Phát triển xe đạp để góp phần 'xanh hóa' Thủ đô

Để xe đạp công cộng có thể 'phủ' rộng và phát triển ở Thủ đô vẫn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó đặc biệt là hoạt động hỗ trợ chính sách.

Tại Hà Nội, mạng lưới vận tải công cộng có dư địa phát triển lớn, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với những hạn chế nhất định. Nhìn từ địa hình, quy hoạch các ngõ phố có thể thấy, ngõ phố của Thủ đô có đặc thù là nhỏ và sâu nên việc thu hút người dân di chuyển qua các điểm giao thông công cộng vẫn gặp khó khăn nhất định. Do vậy, mạng lưới xe đạp công cộng phát triển là bước đi đúng và là sự bổ trợ hợp lý của Thủ đô. Hiệu quả của bước đi này đã được chứng thực rõ nét khi chỉ sau hai tháng triển khai ở Hà Nội, kết quả thu được từ xe đạp công cộng là tương đối khả quan.

Để xe đạp công cộng có thể “phủ” rộng và phát triển được thì vẫn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó đặc biệt là hoạt động hỗ trợ chính sách. (Ảnh: Đinh Luyện)

Cụ thể, ngày 24/8/2023, dịch vụ xe đạp công cộng tại các quận nội thành Hà Nội chính thức được đưa vào khai thác. Chỉ sau hơn 2 tháng, đến nay đã có khoảng 100.000 người đăng ký sử dụng xe qua ứng dụng với tổng cộng gần 135.000 chuyến đi, trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Ở giai đoạn hiện tại, đây là điểm sáng và nhiều chuyên gia giao thông cho rằng nên tạo điều kiện để xe đạp công cộng phát triển.

Chia sẻ sức hấp dẫn của phương tiện giao thông công cộng, trong đó đặc biệt là xe đạp, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, chất lượng dịch vụ chính là biện pháp hữu hiệu giúp “kéo” người dân đến gần hơn, sử dụng phương tiện xanh nhiều hơn. Cụ thể, để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng, công ty đã xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 để xử lý sự cố trên đường. Phương tiện công ty đang sử dụng là loại chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, được đặt từ một nhà máy sản xuất phương tiện theo công nghệ châu Âu. Ngoài ra, công ty còn có đội ngũ bảo trì thường xuyên, tổng kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần.

Đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng của Trí Nam trong triển khai xe đạp công cộng trên 6 tỉnh thành của cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội thời gian gần đây, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đây là sự nỗ lực và cố gắng lớn của đơn vị. Bởi thực tế xe đạp công cộng không phải lần đầu tiên được triển khai ở Hà Nội. Trước đó, năm 2014, Công ty CP Môi trường xanh từng thí điểm xe đạp công cộng nhưng quy mô hẹp ở bốn trường đại học: Điện lực, Công nghiệp, Thương mại, Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Nhưng hoạt động thử nghiệm này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì nhiều điều kiện khó khăn nên phải tạm dừng.

Theo tìm hiểu, lợi ích mang lại từ xe đạp công cộng là rất lớn, song công tác đầu tư dịch vụ cho thuê xe đạp cũng là một trong những rào cản khiến mô hình xe đạp công cộng chưa phát triển rộng. Nói cách khác, hiện doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức khi phải đầu tư một số lượng lớn tài sản hữu hình, trong khi giá trị thu được từ mỗi lượt khách lại không cao, thời gian hoàn vốn khá dài. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp vận hành gần như phải “đốt tiền” để xây dựng thói quen người dùng. Chưa kể, việc vận hành lại cần quá nhiều chi phí: Sản xuất, bảo dưỡng, khấu hao và các loại phí quản lý đô thị như thuê vỉa hè.

Để dịch vụ xe đạp phát triển tốt hơn ông Đỗ Bá Quân đề xuất Nhà nước quan tâm hơn nữa cho dịch vụ xe đạp, tạo điều kiện về đảm bảo an ninh, an toàn ở các điểm trạm, coi xe đạp công cộng như các dịch vụ công cộng khác để được hưởng ưu đãi; đưa loại hình này vào hệ thống giáo dục, tuyên truyền từ trẻ mầm non để trẻ hiểu đây là phương thức để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện Hà Nội đã cấp phép cho Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành, đặc biệt các khu vực gần nhà ga bến tàu, các trường học, công viên, các trung tâm mua sắm, khu du lịch. Đây là dự án thí điểm quy mô lớn, tuy nhiên, hạ tầng dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội chưa đồng bộ, dù trong quy hoạch giao thông đã có nhưng thực tế chưa được triển khai, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. Bởi vậy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đang quan tâm để sớm có làn đường cho xe đạp

Được biết, hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đang triển khai tham mưu các chính sách, cơ chế đặc thù riêng cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và xe đạp công cộng nói riêng đưa vào các Luật Đường bộ, Luật Trật tự An toàn giao thông và Luật Thủ đô. Hiện nay, vỉa hè để làm trạm xe đạp công cộng cho công ty Trí Nam đang được miễn phí trong 1 năm thí điểm, sau khi kết thúc thí điểm sẽ có đánh giá để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hướng đi cho đồng bộ hơn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, xe đạp công cộng có thị trường, có khách, song để tồn tại và phát triển thành công thì cần phải coi đây là phương tiện vận tải hành khách công cộng để có bàn tay quản lý của Nhà nước và phải tạo được sự tin cậy của người dùng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo được sự tin cậy cho người dân, phải có đội ngũ xe thường xuyên đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, có hệ thống duy tu bảo dưỡng và kiểm soát chất lượng, có tương tác hiệu quả với hành khách, quá trình người dân sử dụng gặp sự cố phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ giải quyết giúp người dùng sử dụng dịch vụ được an toàn, thoải mái.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-xe-dap-de-gop-phan-xanh-hoa-thu-do-163238.html