Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là đặc quyền của nữ giới

Nam giới phẫu thuật thẩm mỹ: Tôi đã thay đổi cuộc sống sau màn “lột xác” Nam giới đừng biến mình thành “con nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ Không thể tin được đây là khuôn mặt của Lệ Rơi sau phẫu thuật thẩm mỹ Hẳn nhiều người biết rằng, những người đầu tiên thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đa số là... đàn ông. Vậy vì sao lại cố giữ cái quan niệm phẫu thuật thẩm mỹ là đặc quyền riêng của phái nữ?

Trong khi dư luận đang tranh cãi về chủ đề nam giới có nên phẫu thuật thẩm mỹ hay không? Dù là khen ngợi hay chỉ trích, khởi nguồn bùng nổ những cuộc tranh luận hầu như ít nhắc tới cái nhìn về phẫu thuật thẩm mỹ trên nam giới. Liệu có phải xã hội đã chấp thuận sự công bằng giới tính trong vấn đề làm đẹp – điều mà trước nay khiến phái mày râu e ngại?

Từ những làn sóng ngầm trong phong trào bình đẳng giới…

Người đầu tiên được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ là một chàng lính thủy Anh quốc bị mất chiếc mũi trong Thế chiến thứ nhất. Không có gì ngạc nhiên khi mục đích ban đầu của việc phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ hoàn toàn không phải là để làm đẹp với bối cảnh thời bấy giờ, mà chỉ là phương pháp khắc phục những tổn thương ngoại hình trong chiến tranh.

Nhiều người cho rằng nam giới phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giảm độ nam tính.

Chính vì vậy, không có cơ sở nào công nhận phẫu thuật thẩm mỹ là đặc quyền của nữ giới, ít nhất cho đến khi người ta phát kiến ra phẫu thuật nâng ngực.

Quay ngược thời gian trở lại quá khứ, quan niệm “đàn ông phải có tiền (tài), đàn bà phải có sắc” trói buộc cả 2 giới trong những định kiến về một cuộc đời viên mãn. Từ bao giờ, làm đẹp – phấn son và thời trang, được coi là đặc quyền của phụ nữ, còn tiền tài, danh vọng là "đặc sản" của đàn ông.

Đâu đó còn có câu nói: “Làm đàn bà có thể xấu, nhưng làm đàn ông không thể trắng tay” càng đẩy người đàn ông vào vị thế phải gai góc, mạnh mẽ.

Trong khi quyền tự chủ của phái nữ ngày càng được công nhận, thì vấn đề làm đẹp của nam giới lại bị bỏ ngỏ và thường xuyên bị áp đặt định kiến về giới tính. Nhiều người nhận xét việc làm đẹp – đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ - ở nam giới là thiếu nam tính và chính bản thân phái mạnh cũng coi đó là một giới hạn không nên vượt qua.

...đến cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ thời hiện đại

Ngày nay, tài và sắc ở cả 2 phái luôn song hành với nhau. Yêu cầu về thành công sự nghiệp ở phái nữ ngày càng cao thì yêu cầu về nhan sắc của phái nam cũng được đưa lên bàn cân – kể từ khi nền công nghiệp giải trí bắt đầu lăng xê những nam tài tử đẹp như mơ.

Không phải ai cũng nên phẫu thuật thẩm mỹ.

Thậm chí, nhan sắc trong thời đại ngày nay đối với nam giới đôi khi có sức nặng hơn cả tài năng và danh vọng. Không chỉ những người hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trước công chúng mới cần ngoại hình lung linh mà hầu như sự chỉn chu, duyên dáng và ưa nhìn thúc đẩy cho mọi sự đều trơn tru và dễ dàng không chỉ trước những người khác giới mà còn cả trong công việc và giao tiếp.

Phẫu thuật thẩm mỹ dành cho mọi người, nhưng không phải mọi người đều phù hợp với phẫu thuật thẩm mỹ. Công thức này áp dụng chung cho cả nam và nữ giới ngày nay. Phẫu thuật thẩm mỹ ngoài việc giúp hoàn thiện ngoại hình còn là một liệu pháp tâm lý hữu hiệu đem lại sự tự tin và hạnh phúc, vì vậy không có gì sai khi nam giới tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc.

Tuy nhiên, phẫu thuật thẩm mỹ luôn là con dao hai lưỡi, phải khéo léo trong việc lựa chọn phương thức và địa chỉ làm đẹp, cũng như tiết chế trong giới hạn thích hợp với bản thân. Thẩm mỹ không làm mất đi sự nam tính hay không thể áp đặt định kiến về giới tính lên một ai đó, miễn là chính bản thân người đó thấu hiểu nhu cầu của bản thân mình.

Phương Uyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/da-qua-roi-cai-thoi-dan-ong-chi-cham-cham-kiem-tien-a335124.html