái vừa bị khởi tố và bắt tạm giam, trong dư luận đang đặt ra vấn đề về “cỗ máy kiếm tiền” của DN này.

Theo đó, có thời điểm, như năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 nên Tân Hiệp Phát chỉ lãi sau thuế hơn 2.600 tỷ đồng. Còn năm 2019, trước khi xảy ra dịch, tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm Tân Hiệp Phát đạt đến 3.300 tỷ đồng, trong khi tổng lợi nhuận của 2 “ông lớn” đồ uống có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là Pepsi và Coca-Cola là 3.700 tỷ đồng.

Sau vụ việc vướng vào vòng lao lý của cha con ông Trần Quí Thanh, giới phân tích dự đoán sẽ có những thay đổi về vị thế của các DN trên thị trường nước giải khát sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt.

Bất lợi thuộc về doanh nghiệp nhỏ

Vài năm trở lại đây, thị trường nước giải khát đóng chai Việt Nam đã định hình rõ nét nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường gồm 3 doanh nghiệp FDI là Suntory Pepsi, Coca-Cola, URC cùng 2 DN nội địa là Tân Hiệp Phát và Masan. Tuy vậy, theo dự báo, sự việc Tân Hiệp Phát nếu diễn biến trở nên nghiêm trọng hơn dẫn đến khoảng trống về thị phần sẽ là cơ hội của các nhân tố mới trong mảng này.

Tính riêng lĩnh vực nước giải khát, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất. Và điều thấy rõ là lợi nhuận của các DN trong ngành có sự phân hóa rất lớn với lợi thế vượt trội của những DN chiếm thị phần chi phối trên thị trường.

Trong khi đó, các DN nhỏ lại chịu nhiều thiệt thòi, thị phần vừa mỏng mà doanh thu và lợi nhuận có những thời điểm sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Nhất là giá một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất có những thời điểm tăng cao ở mức kỷ lục đã ảnh hưởng nhiều tới khả năng phục hồi của các DN nước giải khát vừa và nhỏ.

Giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng trở nên khắc nghiệt như hiện nay trên thị trường bia và nước giải khát thì một thách thức không nhỏ cho các DN trong ngành này (nhất là các DN nhỏ và vừa) chính là vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong Dự thảo hồ sơ này có đề nghị bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do để bảo vệ sức khỏe người dân chống lại tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường.

Theo ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (được hiểu là đồ uống đóng chai công nghiệp) có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công như nước giải khát tự pha đóng chai, đóng vào cốc mang về (như trà sữa, cà phê mang đi…). Điều này có thể khiến mục tiêu chính sách không đạt được.

Ngoài ra, Dự thảo đề nghị bổ sung thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn với rượu bia, Dự thảo đang đề xuất sẽ đánh thuế hỗn hợp đối với rượu bia và theo hướng tăng thuế đối với mặt hàng này. Định hướng như vậy được cho là phù hợp với chủ trương của Nhà nước đối với lĩnh vực thuế.

Nhìn chung, nếu nhìn vào lợi nhuận “khủng” của những “ông lớn” trong ngành bia rượu và nước giải khát thì việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là điều khả dĩ. Nhưng với các DN vừa và nhỏ trong ngành vốn còn nhiều khó khăn, nếu khâu chính sách thiếu lộ trình phù hợp để kịp thích ứng thì bất lợi đối với họ sẽ càng lớn giữa bối cảnh cạnh tranh đầy khắc nghiệt này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/phia-sau-loi-nhuan-khung-cua-doanh-nghiep-do-uong-1092080.html