Phe ủng hộ Ukraine chuyển sang lấy lòng ứng viên Trump như thế nào?

Trước thực tế ông Trump khả năng cao sẽ tái đắc cử tổng thống Mỹ, các lực lượng thân Ukraine ở châu Âu đã thay đổi cách tiếp cận, chuyển sang lấy lòng ứng viên Trump bằng nhiều cách khác nhau, chủ động gắn Ukraine với lợi ích kinh tế trước mắt của Mỹ...

Phe thân Ukraine quay sang thân thiện với đội ngũ ông Trump

Nhiều người ở châu Âu lo lắng rằng ông Donald Trump có thể đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 trong bầu cử sắp tới, kéo theo việc Mỹ chấm dứt sự ủng hộ dành cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Trong bối cảnh đó, những người sốt sắng chống Nga đã lựa chọn một cách tiếp cận mới: Cố gắng thân thiện với đội ngũ tranh cử của ông Trump.

Ứng viên tổng thống Mỹ 2024 Donald Trump. Ảnh: Nytimes.

Cụ thể, để đạt được mục đích đó, đảng cầm quyền tại Litva (nước ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine) vào tháng 3/2024 đã tổ chức các cuộc họp giữa một bên là các chính trị gia Ukraine và Baltic muốn tăng chi tiêu quân sự để đối phó với Nga và một bên là nhóm các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump trước đây. Cùng dự các cuộc họp này là các thành viên của các nhóm thân ông Trump như Heritage Foundation - một nhóm bảo thủ có ảnh hưởng nhưng hoài nghi việc giúp đỡ Ukraine.

Đứng đầu những người Ukraine tham gia các sự kiện này là Oleksandr Merezhko - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ukraine, đồng thời cũng là đồng minh của Tổng thống Ukraine Zelensky.

Ông Merezhko cho biết việc tiếp cận đội ngũ tranh cử của ông Trump đơn giản là sự công nhận tình thế nguy hiểm của Ukraine trước tình hình chính trị Mỹ có nhiều biến động.

Ông Merezhko nói: "Khi chúng tôi chiến đấu vì sự sống còn của chính mình, chúng tôi không thể đối kháng với cả ông Biden lẫn ông Trump. Nếu chúng tôi đặt cược sai, chúng tôi có rủi ro đánh mất cả đất nước".

Ông Trump chưa nói rõ chi tiết về kế hoạch của mình đối với Ukraine nếu ông tái đắc cử nhưng nhiều người ủng hộ ông phản đối cực lực việc trợ giúp Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga.

Theo ông Merezhko và những người tham gia khác, nỗ lực tiếp cận này tập trung thảo luận về ý nghĩa của chính quyền Trump thứ 2 đối với tương lai Ukraine và NATO.

Chiến thuật gắn Ukraine với lợi ích kinh tế Mỹ

Một người ủng hộ ông Trump muốn biết lý do vì sao những người đóng thuế tại nước Mỹ lại phải trả tiền cho xung đột quân sự tại Ukraine. Do vậy, những người ủng hộ viện trợ cho Ukraine đã hối thúc Ukraine và các nước Baltic hãy đặt lời kêu gọi viện trợ chống Nga trong góc nhìn kinh tế vì như thế sẽ có sức hấp dẫn đối với ông Trump - người cách tiếp cận mang tính giao dịch trong vấn đề đối ngoại.

"Giúp đỡ Ukraine có nghĩa là mang lại việc làm cho người Mỹ" - ông Merezhko cho biết đã chia sẻ như vậy tại hội nghị của quỹ Heritage Foundation và Viện "Chính sách nước Mỹ trước tiên" - một tổ chức nghiên cứu có mối quan hệ thân thiện với ông Trump ở Washington.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (IISS, có trụ sở ở Washington) ước tính rằng khoảng 60% trong số 113 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn để giúp Ukraine sẽ được chi ngay trên đất Mỹ cho các vũ khí do Mỹ sản xuất và cho nhân viên quân sự Mỹ.

Zygimantas Pavilionis - một nghị sĩ Litva tổ chức cuộc họp nói trên, nói rằng thay vì đối đầu với ông Trump và những người ủng hộ ông ấy thì Ukraine và những ai ủng hộ nước này nên làm bạn với họ và giải thích rằng "có lợi ích lớn của Mỹ trong cuộc đấu với Nga".

Kể từ khi ông Trump chiến thắng trong bầu cử sơ bộ tại Iowa vào tháng 1/2024, nhiều chính trị gia châu Âu đã phải vật lộn để làm quen được với thực tế là ông Trump có thể đắc cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ nữa.

Alicia Kearns - nghị sĩ Bảo thủ trong Nghị viện Anh, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của cơ quan này, đánh giá rằng cử tri Mỹ hoàn toàn có thể bầu lại ông Trump - người mà bà rất không ưa.

Tuy nhiên, bà Kearns cũng đã cố gắng thích ứng với thực tế đó và tìm cách tiếp cận quỹ Heritage Foundation, gia nhập một nhóm các nghị sĩ châu Âu đi thăm các văn phòng của tổ chức này tại Washington trong năm nay (2024). Đầu tháng 4 này, Ngoại trưởng Anh Cameron cũng đã đích thân gặp ông Trump.

Và vào ngày 17/4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine, đã gặp cựu Tổng thống Mỹ Trump tại New York để thảo luận về NATO và chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Trái lại, mối quan hệ giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky đã bị phủ bóng bởi các cáo buộc cho rằng ông Trump đã sử dụng viện trợ quân sự Mỹ làm công cụ gây sức ép buộc Ukraine phải điều tra ông Biden và người con trai Hunter.

Donald Tusk - Thủ tướng theo đường lối trung dung của Ba Lan, từng bày tỏ sự phẫn nộ hồi tháng 2 khi những đảng viên Cộng hòa thân ông Trump trong Quốc hội Mỹ chặn một gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD dành cho Ukraine.

Đồng nhất mục tiêu giúp Ukraine với kiềm chế Iran - Trung Quốc

Robert Wilkie - một người tham gia vào cuộc họp ở thủ đô Litva, nói rằng những người ủng hộ Ukraine không nên lo lắng về triển vọng ông Trump tái đắc cử vì họ và ông Trump ở cùng chiến tuyến chống lại nhóm 3 nước muốn cạnh tranh với Mỹ, đó là Nga, Iran và Trung Quốc.

Ông Pavilionis - nhà tổ chức cuộc gặp gỡ ở Vilnius, nói rằng thay vì buồn phiền về tuyên bố của ông Trump sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ thì Ukraine và các đồng minh châu Âu nên xây dựng mối liên kết với phe Trump và trình bày với họ lập luận đơn giản sau: "Ngăn chặn Nga tức là ngăn chặn Trung Quốc và Iran". Theo ông này, phe Trump đặc biệt quan tâm đến việc kiềm chế Trung Quốc và Iran.

Tương tự, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng gắn xung đột Ukraine với Trung Quốc. Ông nói, Trung Quốc đang "theo dõi sát sao" những gì diễn ra tại Ukraine.

Theo ông Stoltenberg, "Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau" và "Trung Quốc là thách thức dài lâu, còn Nga là thách thức trước mắt".

Ông Wilkie lập luận thêm rằng trong 4 năm ông Trump làm tổng thống Mỹ, đã không xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nhưng khi ông Trump rời bỏ chức vụ này thì lập tức "mọi thứ bùng nổ" tại Ukraine.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phe-ung-ho-ukraine-chuyen-sang-lay-long-ung-vien-trump-nhu-the-nao-post1090358.vov