Phát triển xe buýt điện: Cần có quy hoạch hạ tầng nguồn điện cấp cho hệ thống trạm sạc

Sử dụng xe buýt điện là một trong những mục tiêu 'xanh hóa' ngành giao thông vận tải nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Hiện nay, TP Hà Nội đang xây dựng Đề án chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh, trong đó đẩy mạnh phát triển xe buýt điện cũng đang được các ngành chức năng tính toán kỹ lưỡng.

Tại TP Hà Nội, số lượng xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh chỉ mới chiếm tỷ lệ khoảng 13,6% (ảnh: Transerco).

Hiện nay, sử dụng năng lượng xanh cho xe buýt là một trong những giải pháp quan trọng mà nhiều nước trên thế giới đang chú trọng nhằm giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh từ giao thông, giải quyết vấn đề môi trường.

Ở nước ta, ngày 22/7/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, với lộ trình: Từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Tỷ lệ xe buýt điện đạt ít nhất 5% ở các đô thị loại I. Từ năm 2030, tỷ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%, 100% số xe taxi thay thế và đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Có thể thấy, những mục tiêu này đã thể hiện rõ tầm nhìn cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này còn gặp nhiều thách thức qua các chính sách với xe buýt điện nói riêng và các loại xe điện nói chung.

Hiện nay, TP Hà Nội có tới 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng xanh, chỉ mới chiếm tỷ lệ khoảng 13,6%, bao gồm: 139 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến và 138 xe buýt điện của Công ty TNHH Vận tải sinh thái Vinbus. Trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diezel cần thay thế.

Tại tọa đàm "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?” do Báo Giao thông tổ chức ngày 28/11/2023, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết: Hiện có nhiều rào cản với việc “xanh hóa” phương tiện công cộng như cơ chế chính sách, nguồn lực chuyển đổi và hạ tầng phục vụ. Đây là điều các cơ quan quản lý cũng nhìn nhận rõ. Điều này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành cũng như các đơn vị doanh nghiệp liên quan.

Cũng theo ý kiến của các chuyên gia tham dự tọa đàm, việc chuyển đổi phương tiện xe buýt truyền thống sang phương tiện xanh, sạch đang gặp phải ba thách thức chính: Đầu tiên là vốn đầu tư, vì chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp. Thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh. Thứ ba, hiện nay vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh.

Đề cập đến vấn đề trạm sạc phục vụ xe buýt điện trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng: Để xây dựng hạ tầng nguồn điện, trạm sạc cho xe buýt điện cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của ngành điện lực. Các depot của xe buýt điện đều cần hệ thống sạc rất lớn đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày; trạm biến áp sử dụng cũng phải là trạm biến áp trung áp. Do đó, cần phải đưa vào quy hoạch của ngành điện về hạ tầng điện dành cho phương tiện xanh để đủ đáp ứng nhu cầu cho mạng lưới xe buýt xanh và cả các phương tiện khác.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Hiện nay, Thành ủy đang chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng Đề án chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh, để báo cáo HĐND TP thông qua. Theo dự thảo Đề án, Sở GTVT đề xuất chia lộ trình chuyển đổi thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2030) xe buýt xanh tại Hà Nội sẽ đạt khoảng 50 - 60%, giai đoạn 2 (từ năm 2030 đến năm 2035) con số này đạt từ 90 - 100%. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Đề án, việc lắp đặt hạ tầng trạm sạc cũng là vấn đề rất được quan tâm.

Theo ông Thái Hồ Phương, trong thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã làm việc với ngành điện lực để trao đổi, khảo sát, tính toán các phương án cấp điện cho trạm sạc, bởi vì nguồn điện để sạc cho xe ô tô buýt không giống như nguồn điện để sạc xe ô tô con hay xe máy điện thông thường. Đơn cử như các trạm sạc xe ô tô buýt điện mà Vinbus đang dùng là sử dụng nguồn điện từ trạm biến áp trung thế; mặt khác, xe buýt điện hiện nay đều là xe cỡ lớn, thời gian sạc sẽ lâu hơn mới đủ lượng điện để sử dụng; vì thế phương án đặt trạm sạc điện ô tô buýt ở các cửa hàng xăng dầu hay các khu vực dân sinh là không khả quan. Chính vì vậy, TP Hà Nội sẽ dự kiến đặt trạm sạc tại các depot với số lượng khoảng 9 – 19 trạm sạc để đảm bảo lắp đặt hệ thống điện phù hợp, an toàn trong quá trình vận hành.

Ông Thái Hồ Phương cũng nhấn mạnh: Việc chuyển sang xe buýt điện cần mức tiêu hao năng lượng điện lớn, tập trung theo các khu vực có điểm đầu cuối, depot xe buýt; đòi hỏi phải có sự vào cuộc của ngành điện lực trong việc quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc xe buýt. Theo kết quả buổi làm việc giữa Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội, đại diện Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đã khẳng định, với năng lực hiện tại, ngành điện đảm bảo đủ để phục vụ cho quá trình chuyển đổi phương tiện năng lượng điện của ngành giao thông vận tải, tuy nhiên cần xác định rõ về vị trí các depot để lắp đặt trạm sạc và các công trình phụ trợ để bố trí nguồn điện cho phù hợp, cần thời gian từ 3 - 5 năm để nâng cấp hệ thống điện khi số lượng phương tiện sử dụng điện lên trên 1000 xe.

Chia sẻ thêm về lộ trình Đề án chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết: Sở GTVT đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch chuyển đổi tổng thể, trong đó, có đề xuất một số chính sách để hỗ trợ cho công tác chuyển đổi (Ban hành hạn mức, quy trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất để đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như: trạm sạc điện, trạm nạp năng lượng, depot, bãi đỗ xe,..); Chính sách về xử lý phương tiện xe buýt diesel đang hoạt động. Việc chuyển đổi phương tiện xe buýt truyền thống sang phương tiện xe buýt điện, xe buýt năng lượng xanh là một chính sách lớn, cần phải có sự vào cuộc của các ngành và đặc biệt là phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp vận tải.

Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-xe-buyt-dien-can-co-quy-hoach-ha-tang-nguon-dien-cap-cho-he-thong-tram-sac-370743.html