Phép màu cho trẻ sinh non

Tại Lào Cai, mỗi năm có khoảng 60 trẻ sơ sinh tử vong. Một trong những nguyên nhân chính gây tỷ lệ tử vong sơ sinh cao là do sinh non, nhẹ cân. Tại các đơn vị y tế, những bác sỹ, điều dưỡng với chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ hết lòng vì sự sống của trẻ sinh non.

Bác sỹ Quốc Kim Đức, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sinh non là khi trẻ chào đời từ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần thai kỳ. Trong khoảng thời gian trên, trẻ sinh ra càng sớm thì nguy cơ tử vong và để lại những biến chứng càng cao, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ. Theo dõi thai kỳ thường xuyên là biện pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng sinh non, đặc biệt ở những sản phụ đã từng có tình trạng sinh non trước đó.

Từ năm 2013, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh, như triển khai Dự án Làm mẹ an toàn nhằm đào tạo và duy trì hoạt động mạng lưới cô đỡ thôn, bản; tổ chức các lớp tập huấn cho cô đỡ thôn, bản và cán bộ y tế các tuyến về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và sau đẻ, chuyển tuyến dựa vào cộng đồng... đặc biệt là hỗ trợ triển khai kỹ thuật hồi sức sơ sinh tại phòng sinh và chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…

Trung bình 1 năm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đón khoảng 4 nghìn trẻ chào đời. Khoa Sơ sinh tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân, trong đó khoảng 15 - 18% là sinh non dưới 37 tuần. Phương pháp Kangaroo (Kangaroo Mother Care) là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non hoặc nhẹ cân đã và đang được áp dụng hiệu quả tại đây từ năm 2014. Phòng Kangaroo gồm 6 giường bệnh, liên tục tiếp nhận những trẻ đẻ non dưới 37 tuần và cân nặng dưới 2.500 g.

Bác sỹ Lê Thị Hạnh, phụ trách Khoa Điều trị Sơ sinh cho biết: Thực hiện phương pháp Kangaroo, trẻ sẽ được tiếp xúc da - kề - da với mẹ hoặc người thân. Trẻ được hỗ trợ việc cho bú và nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, được theo dõi chặt chẽ để phòng tránh các nguyên nhân tử vong thường gặp do sinh non và tăng cường sự phát triển thể chất, tâm thần vận động toàn diện.

Vừa qua, tại một hội thảo về trẻ sinh non tại Bệnh viện Sản - Nhi, những người mẹ có con sinh non, nhẹ cân điều trị thành công đã có cuộc gặp mặt xúc động với y, bác sỹ. Những em bé sinh non hôm nào chỉ chưa tròn 1 kg, hoặc hơn 1 kg giờ đã trở thành những cô bé, cậu bé thông minh, hoạt bát. Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe câu chuyện của chị Đỗ Trọng Quỳnh, ở tổ 31, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai). Năm 2019, chị Quỳnh mang thai bé đầu lòng và không may sinh non khi tuổi thai mới 29 tuần. Bé Trương Quỳnh Mai chào đời chỉ vỏn vẹn 900 g và được đưa ngay đến Khoa Sơ sinh điều trị trong lồng ấp. Chị Quỳnh tâm sự: Ngày đó, gia đình tôi đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất nhưng trong suốt những ngày tháng đầu đời, con đã được các bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc ngày đêm. Bác sỹ Lương Thị Lệ Quyên trở thành người mẹ thứ 2 của con. Gia đình tôi luôn mang ơn các cán bộ y tế đã giành lại sự sống cho con.

Không chỉ tại tuyến tỉnh, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc còn tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng điều trị, chăm sóc trẻ sinh non tháng, nhẹ cân cho đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên hiện nay, tại một số đơn vị y tế tuyến huyện, cơ vật chất, trang - thiết bị cho khoa sản, khoa nhi còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh.

Hoạt động truyền thông cũng luôn được chú trọng, giúp người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc trẻ em, từ đó, số người đến sinh con tại cơ sở y tế và chấp nhận áp dụng các bước chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tăng qua các năm.

Theo bác sỹ Lê Thị Hạnh, phụ trách Khoa Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, để tránh sinh non, phụ nữ không nên có thai trước tuổi 16 và sau 35 tuổi. Tất cả phụ nữ có thai đều cần được quản lý thai, được khám thai định kỳ đủ 4 lần/3 thời kỳ và được tư vấn, chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý. Thai phụ và gia đình cần lưu ý các dấu hiệu báo động chuyển dạ như cơn gò tử cung, đau bụng, chảy máu âm đạo…

Việc đi khám và chẩn đoán sớm sẽ hỗ trợ rất lớn trong điều trị và dưỡng thai, trong những trường hợp mắc bệnh lý đặc biệt, có nguy cơ cao sinh non, thai phụ sẽ được bác sỹ chỉ định dùng thuốc hoặc thủ thuật thích hợp. Đặc biệt, thai phụ cần sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo các trẻ sinh non, nhẹ cân được chăm sóc, điều trị trong điều kiện tốt nhất.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phep-mau-cho-tre-sinh-non-post378324.html