Phát triển xe đạp công cộng: 'Nút thắt' ở khâu hạ tầng chưa đồng bộ

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng hạ tầng dành riêng cho xe đạp công cộng chưa đồng bộ, chưa có làn đường dành riêng cho loại hình này.

Có tiềm năng phát triển rất lớn, song việc triển khai xe đạp công cộng ở nhiều thành phố hiện vẫn đang gặp khó khăn về hạ tầng và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về các cơ chế, chính sách để phát triển loại hình này nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chưa có hạ tầng dành riêng

Tại buổi Tọa đàm “Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?” do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 23/11, thông tin đã triển khai xe đạp công cộng ở 6 thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hải Phòng và Vũng Tàu, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty vận tải số Trí Nam đánh giá dịch vụ này không chỉ nhận được sự quan tâm của Chính phủ, người dân mà cả những chính khách nước ngoài như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến thăm Việt Nam vừa qua. Đây chính là động lực, cơ sở để phát triển xe đạp công cộng mạnh hơn.

Tuy nhiên ông Quân cũng thừa nhận qua gần hai năm thí điểm, khó khăn lớn nhất là còn thiếu cơ sở hạ tầng cho xe đạp. Do đó, Công ty Trí Nam đề xuất khi chưa có hạ tầng dành riêng có thể mở cho xe đạp sử dụng chung với đường dành cho người đi bộ, bởi thực tiễn trên thế giới có những nước cho phép xe đạp đi chung với người đi bộ.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết hiện Hà Nội đã cấp phép cho Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành, đặc biệt các khu vực gần nhà ga, bến tàu, các trường học, công viên, các trung tâm mua sắm, khu du lịch.

“Hạ tầng dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội chưa đồng bộ, dù trong quy hoạch giao thông đã có nhưng thực tế chưa được triển khai. Hiện, Sở Giao thông Vận tải đang khẩn cấp nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024 đó là đường ven sông Tô Lịch và hệ thống hè quanh công viên Hòa Bình.

Về lâu dài, để người dân chuyển từ xe máy sang xe đạp, cần có chế tài như chỗ đỗ xe sẽ ưu tiên 70% cho xe đạp và chỉ có 30% cho xe máy. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng sẽ tham mưu các chính sách, cơ chế đặc thù riêng cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và xe đạp công cộng nói riêng vào các Luật Đường bộ, Luật Trật tự An toàn giao thông và Luật Thủ đô.

Các khách mời tham gia Tọa đàm “Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?” do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 23/11. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhận định điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập, trở ngại. Một số ngõ nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận nên phương tiện chính của người dân là xe máy, do đó cần hướng tới chuyển đổi đi xe máy sang đi bộ hoặc xe đạp.

Theo Quy hoạch, Hà Nội còn phát triển 10 tuyến đường sắt và dọc tuyến hành lang đó, có thể bố trí nhiều điểm đỗ cho xe đạp công cộng, từ đó, ông Hải khuyến nghị Công ty Trí Nam cần bám sát sự phát triển của hạ tầng đô thị, những tuyến đường mới.

“Hành lang về giao thông mới là những mảnh đất màu mỡ để khảo sát và mở rộng mạng lưới vận tải xe đạp công cộng,” ông Hải góp ý.

Tiềm năng còn rất lớn

Đặt vấn đề có cần trợ giá cho xe đạp công cộng, ông Hải cho rằng Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để dịch vụ được phát triển đúng hướng, sau đó sẽ trợ giá.

“So với các phương tiện khác, hiện tại giá xe đạp công cộng vẫn rẻ, đủ để người dân có thể chấp nhận được. Do đó, doanh nghiệp như Trí Nam cần nhiều hơn ngoài trợ giá, đó là môi trường, cơ chế chính sách…,” ông Hải nói.

So với các phương tiện khác, hiện tại giá xe đạp công cộng vẫn rẻ, đủ để người dân có thể chấp nhận lựa chọn làm phương tiện đi lại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khẳng định Nhà nước hỗ trợ chứ không phải trợ giá cho dịch vụ xe đạp công cộng, theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), việc thuê cơ sở hạ tầng bãi đỗ đã được thành phố hỗ trợ trong cả năm thí điểm vừa qua. Cơ quan Nhà nước luôn định hướng hài hòa lợi ích của 3 bên là nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

“Quan điểm của cơ quan chuyên môn và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đối với dịch vụ xe đạp công cộng đó là sẽ hỗ trợ liên tục, thường xuyên trong quá trình triển khai, vận hành. Trong tương lai cần có sự tổng kết, đánh giá toàn diện để đưa ra các cơ chế chính sách đầy đủ, hoàn thiện hơn,” ông Thành nêu ý kiến.

Thời gian tới, Hà Nội định hướng có thành phố phía Bắc và Tây Sông Hồng. Đây là những trung tâm tiềm năng để phát triển dịch vụ vận tải công cộng, trong đó có xe đạp. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất mở thêm 4-6 tuyến đường sắt đô thị cho các thành phố này, đặc biệt là đô thị phía Bắc Sông Hồng - hiện nay mạng lưới còn yếu.

Ông Thành cũng nhìn nhận trong tương lai, phần khung chính của vận tải công cộng vẫn là đường sắt công cộng, xe buýt. Đây là xương sống cơ bản, bên cạnh đó là hệ thống đường sắt khối lượng nhẹ, xe buýt nhanh BRT. Xe đạp công cộng là mắt xích để kết nối, gom khách đi vào đầu mối tập trung đi vào đường lớn đồng thời đưa ra chiến lược cụ thể để phát triển mạng lưới xe buýt đồng hành cùng đường sắt đô thị./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-xe-dap-cong-cong-nut-that-o-khau-ha-tang-chua-dong-bo-post909453.vnp