Phép thử nguy hiểm

Ở các nước châu Âu và cả ở bên ngoài châu Âu, trong mấy năm gần đây có công chiếu một vở kịch và mới rồi còn được dựng thành phim.

Nội dung vở kịch và bộ phim xoay quanh quyết định của một viên phi công quân đội đã bắn tan một chiếc máy bay dân dụng chở hơn 160 hành khách để ngăn cản chiếc máy bay này chủ động đâm xuống một sân vận động đầy người, tức là giết hại nhiều người để cứu sống nhiều người hơn.

Điều đặc biệt ở đây là khán giả và công chúng sẽ phán xét viên phi công kia có tội hay vô tội. Vở kịch đã được diễn 400 lần và bộ phim cũng rất ăn khách trên truyền hình ở nước Đức.

Chỉ ở Nhật Bản, công chúng cho rằng viên phi công đã phạm tội, chứ còn ở tất cả mọi nơi khác, số đông trong công chúng phán xử viên phi công vô tội. Văn học, nghệ thuật và truyền thông có quyền giả tưởng.

Nhưng về phương diện pháp lý thì vở kịch và bộ phim truyền hình chỉ có thể là một phép thử về nhận thức và tâm lý của công chúng với những hệ lụy không thể lường hết được.

Câu hỏi đặt ra cho công chúng trả lời là đánh giá như thế nào về hành vi chủ động giết người để cứu người. Luật pháp nghiêm trị hành động giết người nhưng đồng thời cũng không cho phép được giết người để cứu người, dù giết ít người hơn để cứu nhiều người hơn. Mạng sống của con người có giá trị pháp lý và luân lý như nhau.

Làm ra phép thử này chẳng khác gì đánh đố luật pháp và thách thức tâm lý cũng như tình cảm của công chúng. Nếu chỉ để giải trí thuần túy thì chuyện sẽ khác. Nhưng nếu để từ đó mà rút ra những kết luận hay gợi mở phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố thì hệ lụy của chuyện này rất nguy hiểm và tai hại.

Phán xử giả tưởng của công chúng sẽ rất có thể được dùng để biện luận và ngụy biện cho quyết định về cuộc sống của con người trong cuộc sống hàng ngày. Mọi sự lạm dụng đều gây hậu quả khôn lường.

Thiên Lang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/phep-thu-nguy-hiem-d27296.html