Phát triển thẻ vé giao thông, kinh nghiệm từ Ireland

Để có được hệ thống thanh toán vé giao thông công cộng tiện lợi và đồng bộ như hiện nay, Ireland đã gặp rất nhiều khó khăn...

Câu chuyện phát triển thẻ thông minh sử dụng cho mọi loại phương tiện công cộng ở Dublin và nhiều khu vực trên khắp Ireland có thể là kinh nghiệm cho các nước đang phát triển.

Người dùng thẻ Leap có thể thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại

Người dùng thẻ Leap có thể thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại

Trải nghiệm đáng nhớ của du học sinh Việt

Là du học sinh Việt lần đầu sang Dublin, Ireland, một quốc đảo nhỏ tại châu u, theo học tại trường Dublin City University (DCU), Nguyễn Kim được lưu ý, việc phải làm đầu tiên là đăng ký một chiếc thẻ đi lại có tên là TFI Leap (viết tắt là Leap).

Bởi đây là chiếc thẻ mà hầu hết người dân bản địa thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng tại Thủ đô Dublin, đều có. Với những sinh viên như Kim, việc này rất cần thiết vì sẽ giúp giảm chi phí đi lại.

Với chiếc thẻ này, hành khách có thể dễ dàng thanh toán tiền vé trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa khắp Ireland và thậm chí một số hãng xe tư nhân liên tỉnh.

Riêng tại Thủ đô Dublin, Leap còn có thể được sử dụng trên hệ thống tàu khu vực ngoại ô Thủ đô Dublin (DART) và tàu điện Luas di chuyển khắp thành phố. Thao tác sử dụng rất đơn giản: chỉ cần đưa thẻ vào máy đọc thẻ trên xe buýt, xe khách và tại các ga tàu, ga tàu điện Luas.

Hành khách có thể kiểm tra số tiền dư trong thẻ ngay khi đưa thẻ vào máy đọc ở các phương tiện trên hoặc qua ứng dụng trên điện thoại và trang web của Leapcard.

Thay vì chuẩn bị sẵn tiền mặt hoặc xếp hàng tại các máy bán vé, hành khách có thể nạp tiền vào thẻ Leap thông qua ứng dụng trên điện thoại và tại nhiều cửa hàng tạp hóa, bán lẻ trên khắp Ireland với mức tối thiểu là 5 euro/lần nạp.

Thẻ Leap cũng được phân ra khá nhiều loại với nhiều ưu đãi khác nhau như thẻ dành cho trẻ em từ 5-15 tuổi, thanh thiếu niên 16-18 tuổi, sinh viên và thẻ dành cho người trưởng thành.

Để sở hữu một chiếc thẻ Leap, hành khách có thể đăng ký mua trực tuyến, nhận thẻ tại nhà hoặc trực tiếp tới các trung tâm phát hành thẻ. Riêng đối với sinh viên, các trường đại học cũng hỗ trợ mở thẻ và nhận thẻ ngay tại trường.

Như Kim, thời điểm cô mới sang Ireland là khi dịch Covid-19 mới hoành hành, phải hạn chế tới nơi đông người. Cô sinh viên trẻ rất bỡ ngỡ, không biết làm thế nào để tới trung tâm đăng ký thẻ.

Nhờ sự hướng dẫn của các bạn, Kim đã đăng ký tại trường qua hình thức trực tuyến và chỉ 1 tuần sau, thẻ được gửi về trường, rất nhanh gọn.

Nhiều lần chậm kế hoạch, đội vốn

Để có được hệ thống thanh toán vé giao thông công cộng tiện lợi và đồng bộ như hiện nay, Ireland đã gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển hệ thống giao thông công cộng cũng như xây dựng và triển khai hệ thống thẻ TFI-Leap.

Là một quốc đảo nhỏ, hệ thống giao thông tại Ireland từ xưa tới nay chủ yếu do các “ông lớn” dịch vụ vận tải cung cấp: Công ty Córas Iompair Éireann (CÍE) – cung cấp dịch vụ buýt tại Thủ đô Dublin (Dublin Bus), buýt liên tỉnh (Bus Éireann) và tàu hỏa Ireland (Irish Rail); công ty Conex - điều hành dịch vụ tàu điện Luas và các đơn vị vận tải hành khách tư nhân trên khắp Ireland.

Cuối thế kỷ XX, khi đưa ra kế hoạch phát triển hệ thống tàu điện Luas vào năm 2004-2005, chính phủ Ireland đã có tầm nhìn xây dựng một hệ thống bán vé tích hợp giúp hành khách di chuyển thuận tiện trên tất cả các loại phương tiện đường bộ trong khi vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các doanh nghiệp công - tư liên quan đến giá vé và sản phẩm của họ.

Tháng 5/1999, Phó lãnh đạo đảng cầm quyền Fianna Fáil Ireland - bà Mery O’Rourke khẳng định đang dần hoàn tất các đề xuất dự án thẻ thông minh tích hợp với các phương tiện công cộng tại Dublin.

Cơ quan Cung ứng Đường sắt Ireland (RPA) tiếp quản dự án và bắt đầu thực hiện từ năm 2002.

Giai đoạn đầu là triển khai tại Thủ đô Dublin và vùng ngoại ô, tiếp sau là triển khai trên khắp Ireland.

Chiếc thẻ thông minh đầu tiên được Bộ trưởng Giao thông vận tải Ireland Seámus Brennan lúc bấy giờ công bố vào tháng 4/2004 nhưng chỉ có thể sử dụng trên xe buýt thuộc công ty xe buýt Morton ở phía Nam Dublin.

Dự án này ban đầu được đầu tư 28 triệu euro và liên tục bị trì hoãn, gặp nhiều tai tiếng.

Tháng 3/2005, mẫu thẻ thông minh thứ hai mới được ra mắt và cũng chỉ sử dụng được trên dịch vụ tàu điện Luas.

Đến năm 2010, mẫu thẻ thông minh dành cho xe buýt toàn Thủ đô Dublin ra đời và tới tháng 12/2011, chiếc thẻ tích hợp toàn hệ thống mang tên TFI Leap mà người dân Ireland ngóng chờ nhiều năm mới ra mắt.

Kinh phí đầu tư dự án lúc này lên tới 55 triệu euro (hơn 59,8 triệu USD)

Qua 4 đời Bộ trưởng Giao thông mới hoàn thành

Thẻ TFI Leap.jpg

Thẻ TFI Leap.jpg

Trong suốt quá trình, hàng loạt vấn đề đã phát sinh. Đầu tiên, không phải tất cả các nhà khai thác vận tải đều sẵn sàng tham gia.

RPA đã cam kết sẽ cung cấp tất cả hỗ trợ cần thiết để các bên đồng ý tham gia và bảo đảm quyền lợi.

Thách thức thứ hai là việc thống nhất các quy định kinh doanh với các nhà khai thác dịch vụ vận tải tại Dublin. Đây là quá trình lâu dài và tốn nhiều thời gian.

Một vấn đề khác là việc phân bổ chi phí không phù hợp và gây lãng phí. Đến năm 2006, dự án này đối mặt với một cuộc điều tra về lãng phí ngân sách. Phần mềm do các cơ quan GTVT Ireland phát triển có khả năng bị loại bỏ.

Thời điểm đó, chi phí cho dự án đã ở mức 30 triệu euro và phần lớn tiền đã được chi cho các nhà tư vấn nước ngoài, thực hiện các dịch vụ tạm thời và rất ít được đưa vào đầu tư cho mục tiêu dài hạn. Đáng chú ý là khoản 3,6 triệu euro chỉ để thiết kế mẫu thẻ tích hợp, 349 nghìn euro để thẩm định dự án và 4,5 triệu euro cho phát triển thẻ riêng cho dịch vụ Luas.

Sau cuộc điều tra này, gã khổng lồ máy tính IBM đã gia nhập dự án, nhận thiết kế hệ thống hỗ trợ, với cam kết triển khai hệ thống này theo từng giai đoạn, từ cuối năm 2009.

Tính từ năm 2004 (thời điểm thẻ thông minh đầu tiên được ra mắt) đến năm 2011 (chiếc thẻ tích hợp hoàn toàn), Ireland đã trải qua bốn đời Bộ trưởng GTVT. Quá trình chuyển giao công việc giữa các nhà lãnh đạo cũng khiến dự án này thêm phần chậm trễ.

Thời gian đầu khi thẻ Leap mới được phát hành, để tiếp nhận phản hồi, giải đáp thắc mắc và khiếu nại cho người dân, chính phủ nước này đã thành lập một tổng đài hỗ trợ.

Tính từ ngày 12/12/2011 - 18/2/2012, 57.000 thẻ Leap đã được lưu hành và các chủ thẻ đã nạp hơn 2 triệu euro vào thẻ.

Cho tới nay, các hạn chế trên của thẻ Leap đều đã được cải thiện và chiếc thẻ này đang được sử dụng rộng rãi không chỉ ở Dublin mà còn rất nhiều khu vực khác trên khắp Ireland.

Theo thống kê mới nhất, tính đến năm 2021, Cơ quan Giao thông Quốc gia Ireland đã bán tổng cộng 5 triệu thẻ TFI-Leap.

Hành khách có thể tiết kiệm tới 32% chi phí đi lại khi sử dụng phương tiện công cộng.
Tính riêng trong khu vực Dublin, có khoảng 70% chuyến đi sử dụng phương tiện công cộng được thanh toán bằng thẻ Leap.

Ước tính, tổng doanh số và số tiền hành khách nạp thẻ để đi lại lên tới 1,8 tỷ euro.

An Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-trien-the-ve-giao-thong-kinh-nghiem-tu-ireland-d548813.html