Phép trừ lặng lẽ

Tết nhiều khi là một cái cớ để người ta xếp đặt lại cuộc sống của mình, từ việc dọn dẹp phòng ốc, sửa sang nhà cửa, điều chỉnh thời gian biểu cho đến chuyện nhìn nhận bản thân trong suốt năm qua.

Thế rồi, lại cân nhắc bỏ đi thứ gì, thêm vào điều chi cho năm mới được vẹn tròn. Chỉ vậy thôi mà thành một nỗi băn khoăn, do dự.

Cho đến khi dọn phòng, tôi mới chợt nhận ra đồ đạc của mình lỉnh kỉnh quá. Chúng có vẻ nhiều hơn so với nhu cầu sử dụng hàng ngày. Căn phòng vốn hẹp, vì thế mà càng chật chội hơn. Tôi quyết định bỏ đi những vật dụng không cần thiết mà trước đó tiếc nên cố giữ lại. Nay bỏ được, tự nhiên thấy nhẹ người, dù đó chỉ là mấy vật ngoài thân.

Chúng ta thường mang tâm lý muốn sở hữu thêm chứ hiếm khi muốn khuyết một thứ gì đó, bởi nói sao đi nữa thì “được” vẫn hơn là “mất”. Thế nên, cuộc sống giống như một phép cộng và buộc mỗi người cứ phải mang theo biết bao “số hạng” bên mình.

Một căn nhà dễ bị quá tải bởi đồ đạc và vật dụng cá nhân, giống tâm trí con người dễ bị quá tải bởi những chuyện mình, chuyện đời. Đến một lúc nào đó, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải tạm rời xa một ý niệm, một định kiến, một ngộ nhận hay một tình thân. Tôi biết, đời sống này cần cái tình giữa người với người để tròn đầy thêm. Thật tốt khi có nhiều bạn bè ở bên cạnh, là điểm tựa tinh thần cho nhau trong một phút yếu lòng. Nhưng lúc này hay lúc khác, rất có thể họ sẽ rời đi như một phép trừ lặng lẽ.

Và nếu cứ cố đi tìm nguyên cớ thì ai cũng nhọc lòng. Chúng ta thường bị “vỡ” ra bởi những loay hoay trần thế.

Cuộc sống hiện đại kéo mỗi người vào vô tận những tương tác, kết nối. Dù vậy, tôi vẫn tin rằng, cốt lõi của mọi kết nối là sự chân thành chứ không phải nhiều hay ít. Nghĩ thế nên tôi tập quen dần với mọi sự đến và đi. Hẳn là với một ai đó, bao giờ chúng ta cũng có duyên cớ để ở lại hoặc rời xa.

Tôi hay tự hỏi, điều gì mới thật sự cần để giữ lại. Tiếng ồn của đời sống đôi khi không chỉ nằm ở những âm thanh. Thu nhỏ và quan sát mình kỹ hơn một chút để biết phải trừ đi những gì xung quanh và trong chính bản thân mình. Khi bỏ bớt tị hiềm, đua chen, toan tính và cả những rối rắm, giằng co… ắt hẳn con người sẽ rộng lòng. Thậm chí, bỏ một ham muốn biết đâu lại giúp ta bớt nỗi hụt hẫng khi sự không thành. Như một căn phòng nếu gạt đi những vật không cần thiết thì không gian sẽ thoáng đãng hơn.

Ở một góc độ nào đó, có lẽ “cuộc sống càng đơn giản, trái tim càng giàu có”. Nhưng thật chẳng dễ dàng để chấp nhận trừ đi hoặc biết trừ đi.

Một phép trừ đúng đắn làm cho cuộc sống tinh giản hơn, mỗi người tự kiểm soát mình tốt hơn. Tết cận kề, mùa xuân cũng vừa chạm ngõ, quý giá nhất và quan trọng nhất là cái thời khắc ta gột rửa tâm trí mình, nhận diện một số chuyện trong đời mình.

Nếu “mùa xuân quá vội” thì không còn cách nào khác là tự chúng ta phải chậm rãi. Lùi lại một bước để dần cởi trói bản thân ra khỏi những vật chất cồng kềnh và cả những rối ren trong tương ngộ.

Mùa xuân chỉ đúng nghĩa khi mỗi người tự tạo cho mình một “môi sinh”, ở đó, đôi mắt biết nhìn đời rộng hơn, nhìn mình sâu hơn.

LỮ HỒNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phep-tru-lang-le-post263384.html